30 tháng 3, 2016

Quấy Rối Tình Dục Trong Pháp Luật Việt Nam

Adam Johnson ( bi kết án 6 năm tù vì hành vi QRTD)
Luật sư Hoàng Văn Thạch
Quấy rối tình dục (sexual harrassment) là một hành vi phạm pháp theo quy định của nhiều nước. Trong một chỉ thị của Liên minh châu âu thì quấy rối tình dục có nghĩa là “Khi một thái độ có liên quan đến giới tính thể hiện ở hình thức có từ ngữ, không từ ngữ hay bằng cơ thể có mục đích hay có tác động làm tổn thương đến phẩm giá của một người hay tạo nên một môi trường mang nhiều dọa dẫm, thù địch, hạ thấp, lăng nhục, xúc phạm hay bối rối.” Đây cũng là cách hiểu chung theo thông lệ quốc tế. Ở Việt Nam cụm từ “quấy rối tình dục” cũng được ghi nhận trong một văn bản pháp luật nhưng không đưa ra bất cứ khái niệm nào giải thích hành vi này.
Năm 2012 lần đầu tiên cụm từ “quấy rối tình dục” xuất hiện trong một văn bản pháp luật của Việt Nam đó là Bộ luật lao động 2012. Đây được xác định là một hành vi bị nghiêm cấm, và là căn cứ để Người lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động. Ngoài ra không có bất cứ chế tài nào khác để xử lý người có hành vi quấy rối. Năm 2015, được sự giúp đỡ của Tổ chức lao động quốc tế ILO, Bộ lao động TBXH đã phối hợp với Phòng TM và CN Việt Nam công bố Bộ quy tắc ứng xử về quấy rối tình dục tại nơi làm việc, trong đó định nghĩa “quấy rối tình dục là hành vi có tính chất tình dục gây ảnh hưởng đến tâm lý của nữ giới, nam giới. Đây là hành vi không được chấp thuận, không mong muốn và không hợp lý làm xúc phạm đối với người nhận, tạo môi trường bất ổn, đáng sợ và thù địch”.  Đồng thời liệt kê các hình thức quấy rối tình dục có thể là bằng sự va chạm thể chất, bằng lời nói hoặc bằng một hành vi phi lời nói (ngôn ngữ cơ thể không đúng đắn, phơi bày tài liệu khiêu dâm). Tuy không phải là một văn bản quy phạm pháp luật nhưng nó được công bố bởi một cơ quan cấp trung ương nên đây có thể coi là một nguồn tham khảo đáng tin cậy. Mặc dù vậy thì  quấy rối tình dục vẫn chỉ được điều chỉnh ở lĩnh vực lao động trong mối quan hệ chủ - thợ; trong khi thực tế nó xuất hiện trong nhiều lĩnh vực khác của đời sống như gia đình, trường học và trong quá trình hành nghề người viết cũng chưa chứng kiến một vụ kiện lao động nào liên quan đến hành vi quấy rối tình dục.
Một vài dạng của hành vi quấy rối tình dục cũng được ghi nhận như một hành vi vi phạm pháp luật và có chế tài xử lý không đáng kể. Trong nghi định 167/2013/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh – trật tự tại điều 53 có quy định hành vi “kích động tình dục hoặc lạm dụng thân thể đối với thành viên gia đình mà thành viên đó không phải là vợ, chồng” có thể nhận mức xử phạt năm trăm ngàn đến một triệu đồng; một mức rất thấp so với thu nhập hiện nay.
Cụm từ “quấy rối tình dục” không được thể hiện trong Bộ luật hình sự của Việt Nam. Trước năm 2015 cũng không có bất cứ dạng hành vi quấy rối tình dục nào được ghi nhận như là hành vi phạm tội hình sự. Chỉ những hành ở cấp độ cao hơn như dâm ô với trẻ em, giao cấu với trẻ em, cưỡng dâm, hiếp dâm mới coi là tội phạm. Trong đó tội “dâm ô với trẻ em” tương ứng với tộ danh “quan hệ tình dục bằng đường miệng với trẻ em dưới 18t” theo Bộ luật hình sự của tiểu bang California mà diễn viên Minh Béo đang bị cáo buộc, mức hình phạt đối với tội này theo BLHS 1999 là từ 06 tháng đến 12 năm tù tùy từng trường hợp. Tuy vậy ở Việt Nam thì tội danh “dâm ô với trẻ em” của Việt Nam chỉ áp dụng đối với người bị hại dưới 16t; hành vi “dâm ô với trẻ em” cũng không có định nghĩa nhưng được giới luật sư và các cơ quan tố tụng hiểu là hành vi đụng chạm vào những bộ phận nhậy cảm của trẻ em hoặc buộc trẻ em đụng chạm vào những bộ phận nhậy cảm của người phạm tội (trong đó bao gồm cả hành vi quan hệ tình dục bằng đường miệng của Minh Béo). Cũng có một số ý kiến cho rằng một vài hành vi kiểu như quấy rối tình dục sẽ bị xử lý về tội làm nhục người khác theo Điều 121 BLHS 1999, nhưng thực tế hiếm khi ghi nhận.
Đến năm 2015 thì Việt Nam chính thức ghi nhận một dạng của hành vi quấy rối tình dục là hành vi phạm tội (có hiệu lực từ 01/07/2016). Đó là hành vi sử dụng trẻ em dưới 16t vào mục đích khiêu dâm. Theo đó tại Điều 147 BLHS 2015 quy định “Người nào đủ 18 tuổi trở lên mà lôi kéo, dụ dỗ, ép buộc người dưới 16 tuổi trình diễn khiêu dâm hoặc trực tiếp chứng kiến việc trình diễn khiêu dâm dưới mọi hình thức, thì bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm” – một số trường hợp nghiêm trọng hơn có mức hình phạt đến 12 năm tù.
Như vậy, dù chưa đầy đủ; nhưng theo xu hướng chung của quốc tế Việt Nam cũng dần dân có quy định để điều chỉnh những hành vi được coi là quấy rối tình dục tuy nó không được diễn tả bằng cụm từ “quấy rối tình dục”.
Liên hệ với hành vi mà Minh Béo bị cáo buộc tại Mỹ, nếu ở Việt Nam thì  hành vi “quan hệ tình dục bằng miệng với câu bé 14t” của anh này sẽ bị xử lý về tội “dâm ô với trẻ em”. 02 tội danh sau đó mà Minh Béo bị cáo buộc là: toan có hành động dâm ô với trẻ em dưới 14 tuổi, và hẹn hò gặp gỡ với dự tính có hành động dâm ô với trẻ vị thành niên sẽ không bị truy tố thêm về tội danh khác mà được sử dụng như là tình tiết để đánh giá tính chất nghiêm trọng trong hành vi, ý thức của bị cáo làm cơ sở để đưa ra hình phạt trong khung đã định.  Trong đó tội danh thứ 3 nếu đứng độc lập với 02 tội danh trước thì ở Việt Nam sẽ không bị truy tố về bất cứ tội danh nào cả.
Hà Nội, 30 tháng 03 năm 2016


26 tháng 3, 2016

Góc Nhìn Vụ Bắt Giam Facebooker Trần Minh Lợi

Hristo Toichkov
LS Hoàng Văn Thạch
Mấy ngày trước, dư luận thế giới bàng hoàng bởi vụ đánh bom ở sân bay Brussels, nhà chức trách gọi đây là hành vi khủng bố; cách đây hơn 01 tuần một vụ nổ ở khu đô thị Văn Phú làm chết 04 người, người ta cho rằng đây là một hành vi vô ý làm chết người vì thiếu hiểu biết và bất cẩn của chủ tiệm thu mua phế liệu. Và 04 năm trước Vũ Đức Tiềm ( ở Bắc Ninh) vì những mâu thuẫn vụn vặt đã cài thuốc nổ vào xe của chị dâu làm chị này và con gái thiệt mạng khi vừa ra khỏi nhà, anh ta bị xử tử hình vì tội giết người. Cả 03 vụ việc trên có điểm chung là đều làm chết nhiều người, vậy tại sao người ta không gọi Vũ Đức Tiềm là tên khủng bố, không coi vụ nổ ở Hà Đông là vụ giết người hay những kẻ đánh bom ở Brussels là kẻ vô ý làm chết người vì bất cẩn. Câu trả lời nằm ở mục đích, động cơ thực hiện hành vi của những người này. Rồi câu chuyện thực thi pháp luật ở nước ta, người dân cứ phải đút phong bì cho cán bộ để đi làm các thủ tục hành chính như như cấp sổ đỏ, xin xác nhận giấy tờ gì đó ở ủy ban …vv mà lẽ ra họ phải được phục vụ. Liệu người dân có đang phạm tội đưa hối lộ không?. Những dẫn chứng trên đây sẽ tiền đề để nói về những khía cạnh pháp lý trong vụ bắt giam facebooker Trần Minh Lợi đang được rất nhiều người chú ý vừa qua.
1.            Người đưa tiền có mục đích yêu cầu cơ quan Công an thả người hay không?
Trong vụ việc này cơ quan công an khởi tố đối với Trần Minh Lợi và người nhà của các con bạc về tội đưa hối lội 60.000.000đ. Theo Điều 289 BLHS 1999 mức hình phạt cao nhất có thể đến 20 năm tù.
Theo Điều 279 và 289 BLHS thì hành vi đưa hối lộ là hành vi đưa tài sản cho người có chức vụ để thực hiện một công việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa tài sản. Như vậy việc đưa tài sản cho người có chức vụ phải kèm theo mục đích là anh có muốn người ta thực hiện công việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của anh hay không thì mới coi là đưa hối lộ. Như đã ví dụ ở phần đầu cùng một hành vi làm nổ vật liệu nổ và làm chết nhiều người nhưng có người thì phạm tội khủng bố, có người là giết người, có người lại là vô ý làm chết người (và sẽ bị khởi tố về tội này nếu còn sống). Trong vụ án này nếu như người nhà các con bạc và Trần Minh Lợi ngay sau khi đưa tiền cho trung úy Công an đã tố cáo ngay việc này ra cơ quan chức năng mà chưa cần chờ đến việc người nhà của họ có được tại ngoại hay không thì rõ ràng mục đích của họ là để tố cáo cán bộ điều tra chứ không phải yêu cầu cán bộ điều tra tác động thả người. Nhưng nếu ngược lại – mục đích đưa tiền là để cho người nhà được tại ngoại, sau khi đạt được mục đích chính rồi mới tố cáo để đạt được mục đích tiếp theo thì thật khó để bào chữa cho hành vi của mình, lúc này “công” – “tội” sẽ phân minh, rõ ràng. “Tội” của anh là người phạm tội đưa hối lộ, còn “công” của anh giúp phát hiện thêm tội phạm khác của viên cảnh sát đã nhận tiền. Cái “công” này trong một số trường hợp có thể giúp anh được miễn trách nhiệm hính sự đối với “tội” mà anh phạm phải, nhưng không phải tất cả mọi trường hợp đều như vậy. Việc này pháp luật có quy định, nhưng việc xem xét có được miễn trách nhiệm hình sự hay không phụ thuộc vào yếu tố cảm tính rất nhiều (xem khoản 6 điều 289 BLHS dưới đây).
Trên đây mới chỉ là góc nhìn ở hành vi đưa tài sản và mục đích của việc đưa tài sản. Để đánh giá chính xác hành vi của người nhà con bạc và Trần Minh Lợi cần phải xem xét đến tình tiết dưới đây:
Cái gì đã khiến người dân phải “hối lộ” Công an?
Theo như thông tin báo chí đưa thì 06 con bạc bị Công an huyện Đắc Mil bắt quả tang với số tiền đánh bạc là hơn 04 triệu đồng. 04 triệu đồng là số tiền đủ để xử lý hình sự, nhưng trong một vụ án hình sự thì đây là số tiền rất nhỏ. Mức hình phạt cho người tham gia đánh bạc với số tiền từ 02 triệu – 50 triệu có thể là phạt tiền, phạt cải tạo không giam giữ, hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 03 năm. Trong pháp luật hình sự thì những tội có khung dưới 03 năm như tội Đánh bạc ở khoản 1 được xếp vào nhóm tội ít nghiêm trọng. Điều 88 Bộ luật tố tụng hình sự 2003 quy định đối với loại tội ít nghiêm trọng này chỉ được bắt tạm giam khi có căn cứ cho rằng người phạm tội có hành vi cản trở hoạt động điều tra hoặc có hành vi bỏ trốn hoặc sẽ tiếp tục phạm tội. Vậy câu hỏi là các con bạc có dấu hiệu của một trong ba hành vi này hay không mà Công an huyện Đăk Mil phải bắt tạm giam họ để rồi dẫn đến một loạt những người khác vướng vòng lao lý. Sở dĩ nói điều này vì thực tế lâu nay cho thấy các cơ quan điều tra thường không tuân thủ quy định này, việc bắt người quá dễ dàng. Việc bắt tạm giam được giải thích đơn giản là thấy cần thiết phục vụ cho hoạt động điều tra. Trong khi hình phạt của tội này có thể là phạt tiền hoặc cải tạo không giam giữ mà anh đã tạm giam người ta rồi thì khác nào mua cái xe 500 triệu bắt tạm ứng 01 tỷ đồng. Nếu như không có căn cứ chứng minh được những con bạc có hành vi cản trở hoạt động điều tra hoặc bỏ trốn hoặc tiếp tục phạm tội thì rõ ràng cơ quan Công an huyện Đăk Mil đang làm sai, cai sai đó rất nghiêm trọng vì nó tước đi quyền tự do của công dân. Đứng trước cái sai này đôi khi để được làm đúng người dân phải đưa tiền. Việc đó lâu nay người dân vẫn làm, từ việc xin sổ đỏ cho đến đăng ký thường trú … và được thừa nhận như là thực trạng của xã hội. Vậy phải chăng tất cả đó đều là hành vi đưa hối lộ.
Đây là lỗ hổng lớn của pháp luật, hiện chưa có hướng dẫn cụ thể, TAND Tối Cao cần sớm có hướng dẫn đối với hành vi đưa hối lộ theo hướng là việc đưa tài sản cho người có chức vụ để thực hiện một công việc theo yêu cầu hoặc lợi ích của người đưa tài sản mà công việc đó là để khắc phục, hạn chế việc cố tình sai phạm của người có chức vụ, quyền hạn thì không coi đó là hành vi đưa hối lộ. Với quy định hiện nay thì sẽ có nhiều người hiểu cứ đưa tiền là hành vi hối lộ.
Thực tế lâu nay chưa thấy xử lý hình sự đối với hành vi đưa tài sản cho người có chức vụ quyền hạn để họ bớt hành dân. Vì vậy nếu người nhà con bạc và Trần Minh Lợi có đưa tiền cho cán bộ điều tra để thả người vì trước đó đã bắt người trái pháp luật thì không nên xử lý hình sự đối với những người này. Nếu xử lý họ về hành vi đó thì về mặt tư duy nó cũng giống như chính quyền để các hộ kinh doanh lấn hết vỉa hè, người dân phải đi bộ xuống lòng đường rồi lại xử lý họ về hành vi vi phạm pháp luật giao thông.
Khoản 6 Điều 289 BLHS 1999 (sắp tới được thay thế bằng khoản 7 Điều 364 BLHS 2015) quy định:
Người bị ép buộc đưa hối lộ mà chủ động khai báo trước khi bị phát giác, thì được coi là không có tội và được trả lại toàn bộ của đã dùng để đưa hối lộ.
Người đưa hối lộ tuy không bị ép buộc nhưng đã chủ động khai báo trước khi bị phát giác, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự và được  trả lại một phần hoặc toàn bộ của đã dùng để đưa hối lộ.”
Hà Nội, 24 tháng 03 năm 2016






Góc Nhìn Vụ VTV & Bùi Minh Tuấn

Gheorghe Hagi
Luật sư Hoàng Văn Thạch
Việt Nam, một đất nước ngoài các sản phẩm như nông – lâm sản, khoáng sản thô và lao động phổ thông, chúng ta không có gì đặc biệt chào bán cho thế giới. Thị trường Việt Nam không khác gì một phiên chợ quê đìu hiu với những mặt hàng cây nhà lá vườn. 
Muốn cạnh tranh được với thế giới, chúng ta cần một nền kinh tế có hàm lượng trí thức cao hơn. Muốn vậy thì một trong các điều kiện là pháp luật cần khuyến khích và bảo hộ tốt cho quyền sở hữu trí tuệ (gọi tắt là SHTT). 
Nếu như trước đây nói đến SHTT chúng ta ngơ ngác như những người nông dân khi lần đầu nhìn thấy máy gặt đập liên hoàn của Nhật, thì ngày nay nó đã trở thành một khái niệm tương đối phổ thông. Cùng với quá trình hội nhập, một loạt các nghiệp vụ liên quan đến SHTT ra đời như: đăng ký nhãn hiệu, quyền tác giả; đăng ký li-xăng...
Các hợp đồng đối với đối tác hay người lao động đã bắt đầu kèm theo điều khoản bảo mật thông tin chặt chẽ. Các công ty Luật về SHTT vì thế cũng ngày một ăn nên làm ra. 
Ý thức bảo vệ quyền SHTT là vậy, nhưng ý thức của cộng đồng trong việc tôn trọng quyền SHTT của người khác lại chưa cao. Tính chuyên nghiệp trong xử lý xung đột khi phát sinh tranh chấp cũng gây nhiều ồn ào, tranh cãi. Sự việc mới đây giữa VTV và anh Bùi Minh Tuấn là ví dụ điển hình.
Vì sao VTV vi phạm?
VTV - Đài truyền hình quốc gia đã nhiều lần sử dụng, cắt ghép tác phẩm của người khác mà không ghi rõ nguồn, điều này đã vi phạm quyền đứng tên tác phẩm theo Khoản 2 điều 25 Luật Sở hữu trí tuệ. Đây hẳn không phải là chủ trương của VTV, vi phạm đó đến từ những con người trực tiếp thực hiện nội dung đó. Bản thân họ có lẽ không hẳn cố ý vi phạm một cách có chủ đích mà sự vi phạm đến từ sự vô tư trong công việc. 
Dường như người thực hiện đã quen với việc xài "chùa" tài sản SHTT của người khác. Thói quen này bắt đầu từ những thói quen nhỏ như nhìn bài hay chép tài liệu khi làm bài kiểm tra, đến việc to tát hơn như làm luận văn, luận án tiến sĩ. Thị trường thì nhan nhản sách và phim đĩa lậu. Chẳng ai dại gì để ý đến các tác phẩm gốc khi cả người bán và người mua đều có lợi. 
Hồi tôi còn học thì một trong những nguồn doanh thu của các cửa hàng photo là bán sách photo cho sinh viên, thậm chí đó có thể là các cuốn sách về SHTT. Sinh viên thì vô tư dùng và chẳng cần quan tâm đến việc mình có đang tiếp tay cho hành vi vi phạm SHTT hay không? 
VTV là một tổ chức – mà tổ chức thì hình thành từ những cá nhân. Cá nhân lại là một thực thể trong một xã hội, một xã hội coi việc xài "chùa" tài sản SHTT là bình thường, thì việc VTV mang tiếng đi “ăn cắp” của người khác cũng là dễ hiểu. 
Người Bị Hại có đang phản ứng một cách quá mức?
Anh Bùi Minh Tuấn là tác giả của tác phẩm Việt Nam qua góc nhìn flycam. Trước việc liên tục bị vi phạm quyền tác giả, anh đã buộc phải thực hiện quyền tự bảo vệ mình là yêu cầu Youtube khóa kênh của VTV. Tiếp theo, anh muốn có một lời xin lỗi công khai từ VTV. Các biện pháp tự bảo vệ này đều phù hợp với quy định tại Điều 198 Luật SHTT. 
Tuy nhiên, khi mà giữa hai bên đang trong giai đoạn tự hòa giải với nhau thì có vẻ như anh đang làm quá mọi chuyện khi đặt đến 9 camera tường thuật trực tiếp buổi gặp gỡ giữa hai bên và công khai tất cả mọi chuyện cho báo chí. 
Nếu thực sự chỉ vì không muốn mình bị rơi vào trường hợp như Tân Hiệp Phát và Võ Văn Minh, hoàn toàn có nhiều cách đơn giản hơn để tự bảo vệ mình như mời đại diện chính quyền, đoàn thể chứng kiến hoặc có thể sử dụng dịch vụ thừa phát lại để lập vi bằng về buổi làm việc.
Như đã nói, VTV là một tổ chức nhưng thực thi lại là con người. Với con người, danh dự, uy tín còn cao hơn cả việc đúng hay sai. Không ai có thể thoải mái khi đối phương đang tiếp đón mình theo cách như vậy cả. Cách sử xự như vậy có lẽ đến từ thói quen dùng các mối quan hệ gia đình, xã hội và các thiết chế phi tư pháp để giải quyết xung đột của người dân Việt Nam (mặc dù nó đang dần thay đổi).
Những điều anh Tuấn làm hoàn toàn đúng với pháp luật và cũng dễ hiểu nếu đặt mình vào tâm lý của một người bị xâm phạm bản quyền nhưng vấp phải thái độ có phần kẻ cả một số nhân viên VTV trên mạng xã hội, nhưng lại khiến sự việc đi xa bản chất ban đầu của nó là vi phạm bản quyền.
Bản thân anh Tuấn và một số bình luận trên mạng xã hội đã quy chụp quá mức khi cho rằng hành vi của VTV là "ăn cắp", trong khi về bản chất, đây là một vụ việc dân sự trong muôn vàn những xung đột rất bình thường mà xã hội luôn phải đối mặt khi vận hành, nhất là ở Việt Nam, nơi ý thức bản quyền còn là một vấn đề rất "sơ khai".
Thượng tôn pháp luật
Youtube đã khóa kênh của VTV, giờ anh cần một lời xin lỗi.Nếu VTV không hợp tác và tự nguyện, anh Tuấn có thể khởi kiện lên Tòa án. Hãy sử dụng quyền của mình một cách hợp lý bằng con đường tư pháp. 
Hành vi vi phạm của VTV đã rõ, bản thân VTV cũng đã thừa nhận. Hành vi đó đáng bị trừng trị và lên án. Nhưng việc trừng trị cần phải được giải quyết bằng các chế định pháp luật. Không nên làm mọi chuyện trở nên rối rắm bằng các lời tuyên chiến trên mặt báo và những động thái phòng vệ quá mức.  Nếu anh Tuấn khởi kiện vụ việc tại cơ quan tòa án khi hai bên không tự hòa giải được  cũng đồng nghĩa với tạo ra một tiếng vang và tiền lệ tốt để giải quyết những vụ xâm phạm bản quyền cũng như nhiều vụ việc dân sự khác có thể bị đẩy đi quá xa trong những tranh cãi rối rắm về đạo đức ứng xử trong tương lai. Đó cũng là hành vi đúng đắn nhất với 1 xã hội thượng tôn pháp luật. Cả 2 bên ai cũng có những lý lẽ đúng và sai để giải thích hành vi của riêng mình, nhưng thay vì bị cuốn theo những thước đo chín người mười ý, hãy để luật pháp lên tiếng.
Các phương tiện truyền thông và dư luận cũng đừng vì tâm lý bênh vực người yếu thế mà biến tướng câu chuyện với những lời lẽ cay nghiệt và đay nghiến khi mô tả hành vi người khác là “ăn cắp” trong khi như đã nói  nó chỉ là hành vi vi phạm pháp luật dân sự và hành chính như bao hành vi khác khi chưa gây ra hậu quả gì to tát.
1. Lược sử pháp luật về SHTT: 
Pháp luật về SHTT chính thức du nhập vào Việt Nam từ hơn 120 năm nay, bắt đầu từ khi người Pháp áp dụng Luật văn bằng phát minh 1893. Tuy nhiên trải qua nhiều biến động của Lịch sử, việc làm quen với các quy định về SHTT có lẽ chỉ bắt đầu từ Pháp lệnh bảo hộ sở hữu công nghiệp 1989 (trước đó ở Miền Nam có Luật về phát minh và Nhãn hiệu thương mại 1957). 
Sau này các quy định về SHTT được quy định tại BLDS 1995. Đến năm 2005 để gia nhập WTO chúng ta ban hành Luật sở hữu trí tuệ 2005 và mới đây được sửa đổi bằng Luật SHTT 2009.
2. Định nghĩa quyền SHTT:
Quyền SHTT hiểu nôm na là những gì do con người tư duy phát triển ra và có giá trị cho xã hội. Luật SHTT 2005 định nghĩa “Quyền sở hữu trí tuệ là quyền của tổ chức, cá nhân đối với tài sản trí tuệ, bao gồm quyền tác giả và quyền liên quan đến quyền tác giả, quyền sở hữu công nghiệp và quyền đối với giống cây trồng”.

Bạn Có Thể Liên Đới Với Người Gây Tại Nạn Giao Thông Như Thế Nào?

Juninho Perrnambucano
Ls Hoàng Văn Thạch
Mới đây, trên địa bàn quận Long Biên đã xảy ra vụ tai nạn đặc biệt làm chết 03 người. Cơ quan điều tra đã khởi tố vụ án và tạm giam đối với tài xế gây ra vụ tai nạn nói trên. Bước đầu cơ quan điều tra xác định tài xế có dấu hiệu phạm vào tội “vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ” theo Điều 202 BLHS 1999. Đối với tội danh này thì gây ra cái chết của 03 người được xác định là gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, người vi phạm sẽ bị truy tố theo Khoản 3 Điều 202 với mức hình phạt của khung này là từ 07 năm  - 10 năm tù.
Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông thì có lẻ phần lớn mọi người đều biết. Bài viết này phân tích các hành vi vi phạm khác mà người có phương tiện giao thông, người tham gia giao thông có thể gặp phải mà không biết rằng hành vi của mình có thể phải chịu hậu quả pháp lý không lường.
1.            Hành vi giao xe cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện giao thông đườn bộ.
Tức là khi chúng ta biết một người không đủ điều kiện để lái xe. Không đủ điều kiện để lái xe có thể là người đó không có giấy phép, không có bằng lái phù hợp hoặc khi chúng ta biết người đó vừa sử dụng ma túy xong hoặc vừa uống một lượng rượu lớn …vv.
Đây là trường hợp rất phổ biến trong cuộc sống.  Ví dụ như phụ huynh giao xe moto có dung tích trên 50cm3 cho con đến trường khi chưa đủ 18t hoặc khi chúng ta tổ chức uống bia rượu với bạn hữu xong lại giao xe cho chính người vừa uống bia rượu điều khiển xe. Nếu những người này, sau khi được chúng ta giao xe họ lại vi phạm quy định của pháp luật gây tai nạn thì chúng ta sẽ bị xử lý tương ứng với hậu quả do hành vi tai nạn gây ra. Nếu người gây tai nạn gây ra hậu quả chỉ ở mức xử lý hành chính thì chúng ta cũng bị xử lý hành chính. Nếu gây hậu quả ở mức đủ để xử lý hình sự thì chúng ta cũng sẽ bị xử lý hình sự. Hẳn lúc này chúng ta sẽ rất bất ngờ khi nhận được chát của cơ quan tố tụng.
Ví dụ: nếu họ gây tại nạn làm chết 03 người. Bản thân họ bị truy tố theo Khoản 3 Điều 202 với tội Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ với mức hình phạt từ 07 – 10 năm tù thì chúng ta cũng bị Xử lý theo Khoản 3 Điềi 205 BLHS 1999 về tội “giao cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện giao thông đường bộ” với mức hình phạt từ 05 – 12 năm. Nếu người đó chưa gây ra hậu quả để xử lý hình sự, chỉ ở mức xử lý hành chính thì chúng ta cũng bị xử lý hành chính về hành vi giao xe cho họ theo quy định tại Điều 1 Nghị định 107/2014/NĐ-CP với mức xử phạt từ 800.000đ – 1.000.000đ nếu là xe máy và 2.000.000đ – 4.000.000đ nếu là xe oto.
Mặt khác, do việc giao xe là bất hợp pháp nên giao dịch giữa hai bên không được pháp luật công nhận và khi đó theo pháp luật dân sự chủ phương tiện còn phải trực tiếp bồi thường cho người bị hại. Tất nhiên sau đó chủ phương tiện tiện được quyền yêu cầu người gây ra tai nạn bồi hoàn lại.
2.            Hành vi không cứu giúp người trong trạng thái nguy hiểm đến tính mạng.
Đây là hành vi không hành động mà người ta hay nói rằng “tôi chả làm gì cả mà cũng bị …”. Hành vi này thì diễn ra trong nhiều trường hợp. Tuy nhiên phổ biến nhất là các trường hợp xảy ra khi tham gia giao thông.  Đó là khi chúng ta chứng kiến một người bị tai nạn giao thông, nguy hiểm đến tính mạng, chúng ta có điều kiện để cứu giúp nhưng vì tâm lý e ngại nên chúng ta không có bất kỳ phản ứng gì cứu giúp họ. Điều 38 Luật giao thông đường bộ đã quy định tất cả những người có mặt tại hiện trường phải giúp đỡ, cứu chữa kịp thời người bị tai nạn. Tuy nhiên bằng nhiều cách chúng ta chỉ đơn giản đứng xem hoặc cứ tiếp tục công việc của mình một cách vô cảm. Việc này là trái pháp luật và có thể bị xử phạt hành chính từ 500.000đ – 1.000.000đ theo Điều 11 Nghị định 171/2013/NĐ-CP. Thậm chí nếu sau đó nạn nhân qua đời. Chúng ta có thể bị xem xét xử lý hình sự về tội “không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng” theo Điều 102 BLHS 1999 với khung hình phạt từ cảnh cáo đến 02 năm tù. Sẽ còn nặng hơn nếu chúng ta là người đã vô ý gây ra tai nạn cho họ, khi đó khung hình phạt sẽ là 01 - 05 năm tù. 
Ví du: trong một tai nạn giao thông, nạn nhân chưa chết. Có tài xế lái xe ngang qua chứng kiến sự việc này, thâm chí có người vẫy xe yêu cầu đưa nạn nhân đi cấp cứu nhưng tài xế không có bất kỳ hành vi nào cứu giúp nạn nhân, sau đó nạn nhân qua đời thì tài xế sẽ bị xử lý hình sự về tội danh này.
Một tình huống nữa mà mọi người quan tâm là khi tham gia giao thông chẳng may chúng ta gây ra tai nạn. Câu hỏi là chúng ta có quyền rời bỏ hiện trường hay không?. Vấn đề này tại Điều 38 Luật giao thông đường bộ yêu cầu người gây ra tai nạn có nghĩa vụ ở lại hiện trường cho đến khi người của cơ quan Công an đến. Chúng ta chỉ được rời đi khi: 1/ Chúng ta cũng bị thương và cần đến cơ sở y tế ngay, 2/ Chúng ta tham gia đưa nạn nhân đi cấp cứu, 3/ Khi chúng ta bị đe dọa đến tính mạng. Cả 03 trường hợp này ngay sau đó chúng ta phải đến trình diện với nhà chức trách. Va trong 03 trường hợp này trường hợp thứ 3 là trường hợp phổ biến nhất vì thực tế đôi khi người nhà nạn nhân đến hiện trường và có hành vi quá khích, tấn công người gây tai nạn. Nhưng cũng không ít lái xe vì tâm lý hoảng loạn đã bỏ trốn khỏi hiện trường, bỏ mặc nạn nhân.  Nếu không cẩn thận chúng ta có thể bị xử lý hình sự về tội Không cứu giúp người trong trạng thái nguy hiểm đến tính mạng. Xem xét “bị đe dọa đến tính mạng” phải dựa vào các yếu tố khách quan, chứ không phải xem xét đến cảm xúc chủ quan của chúng ta. Ví dụ khi chúng ta chẳng may gây tai nạn ở một khu vực ít dân cư trong đêm tối. Trường hợp này chúng ta nên kiểm tra xem nạn nhân như thế nào, nếu họ còn sống thì cần có biện pháp cứu giúp họ. Khi đó không có tác nhận nào đe dọa đến tính mạng của chúng ta nên chúng ta không thể viện lý do “bị đe dọa đến tính mạng” để bỏ khỏi hiện trường được. Ngược lại khi gây tai nạn ở khu đông dân cư, nhiều người qua lại; nạn nhân đã được nhiều người khác tham gia cứu giúp, thậm chí có cả người nhà nạn nhân ở đó và họ đang mất bình tĩnh. Khi đó chúng ta có thể lui khỏi hiện trường đến thằng cơ quan Công an trình diện.
Trên đây chỉ là bài viết phân tích mang tính chất chất phổ biến pháp luật theo quy định chung. Để áp dụng vào một trường hợp cụ thể cơ quan chức năng cần có đầy đủ thông tin để phân tích đầy đủ các yếu tố khách quan, chủ quan, chủ thể của người liên quan để xác định người đó có vi phạm quy định của pháp luật hay không?. Ví dụ có trường hợp người bị tai nạn nếu được chúng ta đưa đi cấp cứu, hoặc chúng ta sơ cứu kịp thời thì sẽ được cứu sống. Nhưng cũng có trường hợp chúng ta chỉ nên chờ người của cơ quan y tế đến thì sẽ tốt cho nạn nhân hơn. Pháp luật không phải lúc nào cũng áp dụng một cách máy móc và công thức như toán học. Dù chúng ta là người tham gia giao thông, người gây tai nạn, nạn nhân, người chứng kiến hay người thực thi công vụ thì nên hành xử một cách có trách nhiệm, đừng vô cảm.
Đối với tội "Giao cho người không đủ điều kiện điều khiển các phương tiện giao thông đường bộ” hiện BLHS 1999 đang quy định hình phạt nặng nhất đối với tội này lên đến 12 năm tù. Tuy nhiên BLHS 2015 có hiệu lực từ ngày 01/07/2016 tới đây mức hình phạt cao nhất là 07 năm tù nhưng có thể kèm theo mức phạt tiền từ 07 – 10 triệu đồng.
Còn đối với tội “Không cứu giúp người đang trong trạng thái nguy hiểm đến tính mạng” hiện BLHS 1999 đang quy định mức hình phạt nặng nhất đối với tội này là 05 năm tù. BLHS 2015 nâng mức hình phạt cao nhất lên đến 07 năm tù.

Quy định trưng dụng tài sản của CSGT là trái luật

Rivaldo 
Luật sư Hoàng Văn Thạch
Bộ công an vừa ban hành Thông tư  01/2016/TT-BCA quy định nhiệm vụ, quyền hạn, hình thức, nội dung tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ của Cảnh sát giao thông. Trong đó tại Khoản 6 Điều 5 của Thông tư quy định quyền hạn của Cán bộ thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát giao thông (tạm gọi là CSGT)  được quyền “trưng dụng các loại phương tiện giao thông; phương tiện thông tin liên lạc; các phương tiện, thiết bị kỹ thuật khác của cơ quan, tổ chức, cá nhân và người điều khiển, sử dụng các phương tiện, thiết bị đó theo quy định của pháp luật”. Quy định này đã gây ra nhiều phản ứng không đồng tình trong người dân, khi cho rằng Công an ngày càng có quá nhiều quyền lực.
Bài viết dưới đây sẽ phân tích rõ hơn quy định này.
1.            Thế nào là “trưng dụng”?:
Tại khoản 2 điều 2 Luật trưng mua, trưng dụng tài san năm 2008 định nghĩa “Trưng dụng tài sản là việc Nhà nước sử dụng có thời hạn tài sản của tổ chức, cá nhân, hộ gia đình, cộng đồng dân cư thông qua quyết định hành chính trong trường hợp thật cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh và vì lợi ích quốc gia”.  Ví dụ trong thời kỳ chiến tranh, một đoạn đường, một cây cầu bị đánh sập thì Nhà nước có quyền trưng dụng sức kéo của trâu bò trong nhân dân, trưng dụng các loại công cụ khác (cuốc, xẻng…) của người dân ở gần đó để phục vụ mục đích khắc phục hậu quả trước mắt. Sử dụng xong thì Nhà nước trả lại cho chủ sở hữu và không phải thêm khoản phí nào khác. Tuy nhiên nếu gây thiệt hại cho tài sản thì Nhà nước phải bồi thường. Chẳng hạn làm chết Trâu, Bò hay hư hỏng tài sản của người dân.
Trong thời bình thì tôi chưa thấy có trường hợp nào Nhà nước trưng dụng tài sản của người dân cả.
2.            Lịch sử quy định:
Thực ra việc quy định CSGT được quyền trưng dụng các loại phương tiện giao thông không phải bây giờ mới có. Chẳng qua là bây giờ khi truyền thông phát triển mạnh (nhất là các mạng xã hội) thì người dân mới biết. Trước đó quy định này đã có trong khoản 6 điều 5 Thông tư 65/2012/TT-BCA ban hành ngày 30/12/2012 của Bộ công an (đây là Thông tư tiền thân của Thông tư 01/2016/TT-BCA). Nội dung của Thông tư 01/2016 chỉ giữ lại quy định này, chứ đây không toàn là quy định mới. Có lẽ sau khi quy định này được ban hành năm 2012 nó cũng không được triển khai trên thực tế nên không ai để ý.
3.            Trái với văn bản pháp luật cao hơn.
Theo quy định tại Luật trưng mua, trưng dụng tài sản thì tại Điều 5 của luật có liệt kê 05 trường hợp được trưng dụng tài sản, đó là: Khi đất nước trong tình trạng chiến tranh, khẩn cấp về quốc phòng theo luật quốc phòng; khi an ninh quốc gia có nguy cơ bị đe dọa hoặc khi mục tiêu quan trọng về an ninh quốc gia có khả năng bị xâm phạm theo luật về An ninh quốc gia, luật quốc phòng; khi phải đối phó với nguy cơ hoặc để khắc phục thảm họa do thiên tai, dịch bệnh gây ra trên diện rộng. Dễ dàng nhận thấy việc trưng dụng tài sản chỉ áp dụng trong các trường hợp rất đặc biệt, mang tầm quốc gia.
Chính vì những trường hợp mang tầm quốc gia như vậy nên Luật cũng quy định người có thẩm quyền quyết định trưng dụng tài sản là những người giữ các vị trí công tác đứng đầu ở cấu trung ương hoặc Chủ tịch UBND cấp tỉnh. Cụ thể Điều 14 quy định những người có thẩm quyền trưng dụng tài sản: Thủ tướng Chính phủ; Bộ trưởng Bộ Tài chính, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Chủ tịch UBND cấp tỉnh.  Ngoài ra những người này không được phép ủy quyền hay phân cấp cho cấp dưới.
Tuy nhiên năm 2015 khi Luật Công an nhân dân có hiệu lực thì tại Khoản 15 Điều 15 quy định Công an nhân dân có quyền “Huy động, trưng dụng theo quy định của pháp luật phương tiện thông tin, phương tiện giao thông, phương tiện khác và người đang sử dụng, điều khiển phương tiện đó trong trường hợp cấp bách để bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội hoặc để ngăn chặn hậu quả thiệt hại cho xã hội đang xảy ra hoặc có nguy cơ xảy ra”. Như vậy Luật công an nhân dân đã đưa ra quy định về việc trưng dụng, huy động tài sản rộng hơn so với Luật trưng mua, trưng dụng tài sản. Tuy nhiên luật CAND không phân biệt rõ khi nào thì nói rõ khi nào thì “huy động”, khi nào thì “trưng dụng” mà chỉ nói chung chung là “huy động, trưng dụng theo quy định pháp luật” và chủ thể có quyền đó thì cũng là Công an nhân dân (có thể là Bộ trưởng hoặc bất kỳ sỹ quan nào khác). Do vậy khi giải thích cần phải đảm bảo phù hợp với  “quy định của pháp luật” - chính là Luật trưng mua, trưng dụng tài sản. Theo đó nếu trưng dụng thì chỉ trong trường hợp bảo vệ an ninh quốc gia; còn trật tự xã hội và ngăn chặn thiệt hại cho xã hội thì thuộc trường hợp phải huy động. Còn Công an nhân dân ở đây chính là ông Bộ trưởng Bộ công an theo Luật trưng mua, trưng dụng tài sản chứ không phải bất kỳ sỹ quan, hạ sỹ quan nào.
Quay trở lại quy định của Thông tư 01/2016/TT-BCA cho phép cán bộ khi thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ được “trưng dụng phương tiện giao thông, phương tiện thông tin liên lạc; các phương tiện, thiết bị kỹ thuật khác của cơ quan, tổ chức, cá nhân và người điều khiển, sử dụng các phương tiện, thiết bị đó theo quy định của pháp luật” (hiểu nôm na là Cảnh sát giao thông được quyền trưng dụng xe của người tham gia giao thông). Như vậy Thông tư 01/20016/TT-BCA đã hướng dẫn Khoản 15 Điều 15 Luật công an nhân dân theo hướng là “trưng dụng” mà không phải là “huy động”. Về mặt điều kiện áp dụng thì có thể phù hợp; bởi thông tư không nói rõ khi nào thì trưng dụng mà chỉ nói là “theoq uy định của pháp luật” thì có nghĩa là áp dụng điều kiện được quy định tại Luật trưng mua, trưng dụng tài sản. Còn về mặt thẩm quyền thì sai hoàn toàn bởi Luật chỉ cho phép Thủ tướng, Bộ trưởng, Chủ tịch tỉnh được quyền trưng dụng tài sản. Mà mấy vị này không xuống đường tuần tra, kiểm soát giao thông (họ cũng không được ủy quyền hay phân cấp cho người khác); cán bộ tuần tra, kiểm soát giao thông là sỹ quan, hạ sĩ quan Cảnh sát giao thông.  Chính vì vậy trường hợp này chưa cần cơ quan chức năng hủy bỏ quy định này thì theo Điều 83 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2008 (cũng như Điều 156 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015 có hiệu lực vào ngày 01/07/2016 tới đây) nó cũng không có giá trị áp dụng vì trái với quy định của văn bản pháp luật có giá trị pháp lý cao hơn là Luật trưng mua, trưng dụng tài sản 2008. (Luật do Quốc hội ban hành nến có giá trị cao hơn Thông tư do Bộ trưởng ban hành).
4.            Nguyên nhân:
Tôi cho rằng nguyên nhân của việc ban hành quy định cho phép cán bộ tuần tra, kiểm soát giao thông được trưng dụng tài sản xuất phát từ sự không cẩn thận trong quá trình soạn thảo văn bản pháp luật.
Nguyên tắc khi ban hành một văn bản thì tổ soạn thảo phải rà soát xem vấn đề đó đã được quy định ở đâu để tham khảo và đưa ra quy định đảm bảo tránh sự chồng chéo, đảm bảo tính thống nhất trong các văn bản pháp luật. Cẩn thận hơn có thể lấy ý kiến các bộ ngành liên quan, cụ thể đối với việc trưng dụng tài sản thì cần tham khảo ý kiến của Bộ tài chính là đơn vị chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về trưng mua, trưng dụng tài sản. Tuy nhiên trong Thông tư thôi thấy tại phần căn cứ ban hành Thông tư chỉ căn cứ vào Luật Công an nhân dân, Luật giao thông đường bộ, Luật xử lý vi phạm hành chính và Nghị định 106/2014/NĐ-CP tức là chỉ căn cứ vào các văn bản trong lĩnh vực ngành của mình mà không hề thấy căn cứu Luật trưng mua, trưng dụng tài sản. Đây có lẻ là lí do dẫn đến việc đưa ra một quy định trái luật như vậy.
Bộ Công An cần kiểm tra lại nội dung quy định trên và hủy bỏ cho phù hợp. Bộ tư pháp với chức năng kiểm tra văn bản pháp luật cũng cần có ý kiến đối với quy định đã tồn tại tư năm 2012 đến nay.

Quy định ô tô phải có bình cứu hỏa, qua câu chuyện Osin mua thịt cừu

Ariel Ortega
Luật sư Hoàng Văn Thạch
Gần đây thông tư 57/2015/TT-BCA ngày 26/12/2015 đưa quy định về việc phương tiện cơ giới tham gia giao thông từ 04 chỗ trở lên (gọi tắt là oto) bắt buộc phải trang bị bình cứu hỏa đã gây xông xao trong dự luận.
Bài  viết dưới đây phân tích dưới góc nhìn xây dựng pháp luật đối với quy định nêu trên.
1.            Sự ra đời của quy định nêu trên có đảm bảo đầy đủ nguyên tắc xây dựng pháp luật.
Ở Việt Nam ta có đặc thù là rất nhiều cơ quan được quyền ban hành các văn bản pháp luật. Trong đó Thông tư là một dạng văn bản pháp luật do cấp bộ trưởng ban hành.
Để tạo hành lang pháp lý cho việc xây dựng văn bản pháp luật chúng ta có Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Theo đó mọi văn bản pháp luật khi xây dựng phải đảm bảo tuân thủ đầy đủ về trình tự, thủ tục, nội dung đã được quy định trong luật.
Tại Điều 3 của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2008 quy định 5 Nguyên tắc xây dựng văn bản pháp luật, gồm:
-                      Đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp, thống nhất – tức không mâu thuẫn với hiến pháp, luật và các văn bản pháp luật khác
-                      Tuân thủ đúng thẩm quyền
-                      Đảm bảo công khai, minh bạch
-                      Đảm bảo tính khả thi
-                      Không trái với các công ước quố tế mà Việt Nam có ký kết, tham gia.
Rà soát toàn bộ Thông tư 57 cũng như quy định trên thì thấy: quy định về việc xe oto 04 chỗ trở lên phải có bình chữa cháy chỉ là sự chi tiết hóa từ các quy định đã có từ trước đó rất lâu. Cụ thể là Luật phòng cháy chữa cháy 2001 và Nghị định 79/2014/NĐ-CP. Tại luật PCCC chỉ quy định là xe 04 chỗ trở lên phải bảo đảm các điều kiện theo quy định của cơ quan quản lý nhà nước về phòng cháy và chữa cháy. Sau đó Nghị định 79/2014 làm rõ hơn chút nữa khi quy định “Có phương tiện chữa cháy phù hợp với yêu cầu, tính chất, đặc điểm của phương tiện, bảo đảm về số lượng, chất lượng và hoạt động theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về phòng cháy và chữa cháy hoặc theo quy định của Bộ Công an” và chỉ đến khi Thông từ 57/2015 ra đời mới chính thức quy định rõ cần phải trang bị bình cứu hỏa.
Như vậy rõ ràng quy định oto trang bị bình cứu hỏa chỉ là cụ thể hóa các quy định cao hơn của pháp luật. Tương tự như việc ông Chồng hỏi Vợ “hôm nay cho con ăn gì?” – vợ đáp “nó cần có thêm chất đạm”; sau đó chồng bảo osin “ra chợ mua thịt, thịt nào tùy mày”, chồng Osin làm nghề bán thịt cừu và Osin quyết định mua thịt cừu.  Quyết định mua thịt cừu của Osin không trái với ý của ông chồng, của bà vợ.
Nói cách khác quy định nà y đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp và thống nhất
Đối với các tiêu chí khác như thẩm quyền; tính công khai, minh bạch, không trái với điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia thì Thông tư 57 đều tuân thủ. Duy chỉ có “tính khả thi” là hiện nay đang còn vướng do thị trường chưa đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn về chất lượng cũng như số lượng bình cứu hỏa cho các phương tiện giao thông phải trang bị. Tuy nhiên điều này chỉ là trước mắt và trong thời gian ngắn có thể khắc phục dễ dàng.
Nói tóm lại quy định oto phải trang bị bình cứu hỏa hoàn toàn đáp ứng đầy đủ các tiêu chí, nguyên tắc xây dựng văn bản pháp luật theo quy định của Luật ban hành văn bản pháp luật.
2.    Tiêu chí về tính hợp lý:
Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật đã bỏ mất một tiêu chí quan trọng là “tính hợp lý” – tức quy định đó được ban hành có lợi cho xã hội hay không, có phù hợp với văn hóa của Việt Nam không?. Do vậy khi dư luận có phản ứng, Cục kiểm tra văn bản pháp luật của Bộ tư pháp đã kiểm tra và kết luận là không trái với quy định của pháp luật, không trái thẩm quyền. Thế là xong.  Điều này khiến chúng ta liên tưởng đến câu trả lời quen thuộc lâu nay khi cơ quan chức năng kiểm tra một cán bộ mới bổ nhiệm mà dư luận cho rằng bất thường là “bổ nhiệm đúng quy trình”.
Mặc dù không được ghi nhận là một nguyên tắc xây dựng văn bản pháp luật trong Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Tuy nhiên năm 2011 khi rà soát hệ thông văn bản pháp luật do VCCI tổ chức thì “tính hợp lý” là một tiêu chí xem xét đánh giá tác động của văn bản pháp luật đối môi trường pháp lý của Việt Nam. Điều này càng minh chứng thêm rằng “tính hợp lý” là tiêu chí không thể bỏ qua khi xây dựng văn bản pháp luật.
Đem tiêu chí này đánh giá đối với thông tư 57 thì có thể thấy quy định xe oto phải trang bị bình cứu hỏa không đảm bảo tiêu chí này với nhiều lý do: dễ gây nổ, gây tốn kém cho xã hội trong khi thiệt hại do việc không trang bị bình cứu hỏa chưa phải là con số thuyết phục, tạo điều kiện cho nhân viên công vụ nhũng nhiễu người dân.
Quay trở lại ví dụ đã nêu ở trên, khi bà vợ yêu cầu tăng cường chất đạm cho bữa ăn của đàn con thì ông bố và osin cần hỏi kỹ, xem nó nên ăn cá, ăn trứng, hay ăn thịt và nếu thịt thì thịt gì? Nó đang muốn ăn cá mà ông bắt nó ăn thịt cừu thì việc nó phản ứng lại là điều đương nhiên. Khi quyết định mua thịt cừu bà vợ và osin đã tìm hiểu xem khẩu vị của mấy đứa con là gì chưa? đã xem xem trong bếp có gia vị để chế biến món thịt cừu chưa? rồi có ai biết nấu thịt cừu như thế nào không? – nó hôi thế không biết cách làm ăn sao được.
Luật của quốc hội chỉ nói phải “điều kiện theo quy định của cơ quan quản lý nhà nước về phòng cháy và chữa cháy”. Do vậy ông Chính phủ và Bộ công an khi ban hành quy định xe oto bắt buộc cần có bình cứu hỏa đã có tham khảo ý kiến của nhà sản xuất để đưa ra một quy định hợp lý. Tuy nhiên có lẽ không tham khảo.
Như vậy nếu xét về tính hợp lý thì rõ ràng lý giải của Cục trưởng cục CSPCCC khi trả lời báo dantri rằng Mục tiêu cao nhất của lực lượng chúng tôi là nâng cao ý thức PCCC cho người quản lý, người sử dụng phương tiện trong tình hình cháy, nổ ở nước ta đang diễn biến hết sức phức tạp chứ không có bất cứ mục tiêu nào khác” là chưa thuyết phục được người dân. Điều này không khác gì bà Osin biện luận cho việc mua thịt cừu là “mục đích của tôi mua thịt cừu là để tăng cường chất đạm cho bọn trẻ” trong khi lảng tránh những điều bất hợp lý khác.
3.      Thăm dò phản ứng của xã hội:
Khi ban hành một quy định thay đổi thói quen hoặc cách nghĩ của cả xã hội hoặc khi cần có số liệu để đánh giá tính hiệu quả của quy định mới thì cần phải có lộ trình để xã hội dần thích nghi hoặc thí điểm triển khai ở một vài khu vực, nếu sau một thời gian thấy không hợp lý sẽ có phương án điều chỉnh cho phù hợp. Ví dụ trước đây khi quy định người đi moto phải đội mũ bảo hiểm, đầu tiên là yêu cầu khi tham gia giao thông trên quốc lộ mới phải đội mũ, sau đó mới triển khai trên tất cả tuyết đường. Rồi quy định về triển khai thanh tra xây dựng cấp phường, đầu tiên chúng ta triển khai ở Hà Nội và Tp Hồ Chí Minh, sau một thời gian đánh giá thấy không hiệu quả thì không nhân rộng nữa mà giải tán luôn.
Tương tự như vậy, nếu muốn đánh giá việc xe oto cần có bình cứu hỏa có giảm được hậu quả do cháy nổ gây ra hay không thì cần thí điểm triển khai dần dần. Ví dụ có thể áp dụng đối với xe 07 chỗ trở lên, sau đó một thời gian tổng kết nếu thấy hiệu quả thì áp dụng cho cả xe 04 chỗ.
4.    Lời Kết:
Hiện nay ở Việt Nam việc văn bản pháp luật do nhiều cơ quan thực hiện. Trong đó đối với văn bản có giá trị pháp lý càng cao thì quy trình xây dựng văn bản pháp luật càng phức tạp, qua nhiều khâu, nhiều bước. Ví dụ nếu là Luật thì khi cơ quan xây dựng thì qua nhiều bước như lấy ý kiến nhân dân và cơ quan liên quan, đến khâu thẩm định, khâu thẩm tra, UBND Thường vụ quốc hội cho ý kiến, rồi thảo luận tại quốc hội, rồi chỉnh lý (nếu có) và trình quốc hội thông qua. Đến Nghị định lại đơn giản hơn chút khi không phải qua bước thẩm tra, không phải có ý kiến của UB Thường vụ quốc hội. Cuối cùng thông tư lại đơn giản nữa, chỉ cần soạn rồi bộ phận pháp chế thẩm định, chỉnh lý và trình bộ trưởng ký.
Nếu một vấn đề được điều chỉnh bởi Luật nó sẽ trải qua nhiều quy trình, được nhiều cơ quan xem xét. Do vậy khi ra đời nó sẽ có tính “hoàn thiện” cao hơn. Ngược lại đối với các văn bản khác thì quy trình ra đời của quy định đó sẽ đơn giản hơn, ít bị “soi mói” hơn. Do vậy tính “hoàn thiện” trong quy định đó sẽ thấp hơn.
Như vậy Quốc hội được dân bầu ra để làm cơ quan lập pháp, tuy nhiên đối với các quy định ảnh hưởng trực tiếp đến đời quốc kế dân sinh thì đôi khi Quốc hội thông qua các quy định mang tính “ủy quyền” cứ tự tước bỏ đi quyền năng của mình, dần dần trao quyền cho các cơ quan khác. Khi cơ quan cấp thấp xây dựng và ban hành văn bản pháp luật thì trình tự, thủ tục đơn giải hơn nhiều dẫn đến hạt sạn cũng tồn tại nhiều hơn, dân cũng phải đọc văn bản nhiều hơn. Điều này dẫn đến việc là Quốc hội cần phải phát huy hơn nữa vai trò cua mình khi thực hiện quyền lập pháp và bỏ tư duy “ủy quyền” cho cơ quan cấp thấp.

Hà Nội, tháng 02 năm 2016
(Bài cũng được đăng tại: http://vntinnhanh.vn/tin-24h/quy-dinh-o-to-phai-co-binh-cuu-hoa-qua-cau-chuyen-osin-mua-thit-cuu-84004)