26 tháng 3, 2016

Bạn Có Thể Liên Đới Với Người Gây Tại Nạn Giao Thông Như Thế Nào?

Juninho Perrnambucano
Ls Hoàng Văn Thạch
Mới đây, trên địa bàn quận Long Biên đã xảy ra vụ tai nạn đặc biệt làm chết 03 người. Cơ quan điều tra đã khởi tố vụ án và tạm giam đối với tài xế gây ra vụ tai nạn nói trên. Bước đầu cơ quan điều tra xác định tài xế có dấu hiệu phạm vào tội “vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ” theo Điều 202 BLHS 1999. Đối với tội danh này thì gây ra cái chết của 03 người được xác định là gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, người vi phạm sẽ bị truy tố theo Khoản 3 Điều 202 với mức hình phạt của khung này là từ 07 năm  - 10 năm tù.
Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông thì có lẻ phần lớn mọi người đều biết. Bài viết này phân tích các hành vi vi phạm khác mà người có phương tiện giao thông, người tham gia giao thông có thể gặp phải mà không biết rằng hành vi của mình có thể phải chịu hậu quả pháp lý không lường.
1.            Hành vi giao xe cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện giao thông đườn bộ.
Tức là khi chúng ta biết một người không đủ điều kiện để lái xe. Không đủ điều kiện để lái xe có thể là người đó không có giấy phép, không có bằng lái phù hợp hoặc khi chúng ta biết người đó vừa sử dụng ma túy xong hoặc vừa uống một lượng rượu lớn …vv.
Đây là trường hợp rất phổ biến trong cuộc sống.  Ví dụ như phụ huynh giao xe moto có dung tích trên 50cm3 cho con đến trường khi chưa đủ 18t hoặc khi chúng ta tổ chức uống bia rượu với bạn hữu xong lại giao xe cho chính người vừa uống bia rượu điều khiển xe. Nếu những người này, sau khi được chúng ta giao xe họ lại vi phạm quy định của pháp luật gây tai nạn thì chúng ta sẽ bị xử lý tương ứng với hậu quả do hành vi tai nạn gây ra. Nếu người gây tai nạn gây ra hậu quả chỉ ở mức xử lý hành chính thì chúng ta cũng bị xử lý hành chính. Nếu gây hậu quả ở mức đủ để xử lý hình sự thì chúng ta cũng sẽ bị xử lý hình sự. Hẳn lúc này chúng ta sẽ rất bất ngờ khi nhận được chát của cơ quan tố tụng.
Ví dụ: nếu họ gây tại nạn làm chết 03 người. Bản thân họ bị truy tố theo Khoản 3 Điều 202 với tội Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ với mức hình phạt từ 07 – 10 năm tù thì chúng ta cũng bị Xử lý theo Khoản 3 Điềi 205 BLHS 1999 về tội “giao cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện giao thông đường bộ” với mức hình phạt từ 05 – 12 năm. Nếu người đó chưa gây ra hậu quả để xử lý hình sự, chỉ ở mức xử lý hành chính thì chúng ta cũng bị xử lý hành chính về hành vi giao xe cho họ theo quy định tại Điều 1 Nghị định 107/2014/NĐ-CP với mức xử phạt từ 800.000đ – 1.000.000đ nếu là xe máy và 2.000.000đ – 4.000.000đ nếu là xe oto.
Mặt khác, do việc giao xe là bất hợp pháp nên giao dịch giữa hai bên không được pháp luật công nhận và khi đó theo pháp luật dân sự chủ phương tiện còn phải trực tiếp bồi thường cho người bị hại. Tất nhiên sau đó chủ phương tiện tiện được quyền yêu cầu người gây ra tai nạn bồi hoàn lại.
2.            Hành vi không cứu giúp người trong trạng thái nguy hiểm đến tính mạng.
Đây là hành vi không hành động mà người ta hay nói rằng “tôi chả làm gì cả mà cũng bị …”. Hành vi này thì diễn ra trong nhiều trường hợp. Tuy nhiên phổ biến nhất là các trường hợp xảy ra khi tham gia giao thông.  Đó là khi chúng ta chứng kiến một người bị tai nạn giao thông, nguy hiểm đến tính mạng, chúng ta có điều kiện để cứu giúp nhưng vì tâm lý e ngại nên chúng ta không có bất kỳ phản ứng gì cứu giúp họ. Điều 38 Luật giao thông đường bộ đã quy định tất cả những người có mặt tại hiện trường phải giúp đỡ, cứu chữa kịp thời người bị tai nạn. Tuy nhiên bằng nhiều cách chúng ta chỉ đơn giản đứng xem hoặc cứ tiếp tục công việc của mình một cách vô cảm. Việc này là trái pháp luật và có thể bị xử phạt hành chính từ 500.000đ – 1.000.000đ theo Điều 11 Nghị định 171/2013/NĐ-CP. Thậm chí nếu sau đó nạn nhân qua đời. Chúng ta có thể bị xem xét xử lý hình sự về tội “không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng” theo Điều 102 BLHS 1999 với khung hình phạt từ cảnh cáo đến 02 năm tù. Sẽ còn nặng hơn nếu chúng ta là người đã vô ý gây ra tai nạn cho họ, khi đó khung hình phạt sẽ là 01 - 05 năm tù. 
Ví du: trong một tai nạn giao thông, nạn nhân chưa chết. Có tài xế lái xe ngang qua chứng kiến sự việc này, thâm chí có người vẫy xe yêu cầu đưa nạn nhân đi cấp cứu nhưng tài xế không có bất kỳ hành vi nào cứu giúp nạn nhân, sau đó nạn nhân qua đời thì tài xế sẽ bị xử lý hình sự về tội danh này.
Một tình huống nữa mà mọi người quan tâm là khi tham gia giao thông chẳng may chúng ta gây ra tai nạn. Câu hỏi là chúng ta có quyền rời bỏ hiện trường hay không?. Vấn đề này tại Điều 38 Luật giao thông đường bộ yêu cầu người gây ra tai nạn có nghĩa vụ ở lại hiện trường cho đến khi người của cơ quan Công an đến. Chúng ta chỉ được rời đi khi: 1/ Chúng ta cũng bị thương và cần đến cơ sở y tế ngay, 2/ Chúng ta tham gia đưa nạn nhân đi cấp cứu, 3/ Khi chúng ta bị đe dọa đến tính mạng. Cả 03 trường hợp này ngay sau đó chúng ta phải đến trình diện với nhà chức trách. Va trong 03 trường hợp này trường hợp thứ 3 là trường hợp phổ biến nhất vì thực tế đôi khi người nhà nạn nhân đến hiện trường và có hành vi quá khích, tấn công người gây tai nạn. Nhưng cũng không ít lái xe vì tâm lý hoảng loạn đã bỏ trốn khỏi hiện trường, bỏ mặc nạn nhân.  Nếu không cẩn thận chúng ta có thể bị xử lý hình sự về tội Không cứu giúp người trong trạng thái nguy hiểm đến tính mạng. Xem xét “bị đe dọa đến tính mạng” phải dựa vào các yếu tố khách quan, chứ không phải xem xét đến cảm xúc chủ quan của chúng ta. Ví dụ khi chúng ta chẳng may gây tai nạn ở một khu vực ít dân cư trong đêm tối. Trường hợp này chúng ta nên kiểm tra xem nạn nhân như thế nào, nếu họ còn sống thì cần có biện pháp cứu giúp họ. Khi đó không có tác nhận nào đe dọa đến tính mạng của chúng ta nên chúng ta không thể viện lý do “bị đe dọa đến tính mạng” để bỏ khỏi hiện trường được. Ngược lại khi gây tai nạn ở khu đông dân cư, nhiều người qua lại; nạn nhân đã được nhiều người khác tham gia cứu giúp, thậm chí có cả người nhà nạn nhân ở đó và họ đang mất bình tĩnh. Khi đó chúng ta có thể lui khỏi hiện trường đến thằng cơ quan Công an trình diện.
Trên đây chỉ là bài viết phân tích mang tính chất chất phổ biến pháp luật theo quy định chung. Để áp dụng vào một trường hợp cụ thể cơ quan chức năng cần có đầy đủ thông tin để phân tích đầy đủ các yếu tố khách quan, chủ quan, chủ thể của người liên quan để xác định người đó có vi phạm quy định của pháp luật hay không?. Ví dụ có trường hợp người bị tai nạn nếu được chúng ta đưa đi cấp cứu, hoặc chúng ta sơ cứu kịp thời thì sẽ được cứu sống. Nhưng cũng có trường hợp chúng ta chỉ nên chờ người của cơ quan y tế đến thì sẽ tốt cho nạn nhân hơn. Pháp luật không phải lúc nào cũng áp dụng một cách máy móc và công thức như toán học. Dù chúng ta là người tham gia giao thông, người gây tai nạn, nạn nhân, người chứng kiến hay người thực thi công vụ thì nên hành xử một cách có trách nhiệm, đừng vô cảm.
Đối với tội "Giao cho người không đủ điều kiện điều khiển các phương tiện giao thông đường bộ” hiện BLHS 1999 đang quy định hình phạt nặng nhất đối với tội này lên đến 12 năm tù. Tuy nhiên BLHS 2015 có hiệu lực từ ngày 01/07/2016 tới đây mức hình phạt cao nhất là 07 năm tù nhưng có thể kèm theo mức phạt tiền từ 07 – 10 triệu đồng.
Còn đối với tội “Không cứu giúp người đang trong trạng thái nguy hiểm đến tính mạng” hiện BLHS 1999 đang quy định mức hình phạt nặng nhất đối với tội này là 05 năm tù. BLHS 2015 nâng mức hình phạt cao nhất lên đến 07 năm tù.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét