10 tháng 8, 2018

Tại sao các Shark hay đưa ra đề nghị sở hữu 36%

Shark Tank Việt Nam là chương trình truyền hình có nội dung hấp dẫn và cung cấp cho người xem nhiều kiến thức kinh doanh bổ ích. Chương trình đang thu hút rất nhiều sự quan tâm của mọi người, ở mọi lứa tuổi, đặc biệt là các bạn trẻ muốn khởi nghiệp.   

Có một điều đặc biệt khiến không ít người ban khoăn là khi đưa ra đề nghị sở hữu tỷ lệ vốn góp, cổ phần trong công ty của các Startup chúng ta thường thấy các Shark hay đưa ra các offer với con số 36%. Tại sao lại là 36%?

Đây không phải là con số ngẫu nhiên mà có nguyên do của nó. Trong luật doanh nghiệp Việt Nam 2014 thì trong rất nhiều trường hợp như: thay đổi ngành nghề kinh doanh; đầu tư hoặc bán tài sản công ty có giá trị 35% giá trị tài sản trong báo cáo tài chính; thay đổi cơ cấu tổ chức quản lý; thông qua các giao dịch nội bộ …vv thì phải được sự chấp thuận của đại hội cổ đôn, và đại hội đồng cổ đông chỉ được coi là thông qua khi đạt tỷ lệ phiếu thuận là 65% trở lên. Như vậy khi một shark nắm giữ 36% có nghĩa là họ sẽ không bị thao túng, họ có quyền phủ quyết được rất nhiều vấn đề trong doanh nghiệp (vì phần còn lại chỉ chiếm có 64% thì không đủ để thông qua). Đấy là với mô hình Công ty cổ phần. Còn mô hình Công ty TNHH thì việc sở hữu 36% nhà đầu tư có quyền phủ quyết tất cả các vấn đề thuộc thẩm quyền của Hội đồng thành viên, bất kỳ nghị quyết nào của Hội đồng thành viên cũng chỉ được thông qua khi đạt tỷ lệ 65%.

Khi sở hữu một tỷ lệ 35% trở xuống thì vai trò của thành viên, cổ đông đó sẽ mờ nhạt, khó can thiệt vào các hoạt động của công ty. Thậm chí rất dễ bị chiếm đoạt vốn.

Rơi vào trường hợp dưới 36% thì nhà đầu tư buộc phải đưa ra thỏa thuận khác để ràng buộc startup phải đảm bảo quyền lợi cho nhà đầu tư nếu muốn họ bỏ vốn.

Đó là lý do vì sao 36% là con số hay được các Shark đưa ra trong các offer của mình.

(Note: Có nhiều mô hình doanh nghiệp nhưng phổ biến nhất là mô hình Công ty cổ phần và mô hình Công ty TNHH.

Trong Công ty cổ phần thì có các cấp quản lý là Đại hội cổ đông, Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc/Giám đốc. Trong Cty THHH thì cơ quan quản lý cao nhất là Hội đồng thành viên xong rồi đến Tổng giám đốc/Giám đốc mà không cấp trung gian là Hội đồng quản trị như mô hình Công ty cổ phần

Vốn góp trong Công ty cổ phần được chia tương ứng thành các cổ phần. Ví dụ vốn điều lệ là 1 tỷ có thể chia làm 100.000 cổ phần, mỗi cổ phần trị giá 10.000đ. Còn vốn góp ở Công ty TNHH thì không chia thành các phần. Vốn 1 tỷ thì nó là 1 tỷ
)
Bài cũng được đăng tại: http://haduonglaw.com/tai-sao-cac-shark-hay-dua-ra-de-nghi-so-huu-36.html 

Luật sư Hoàng Văn Thạch


17 tháng 7, 2018

Công Chứng Hợp Đồng Và Chứng Thực Hợp Đồng Khác Nhau Như Thế Nào?


Luật sư Hoàng Văn Thạch

Trong các văn bản pháp luật chúng ta gặp rất nhiều cụm từ “công chứng hoặc chứng thực”, ví dụ như Luật đất đai 2013 tại Điều 167 quy định “Hợp đồng chuyển nhượng, tặng cho, thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất phải được công chứng hoặc chứng thực” vậy thì công chứng một giao dịch và chứng thực một giao dịch bản chất khác gì nhau như thế nào?.

Để phân biệt công chứng giao dịch và chứng thực giao dịch thì trước tiên cần  lưu ý:

Một là: Nhiều văn bản pháp luật hay dẫn một câu dài là “chứng thực hợp đồng, giao dịch” và “công chứng hợp đồng, giao dịch”. Viết như vậy dễ dẫn đến hiểu lầm “hợp đồng” và “giao dich” là khác nhau nhưng thực chất “hợp đồng” cũng là một loại “giao dịch” nên bài viết này chỉ viết tắt là “công chứng giao dịch” và “chứng thực giao dịch”.

Hai là: Ngoài khái niệm “chứng thực giao dich” thì còn có “chứng thực chữ ký” (tức cơ quan thẩm quyền xác nhận chữ ký nào đó là của một người cụ thể) và “chứng thực bản sao” (tức cơ quan thẩm quyền xác nhận bản sao giống với bản chính).  Bài viết chỉ phân biệt hai khái niệm gần nghĩa là chứng thực giao dịch và công chứng giao dịch.

Trên mạng, thậm chí cả website của Bộ tư pháp có rất bài viết phân biệt hai khái niệm này với các tiêu chí so sánh như: thủ tục, phí, thẩm quyền…tuy vậy đây chỉ là bề ngoài, nó không giúp người đọc hiểu một cách rõ nghĩa và sẽ quay lại câu hỏi là tại sao nó lại khác nhau về thủ tục, tại sao lại khác nhau về thẩm quyền. Mới đây báo điện từ sggp.vn còn có loạt bài phản ánh về biến tướng hoạt động công chứng (link: http://www.sggp.org.vn/bien-tuong-hoat-dong-cong-chung-bai-2-doc-quyen-mot-buoc-lui-trong-cai-cach-hanh-chinh-532498.html). Trong đó bài viết cho rằng việc các địa phương yêu cầu các UBND phường/xã không chứng thực giao dịch nữa mà chuyển việc đó sang cho các VPCC (văn phòng công chứng) trên địa bàn là hành vi làm mất tính cạnh tranh, tạo độc quyền cho các VPCC khiến người dân mất đi quyền lựa chọn và nghi ngờ có lợi ích nhóm trong việc này. Vậy việc yêu cầu UBND phường/xã chuyển việc chứng thực giao dịch cho VPCC có phải là một quy định không tốt, tạo độc quyền cho các VPCC. Bài bào chưa phân tích được sự khác nhau của hai hoạt động này để thấy được mặt tích cực của việc công chứng giao dịch thay vì chỉ chứng thực.


Bản chất việc công chứng giao dịch và chứng thực giao dịch là 02 thủ tục hoàn toàn khác nhau. Trong đó chứng thực giao dịch là việc cơ quan có thẩm quyền xác nhận về về thời gian, địa điểm giao kết giao dịch; năng lực hành vi dân sự, ý chí tự nguyện, chữ ký hoặc dấu điểm chỉ của các bên tham gia giao dịch. Tuy nhiên nội dung trong giao dịch đó có hợp pháp hay không thì cán bộ chứng thực không xác nhận (tất nhiên trên thực tế trong khả năng và hiểu biết của mình, nến cán bộ làm công tác chứng thực phát hiện giao dịch đó trái pháp luật họ cũng sẽ không chứng thực). Ngược lại công chứng giao dịch thì công chứng viên ngoài việc xác nhận thời gian, địa điểm của giao dịch còn phải xác nhận tính hợp pháp của giao dịch đó. Có nghĩa là công chứng viên phải chắc chắn giao dịch đó là hợp pháp mới công chứng.

Ví dụ: A góp vốn hợp tác với B một mảnh đất để cùng kinh doanh; trong nội dung hợp đồng chuyển nhượng ngoài các điều khoản cơ bản như thông tin của các bên, thông tin đất và giá bán thì họ còn thỏa thuận thêm về các điều khoản phạt vi phạm, điều khoản bồi thường thiệt hại, điều khoản bảo mật, điều khoản bất khả kháng, điều khoản phân chia lợi nhuận … những nội dung này cán bộ tư pháp làm công tác chứng thực khó có thể biết được họ thỏa thuận như vậy có hợp pháp hay không. Tuy nhiên, pháp luật không bắt họ phải xác nhận nó có hợp pháp hay không mà chỉ chứng thực thời gian, địa điểm, năng lực hành vi và ý chí của các bên là ok. Ngược lại công chứng một giao dịch như vậy thì công chứng viên buộc phải nghiên cứu kỹ từng thỏa thuận trong hợp đồng để xem giao dịch đó có hợp pháp hay không, điều này đòi hỏi công chứng viên phải có kiến thức pháp lý khá vững, nếu không chắc chắn thì phải từ chối công chứng. Còn nếu chắc chắn là hợp pháp thì Công chứng viên sẽ xác nhận giao dịch đó là hợp pháp. Trên thực tế nhiều công chứng viên không đủ kiến thức để chắc chắn toàn bộ nội dung giao dịch đó có hợp pháp hay không nên hoặc họ từ chối hoặc họ yêu cầu các bên làm đơn giản để được công chứng, còn các nội dung phức tạp khác họ sẽ hướng dẫn các bên thỏa thuận bên ngoài, bằng phụ lục khác…vv
Vậy đó, bản chất nó khác nhau là như vậy. Vì nó khác nhau về bản chất dẫn đến thủ tục, thẩm quyền, phí cũng khác nhau. Khi một giao dịch được một công chứng viên thẩm định và xác nhận nó là hợp pháp thì nó sẽ hạn chế tranh chấp về sau hơn so với một giao dịch chỉ được UBND phường chứng thực về thời gian, địa điểm, năng lực và ý chí của các bên. Đôi khi tranh chấp đó không chỉ là việc riêng của hai bên mà còn ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của bên thứ ba, gây tốn kém thời gian công sức cho cơ quan Nhà nước khi đứng ra giải quyết tranh chấp cho các bên…. Ở góc độ này công chứng giống như một tấm lọc để hạn chế những thỏa thuận bất hợp pháp giữa các bên.

Do vậy, theo tôi đó là lý do chính dẫn đến việc tại Nghị định 88/2009/NĐ-CP Chính phủ yêu cầu các huyện đã có Văn phòng công chứng thì UBND phường/xã không chứng thực giao dịch nữa mà chuyển cho VPCC để công chứng giao dịch. Nó sẽ giúp cho xã hội ổn định hơn, người dân cũng yên tâm hơn trong các giao dịch của mình. Theo tôi nếu cứ để cho UBND xã/phường tiếp tục công việc đó thì người dân có xu hướng chọn UBND xã/phường vì tiện, gần, phí rẻ, và đôi khi giúp họ hợp pháp hóa một giao dịch mà họ biết là không hợp pháp, nếu đửa ra công chứng sẽ không ai làm…. Do vậy việc chuyển chứng thực giao dịch tại UBND xã/phường về cho các VPCC công chứng giao dịch là một chủ trương theo tôi đúng và hợp lý. Tuy nhiên đến nay Nghị định 88/2009/NĐ-CP đã hết hiệu lực, các văn bản thay thế không có quy định này, do vậy việc các địa phương tiếp tục yêu cầu UBND phường/xã chuyển giao việc chứng thực giao dịch cho các VPCC là không có căn cứ pháp lý.