22 tháng 8, 2013

Hợp Đồng Của Pháp Nhân Không Nhất Thiết Phải Có Con Dấu.


Nguyễn Thu Thủy
Mới đây TAND tỉnh Đồng Nai đã xét xử một vụ án tranh chấp liên quan đến giao dịch của một pháp nhân nhưng trong hợp đồng lại không có con dấu của pháp nhân mà chỉ có chữ ký của Phó giám đốc (được Giám đốc – người đại diện theo pháp luật của pháp nhân ủy quyền). Một vấn đề pháp lý đặt ra sau vụ án này là những hợp đồng do pháp nhân giao kết có bắt buộc phải có con dấu không? Trên báo Pháp luật TPHCM số ra ngày 16 và 19/08/2013 đã có nhiều ý kiến trái chiều của các công chứng viên, luật sư và bạn đọc về vấn đề này.  Tuy nhiên có lẽ trong khuôn khổ bài báo có hạn nên các ý kiến chỉ nêu lên một cách vắn tắt và lập luân chung chung. Bài viết dưới đây Luật sư Hoàng Văn Thạch sẽ phân tích và làm rõ hơn về vấn đề này.

Con dấu là căn cứ thể hiện giá trị pháp lý đối với hợp đồng của pháp nhân, nhưng không phải là duy nhất:
          Theo quy định tại Điều 1, Nghị định 58/2001/NĐ-CP thì “Con dấu thể hiện vị trí pháp lý và khẳng định giá trị pháp lý đối với các văn bản, giấy tờ của các cơ quan, tổ chức và các chức danh nhà nước”. Đây là lí do chính khiến một số ý kiến cho rằng nếu một văn bản do cơ quan tổ chức (sau đây gọi chung là pháp nhân) ban hành nói chung hay hợp đồng nói riêng mà không có con dấu thì sẽ không có giá trị pháp lý bất kể lý do gì?. Tuy nhiên nếu đọc kỹ thì thấy quy định này không hề khẳng định con dấu là dấu hiệu duy nhất thể hiện giá trị pháp lý đối với các văn bản của cơ quan tổ chức. Hay nói cách khác con dấu chỉ là một trong những chứng cứ chứng minh sự ràng buộc trách nhiệm của pháp nhân đối với những văn bản do người có thẩm quyền của pháp nhân ký.

      Một số căn cứ khác theo quy định của pháp luật để ràng buộc trách nhiệm của pháp nhân đối với hợp đồng không có con dấu.
      Hình thức của giao dịch dân sự nói chung theo quy định tại Điều 124 BLDS 2005 hay hình thức của hợp đồng nói chung theo quy định tại Điều 401 BLDS 2005 đều cho phép các bên có thể giao kết hợp đồng bằng miệng và các văn bản pháp luật khác cũng không có quy định cấm pháp nhân giao kết hợp đồng bằng miệng. Vậy khi pháp nhân giao kết hợp đồng bằng miệng thì đương nhiên là không có con dấu. Và trường hợp này vẫn được pháp luật chấp nhận.
Vd: Văn phòng của công ty A bị hỏng ổ khóa, nên gọi thợ khóa đến sửa. Lúc này giám đốc của công ty cũng chỉ hỏi giá cả và nếu thống nhất thì để thợ khóa sửa chứ ít ai đi lập hợp đồng bằng văn bản trong trường hợp này. Khi sửa xong ổ khóa nếu công ty không thanh toán đầy đủ thì người thợ sửa khóa hoàn toàn có thể khởi kiện đòi công ty A thanh toán cho mình căn cứ vào hợp đồng miệng đã giao kết. Ở đây băng ghi âm ghi hình hay xác nhận của các nhân chứng chính là chứng cứ chứng minh sự tồn tại của hợp đồng miệng và ràng buộc trách nhiệm của công ty mà không nhất thiết phải là một hợp đồng bằng văn bản có đóng dấu.
Hay như trường hợp phó giám đốc của một công ty tự ý nhân danh công ty ký hợp đồng với bên thứ ba (hợp đồng không có đóng dấu công ty). Đương nhiên hợp đồng này không có giá trị ràng buộc trách nhiệm đối với công ty vì được ký bởi người không có thẩm quyền đại diện của công ty. Tuy nhiên theo quy định tại Khoản 1 Điều 145 BLDS 2005 nếu sau đó bên thứ ba gửi văn bản đến Giám đốc – người đại diện theo pháp luật của công ty thông báo về việc bên thứ ba đã ký hợp đồng với phó giám đốc công ty và nếu Giám đốc công ty xác nhận đồng ý với nội dung của hợp đồng này thì xác nhận này của Giám đốc công ty là chứng cứ chứng minh sự ràng buộc trách nhiệm của công ty đối với hợp đồng do phó giám đốc ký (không có dấu) mà không phải là một hợp đồng có đóng dấu của công. Các bên cũng không cần phải đóng bổ sung dấu vào hợp đồng.

     Không có căn cứ tuyên vô hiệu đối với hợp đồng không có con dấu.
Việc hợp đồng có đóng dấu hay không có đóng dấu là vấn đề hình thức của hợp đồng chứ không phải nội dung của hợp đồng. Tuy nhiên “hình thức” ở đây là hiểu về mặt từ ngữ để diễn giải chứ không phải “hình thức” của hợp đồng theo quy định của Bộ luật dân sự.

Theo quy định tại Điều 124 và 401 BLDS 2005 thì hình thức của giao dịch nói chung hay hợp đồng nói riêng được thể hiện dưới các dạng sau: bằng văn bản hay bằng miệng, có công chứng – chứng thực hay không? Và có bắt buộc phải đăng ký, xin phép không?. Ngoài ra việc hợp đồng ký trên loại giấy gì? Giấy phẳng hay nhàu? Viết bằng loại mực gì, kiểu chữ gì… hay có đóng dấu hay không không được coi là hình thức của hợp đồng.
.
      Để tuyên một hợp đồng vô hiệu thì Tòa án cần căn cứ theo quy định tại Chương VI của BLDS 2005 để xem nó vi phạm điều khoản nào? Vậy một khi việc đóng dấu hay không đóng dấu không được coi là hình thức của của hợp đồng theo quy định của BLDS 2005 và nó cũng không phải là vấn đề thuộc về nội dung của hợp đồng thì nếu cho rằng hợp đồng không đóng dấu là vi phạm, là không có giá trị pháp lý thì Tòa án sẽ căn cứ vào quy định nào tại Chương VI BLDS 2005 để tuyên hợp đồng này vô hiệu? Câu trả lời là không có căn cứ nào cả.

       Từ những lập luân trên có thể thấy. Con dấu của pháp nhân chỉ là một trong những căn cứ chứng minh sự ràng buộc trách nhiệm pháp lý của pháp nhân đối với hợp đồng được ký nhân danh pháp nhân. Ngoài con dấu thì vẫn còn nhiều chứng cứ khác. Do vậy nếu một hợp đồng nhân danh pháp nhân nhưng không có con dấu thì vẫn hoàn toàn có thể có hiệu lực nếu các bên cung cấp được chứng cứ chứng minh ý chí thực sự của người đại diện theo pháp luật của pháp nhân chấp nhận hợp đồng này. Thậm chí nếu hợp đồng được ký bởi người đại diện của pháp nhân thì không cần có con dấu vẫn có hiệu lực, vì chữ ký của người đại diện chính là căn cứ thể hiện ý chí của họ đối với nội dung hợp đồng. Tuy nhiên để chắc chắn, tranh gây ra những tranh cãi về sau thì khi ký hợp đồng với pháp nhân phía đối tác ngoài việc yêu cầu người có thẩm quyền đại diện đứng ra ký hợp đồng thì cần phải yêu cầu phía pháp nhân đóng dấu vào hợp đồng.
Luật sư: Hoàng Văn Thạch
Hai bài báo trên Pháp luật TPHCM số ra ngày 16 và 19/08/2013:

http://phapluattp.vn/20130818092527640p1027c1098/quy-dinh-ro-viec-dung-con-dau-cua-dai-dien-phap-nhan.htm

 
(Trong vụ án được TAND tỉnh Đồng Nai xét xử, Giám đốc (người đại diện của công ty Vĩnh Tường)  đã có văn bản ủy quyền cho Phó giám đốc thực hiện giao dịch chuyển quyền sử dụng đất - đây là căn cứ chứng minh ý chí thực của người đại diện công ty đối với hợp đồng, và khi ký hợp đồng PGĐ cũng nhân danh công ty chứ không nhân danh cá nhân. Do vậy hợp đồng này hoàn toàn có hiệu lực đối với công ty Vĩnh Tường.)

1 tháng 8, 2013

Bất Cập Quy Định Đòi Lại Đất Cho Mượn, Cho Thuê

Trần Thùy Liên
                       Luật Sư: Hoàng Văn Thạch

         Khi một cá nhân hay một hộ gia đình cho cá nhân, hộ gia đình khác mượn, thuê đất (có thể có tài sản trên đất); nay bên mượn, thuê đất không thừa nhận có việc cho mượn cho thuê này (tức là không thừa nhận có sự tồn tại của giao dịch này) mà khẳng định là đất của họ thì đây được coi là dạng tranh chấp về việc ai là người có quyền sử dụng đất.
Để điều chỉnh vấn đề này Điều 113 Nghị định 181/2004/NĐ-CP đã quy định như sau:
Khoản 1 điều này quy định:
1. Việc giải quyết trường hợp hộ gia đình, cá nhân mượn, thuê đất ở gắn liền với nhà ở của hộ gia đình, cá nhân khác mà nay trên đất đó còn nhà ở hoặc không còn nhà ở; hộ gia đình, cá nhân mượn, thuê đất làm mặt bằng sản xuất, kinh doanh có nhà xưởng hoặc không còn nhà xưởng của hộ gia đình, cá nhân khác được thực hiện khi có các điều kiện sau:
a) Hộ gia đình, cá nhân cho mượn, cho thuê đất phải có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc một trong các loại giấy tờ về quyền sử dụng đất quy định tại các khoản 1, 2 và 5 Điều 50 của Luật Đất đai;
b) Có văn bản thoả thuận về việc mượn đất, thuê đất.
       Như vậy theo quy định này thì điều kiện để việc đòi lại đất được giải quyết là phải đảm bảo:1) Hộ gia đình, cá nhân cho mượn, cho thuê đất phải có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc một trong các loại giấy tờ về quyền sử dụng đất quy định tại các khoản 1, 2 và 5 Điều 50 của Luật Đất đai; 2) Có văn bản thoả thuận về việc mượn đất, thuê đất.” Nếu thiếu một trong hai thì sẽ không được giải quyết (chứ chưa bàn đến việc giải quyết như thế nào), người dân gửi đơn cơ quan chức năng sẽ bị trả về.
        Quy định này rất rõ ràng, rành mạch được cho là tạo điều kiện cho cơ quan chức năng trong việc giải quyết tranh chấp được dễ dàng hơn. Tuy vậy, nó có hai bất cập sau đây:
        Thứ nhất: Mâu thuẫn với Khoản 2 Điều 136 Luật đất đai
        Theo quy định tại Điều 136 Luật đất đai thì có hai cơ quan có thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai là UBND và Tòa án. Trong đó UBND sẽ giải quyết tranh chấp về đất chưa được cấp giấy chứng nhận hoặc không có một trong các loại giấy tờ quy định tại các Khoản 1, 2, 5 Điều 50 Luật đất đai (khoản 2). Còn Tòa án sẽ giải quyết tranh chấp các loại đất có một trong các loại giấy tờ nêu trên và phần tài sản trên đất (khoản 1).
Điều 113 Nghị định 181 không quy định việc giải quyết ở đây là do cơ quan nào nên được hiểu là áp dụng chung cho cả UBND lẫn Tòa án. Tức là theo quy định này thì thì UBND chỉ giải quyết việc đòi lại đất khi “nguyên đơn” cung cấp được giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc một trong các loại giấy tờ tại các Khoản 1, 2, 5 Điều 50 Luật đất đai. Trong khi Khoản 2 Điều 136 Luật đất đai lại quy định đất tranh chấp không có một các loại giấy tờ đã nêu thì thuộc thẩm quyền của UBND (tức là không chỉ “nguyên đơn” không có mà thậm chí cả “bị đơn” hay “người liên quan” không có thì vẫn phải giải quyết)
Thứ hai: Nghị định của Chính phủ không nên quy định về Tố tụng
Về mặt nội dung quy định này chỉ phù hợp với Khoản 1 Điều 136 Luật đất đai, tức là chỉ áp dụng cho trường hợp giải quyết tranh chấp tại cơ quan Tòa án. Và việc có giải quyết hay không giải quyết là vấn đề thuộc về tố tụng (có thuộc trường hợp trả lại đơn khởi kiện theo Điều 168 BLTTDS hay không) của Tòa án  – Một cơ quan thuộc ngành Tư Pháp, không thuộc Hành Pháp (mà đứng đầu là Chính phủ). Mà một khi đã thuộc về tố tụng thì nên quy định tại Luật, Nghị quyết quốc hội, Pháp lệnh…nói chung là những văn bản có giá trị pháp lý cao hơn hoặc quy định tại Nghị quyết của HĐTP TANDTC hay Thông tư của Chánh án (những văn bản do người của ngành Tòa án ký). Có như vậy thì mới phù hợp với tính phân công và phối hợp giữa Hành Pháp và Tư Pháp theo quy định tại Điều 2 Hiến Pháp 1992.
Tòa án không phải là cơ quan thuộc Chính phủ nên việc dùng Nghị định của Chính phủ để quy định về tố tụng là thực hiện sai chức năng. Vì mặc dù Nghị định có chức năng  hướng dẫn thi hành luật nhưng chỉ là hướng dẫn trong khuôn khổ quản lý điều hành của Chính phủ - có thể hiểu điều này khi đọc Điều 14 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Việc Chính Phủ quy định về hoạt động tố tụng của Tòa án chả khác nào Bộ Y Tế quy định về trình tự, thủ tục cấp sổ đỏ; Bộ Giáo dục quy định về việc cấp giấy phép xây dựng…