14 tháng 12, 2015

TẠI SAO CHÁNH ÁN TANDTC PHẢI TUYÊN THỆ KHI NHẬM CHỨC MÀ VIỆN TRƯỞNG LẠI KHÔNG?



Eric Cantona

Luật sư Hoàng Văn Thạch
Gần đây có một bạn gọi về công ty hỏi “tại sao chánh án TANDTC phải tuyên thệ khi nhậm chức còn Viện trưởng VKSNDTC lại không?”. Câu hỏi đã gây xôn sao cho một số bạn chuyên viên trong cơ quan. Câu hỏi gợi không ít sự tò mò và không hẳn ai cũng hiểu được điều này. Dưới đây là bài viết về lời giải đáp của tôi sau khi nhận thấy trên hệ thống dữ liệu google chưa có bài viết trả lời cho câu hỏi này.
1.                  Một chút về lịch sử:
Thông tin về việc một số chức danh phải tuyên thệ khi nhậm chức mới chỉ thực sự xôn xao trong thời gian gần đây khi báo chí đưa tin về kỳ họp thứ X của Quốc Hội. Người ta nói đến căn cứ pháp lý tại Điều 8 Luật tổ chức quốc hội “Sau khi được bầu, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao phải tuyên thệ trung thành với Tổ quốc, Nhân dân và Hiến pháp”. Tuy nhiên đây là chỉ quy định mang tính kế thừa của quy định có từ trước đó tại Khoản 7 Điều 70 Hiến pháp 2013.
2.                  Tại sao lại chỉ có một sốc chức danh phải tuyên thệ?
Tuyên thệ khi nhậm chức là một hành động mang tính nghi thức nhằm tôn vinh và đề cao trách nhiệm của một số chức danh được Quốc hội bầu (tức được Nhân dân giao phó). Ngoài ra sự ra đời của quy định cũng là để phù hợp với thông lệ đã có từ lâu trên thế giới. Chính vì vậy Hiến Pháp đã quy định một số chức danh phải tuyên thệ. Tuy nhiên nếu quy định tất cả các chức danh được Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn đều tuyên thệ thì nghi thức sẽ trở nên rất phổ thông và mất đi tính trang trọng của nó.
Đó là lý do Hiến Pháp chỉ giới hạn một số chức danh của những người đứng đầu bao quát toàn bộ hoạt động của Bộ máy Nhà nước. Hoạt động của Nhà nước chủ yếu bao gồm các hoạt động trong lĩnh vực Hành pháp, Tư Pháp và Lập pháp. Do đó 04 chức danh được chọn là: Người đứng đầu Nhà nước (Chủ tịch nước), Người đứng đầu cơ quan Hành pháp (Thủ tướng), Người đứng đầu cơ quan Lập Pháp (Chủ tịch Quốc Hội) và Người đứng đầu cơ quan Tư pháp (Tòa án).
3.                  Tại sao đứng đầu khối cơ quan Tư Pháp lại là Chánh Án TANDTC mà không phải Viện trưởng VKSNDTC?.
Vấn đề này liên quan đến vai trò của Viện Kiểm Sát và Tòa Án trong hoạt động tư pháp. Tại Điều 102 Hiến Pháp quy định Tòa án là cơ quan “thực hiện quyền tư pháp” còn tại Điều 107 Hiến pháp quy định Viện kiểm sát là cơ quan “Giám sát hoạt động tư pháp”. Trong quá trình soạn thảo Hiến Pháp cũng đã có ý kiến cho rằng cần khẳng định vai trò của Viện kiểm sát là cơ quan cùng với Tòa án nhân dân thực hiện quyền tư pháp. Phúc đáp ý kiến này ngày 17/11/2013 UB dự thảo sửa đổi hiến pháp đã có văn bản trả lời như sau “Uỷ ban nhận thấy rằng, thực chất quyền tư pháp là quyền xét xử. Ở nước ta, Tòa án nhân dân là cơ quan xét xử nên Tòa án nhân dân là cơ quan thực hiện quyền tư pháp. Viện kiểm sát nhân dân thực hiện chức năng thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp. Viện kiểm sát nhân dân có tham gia một số hoạt động tư pháp, nhưng không có nghĩa là Viện kiểm sát nhân dân cũng là cơ quan thực hiện quyền tư pháp. Đây là vấn đề đã được thảo luận kỹ và được sự thống nhất cao của các vị đại biểu Quốc hội”.
Mặc dù ở nước ta, vai trò của Tòa án so với Viện kiểm sát và cơ quan điều tra chưa thực sự nổi bật. Nhưng có thể thấy quan điểm của những nhà làm luật thì dù sao đi nữa Tòa Án mới là hiện thân của quyền tư pháp. Người viết nhận thấy rằng điều này phù hợp với thông lệ quốc tế, phù hợp với học thuyết của Montesque về tam quyền phân lập. Do vậy, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao là người được coi như đứng đầu khối tư pháp. Đó là lý do vì sao Chánh án TANDTC phải tuyên thệ khi nhậm chức còn Viện trưởng VKSNDTC thì không?.
Hy vọng, bài viết này sẽ phần nào lý giải cho các bạn – nhất là những sinh viên đang làm công tác nghiên cứu luật hiểu hơn được bản chất các quy định của pháp luật Việt Nam.
Trân trọng!
Hà Nội ngày 14 tháng 12 năm 2015
Ngoài Lề: Bên cạnh vai trò của VKS và Tòa Án trong hoạt động tư pháp thì một điểm nữa cần lưu ý về mặt lý luận khi nghiên cứu là:
Tòa án chỉ thực hiện chức năng xét xử. Khi xét xử thì hoàn toàn độc lập và chỉ tuân theo pháp luật. Do vậy không tồn tại nguyên tắc tập trung chỉ đạo trong hệ thống tòa án các cấp. Mỗi cấp Tòa án có những thẩm quyền theo luật định, quan hệ giữa Tòa án các cấp là quan hệ tố tụng.
Ngược lại đối với Viện kiểm sát thì do vừa thực hiện chức năng công tố, vừa thực hiện chức năng kiểm sát hoạt động tư pháp. Nhà làm luật cho rằng chức năng kiểm sát hoạt động tư pháp là chức năng quản lý Nhà nước, góp phần tạo nên nguyên tắc thống nhất quyền lực Nhà nước. Để thực hiện chức năng này cần áp dụng nguyên tắc tập trung chỉ đạo.
Do vậy mở rộng nghiên cứu Luật tổ chức tòa án và Luật tổ chức Viện kiểm sát ta thấy Viện trưởng cấp trên có quyền chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra hoạt động nghiệp vụ thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử của Viện kiểm sát nhân dân cấp dưới. Tuy nhiên Chánh án thì không có quyền “chỉ đạo” này.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét