2 tháng 9, 2015

KIẾN NGHỊ ĐÍNH CHÍNH LẠI THUẬT NGỮ BÊN GIAO/NHẬN XĂNG DẦU TRONG THÔNG TƯ 15/2015/TT-BKHCN

VĂN BẢN KIẾN NGHỊ ĐÍNH CHÍNH VĂN BẢN PHÁP LUẬT
(V/v điều chỉnh lại một số thuật ngữ tại Thông tư 15/2015/TT-BKHCN ngày 25/08/2015)

Kính gửi: BỘ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ

Người kiến nghị:
Luật sư Hoàng Văn Thạch – Công ty luật Trí Minh (Đoàn Luật sư Tp Hà Nội)
NỘI DUNG
Kính thưa quý bộ!
Ngày 25.08.2015 vừa qua Bộ Khoa học công nghệ vừa ban hành Thông tư 15/2015/TT-BKHCN quy định về đo lường, chất lượng kinh doanh xăng dầu.
Tại Khoản 3, 4 Điều 3 thông tư đưa ra các định nghĩa như sau:
Bên giao xăng dầu là thương nhân kinh doanh XNK xăng dầu, thương nhân sản xuất xăng dầu, thương nhân phân phối xăng dầu, thương nhân làm tổng đại lý kinh doanh xăng dầu thực hiện việc xuất giao xăng dầu theo Hợp đồng mua bán đã ký
Bên nhận xăng dầu là thương nhân kinh doanh XNK xăng dầu, thương nhân sản xuất xăng dầu, thương nhân phân phối xăng dầu, thương nhân làm tổng đại lý kinh doanh xăng, thương nhân làm đại lý bán lẻ xăng dầu, thương nhận nhận quyền bán lẻ xăng dầu thực hiện nhận xăng dầu từ Bên giao xăng dầu theo Hợp đồng mua bán xăng dầu đã ký
Đây là những nội dung không có trong Dự thảo lần 3 bà quý bộ đăng tải trên website http://www.most.gov.vn/ để lấy ý kiến đóng góp. Nó chỉ xuất hiện sau khi đã được ban hành. Tuy nhiên, các thuật ngữ này chưa phù hợp với các quy định về kinh doanh xăng dầu tại Nghị định 83/2014/NĐ-CP, Thông tư 38/2014/TT-BCT và Luật thương mại 2005.
Cụ thể:
Theo quy định tại Nghị định 83/2014/NĐ-CP và Thông tư 38/2014/TT-BCT thì trong mối quan hệ giữa các thương nhân kinh doanh xăng dầu thì Hợp đồng mua bán xăng dầu chỉ được ký giữa:
- Thương nhân đầu mối (bao gồm: thương nhân kinh doanh  xuất nhập khẩu xăng dầu và thương nhân sản xuất xăng dầu) với thương nhân đầu mối khác
- Giữa thương nhân đầu mối với thương nhân phân phối
- Giữa thương nhân phân phối với thương nhân phân phối khác.
Còn đối với các thương nhân kinh doanh xăng dầu khác là: Tổng đại lý, Đại lý và Nhận nhượng quyền bán lẻ xăng dầu thì họ giao/nhận xăng dầu với nhau hoặc với thương nhân khác thông qua Hợp đồng đại lý/đại lý bán lẻ hoặc Hợp đồng nhận quyền bán lẻ xăng dầu mà không được phép được thực hiện thông qua Hợp đồng mua bán xăng dầu.
Như vậy quy định nêu trên của Thông tư 15/2015/TT-BKHCN là mâu thuẫn với quy định về kinh doanh xăng dầu được điều chỉnh bởi Nghị định 83//2014/NĐ-CP và Thông tư 38/2014/TT-BCT; chưa đảm bảo tính thống nhất trong kỹ thuật soạn thảo VBPL.
Ngoài ra theo Luật thương mại 2005 hợp đồng mua bán, Hợp đồng đại lý, Hợp đồng nhận quyền bán lẻ (nhượng quyền thương mại) là 03 loại hợp đồng khác nhau, được điều chỉnh bới những chế định khác nhau; quyền, nghĩa vụ của các bên phát sinh từ các hợp đồng đó cũng khác nhau. Thông tư vô tình đánh đồng các khái niệm trên với nhau.
Kiến nghị:
Kính đề nghị Bộ KHCN đính chính lại nội dung nêu trên để đảm bảo tính thống nhất trong các quy định của pháp luật. Theo đó cụm từ “theo hợp đồng mua bán xăng dầu đã ký” nên được sửa lại là “theo hợp đồng chuyển giao xăng dầu đã ký” hoặc liệt kê đầy đủ “theo hợp đồng mua bán xăng dầu, hợp đồng đại lý/đại lý bán lẻ xăng dầu, hợp đồng nhận quyền bán lẻ xăng dầu đã ký”.
Trân trọng!
Tài liệu đính kèm:
-                      Thông tư 15/2015/TT-BKHCN
Hà Nội ngày 02 tháng 09 năm 2015
NGƯỜI KIẾN NGHỊ
(đã ký)


LS Hoàng Văn Thạch



                                                       


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét