27 tháng 5, 2016

Bạn Biết Gì Về Cách Thức Tiếp Đón Một Nguyên Thủ Quốc Gia?

UV BCT Đinh Thế Huy đón ông Tập tại sân bay 12/2015
Luật sư Hoàng Văn Thạch
Nhân chuyến thăm của ông Obama đến Việt Nam đang được rất nhiều người quan tâm. Chúng tôi giới thiệu bài viết dưới đây của Ls Hoàng Văn Thạch để các bạn hình dung ra cách thức tiếp đón một Nguyên thủ quốc gia của Việt Nam diễn ra như thế nào?
Danh nghĩa các chuyến thăm:
Theo thông lệ Nguyên thủ quốc gia là Người đứng đầu Nhà nước. Theo Hiến pháp Việt Nam thì Chủ tịch nước là Nguyên thủ quốc gia của Việt Nam.
Các chuyến thăm cấp cao của Nguyên thủ quốc gia sẽ có danh nghĩa đơn thuần là Nguyên thủ Quốc gia, nhưng có trường hợp vừa danh nghĩa là Nguyên thủ Quốc gia đồng thời là Người đứng đầu Đảng cầm quyền (Ví dụ như trường hợp của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình). Bộ ngoại giao Việt Nam sẽ thỏa thuận với Bộ ngoại giao nước bạn về danh nghĩa của chuyến thăm.
Các nguyên thủ cũng tiến hành các chuyến thăm dưới một trong bốn hình thức: có thể là thăm cấp nhà nước, thăm chính thức, thăm làm việc, thăm cá nhân. Trong đó thăm cấp nhà nước là chuyến thăm được đón tiếp với mức độ nghi lễ nhà nước cao nhất. Theo báo chí Việt Nam thì chuyến thăm của ông Obama tới Việt Nam vào ngày 23/05/2016 là chuyến thăm Chính thức. Còn chuyến thăm của ông Tập Cận Bình hồi tháng 11/2015 là chuyến thăm cấp Nhà nước.
Ai là người chủ trì việc đón tiếp Nguyên thủ quốc gia nước bạn? Thông thường sẽ là Chủ tịch nước. Nhưng nếu Nguyên thủ nước bạn đồng thời là người đứng đầu Đảng cầm quyền thì Tổng bí thư sẽ chủ trì; còn Chủ tịch nước có hội kiến riêng và mời cơm thân mật với nguyên thủ nước bạn. Ví dụ như khi đón ông Obama thì Chủ tịch nước chủ trì nhưng khi đón ông Tập Cận Bình thì là Tổng bí thư. Trong bài viết này Chủ tịch nước, Tổng bí thư một số trường hợp sẽ gọi chung là Trưởng đoàn Việt Nam.
Chủ nhiệm VP Chủ tịch nước Đào Việt Trung đón ông Obama tháng 5/2016
Các bước trong nghi thức đón tiếp:
Dù thăm với danh nghĩa là chuyến thăm Chính thức hay thăm cấp Nhà nước thì nghi thức sẽ gồm các bước:
1/ Đón đoàn tại sân bay:
Đối với bước này thì thành phần ra đón đoàn sẽ gồm: Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước, Bộ trưởng tháp tùng, Đại sứ Việt Nam tại nước khách, lãnh đạo Bộ Ngoại giao, người tháp tùng Phu nhân (Phu quân (nếu có)) Nguyên thủ Quốc gia nước khách, Cục trưởng Cục Lễ tân Nhà nước, Vụ trưởng Vụ Đối ngoại Văn phòng Chủ tịch nước, Vụ trưởng Vụ khu vực Bộ Ngoại giao.
Riêng đối với trường hợp đón tiếp Nguyên thủ quốc gia là người đứng đầu Đảng cầm quyền thì cả Đảng và Nhà nước cùng đón tiếp nên trưởng đoàn sẽ là một Ủy viên Bộ chính trị, bất kể đó là Đảng công sản hay đảng phái nào khác (Đó là lí do vì sao một số ý kiến thắc mắc sự có mặt của ông Đinh Thế Huynh trong vài trò trưởng đoàn tại sân bay khi đón ông Tập Cận Bình; còn đón ông Obama trưởng đoàn lại là ông Đào Việt Trung - chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước). Ngoài ra trong thành phần đón đoàn sẽ có thêm Trưởng ban đối ngoại Trung ương, lãnh đạo Tp Hà Nội, Vụ trưởng Vụ khu vực Ban Đối ngoại Trung ương, Vụ trưởng Vụ Lễ tân Ban Đối ngoại Trung ương.
Nghi thức sẽ có hai hàng tiêu binh danh dự đứng hai bên thảm từ chân cầu thang máy bay đến nơi đỗ xe của Trưởng đoàn khách. Đoàn Việt Nam sẽ đến tặng hoa Nguyên thủ và phu nhân (phu quân) nước bạn.
2/ Lễ đón chính thức:
Chủ tịch nước hoặcTổng bí thư (gọi chung là trưởng đoàn Việt Nam) và phu nhân (nếu nguyên thủ nước bạn đi cùng phu nhân, phu quân) sẽ ra đón Nguyên thủ nước bạn tại nơi đỗ xe. Sau đó sẽ có một em thiếu nhi tặng hoa cho Nguyên thủ nước bạn và các em thiếu nhi khác vẫy cờ, hoa.
Trưởng đoàn Việt Nam và Nguyên thủ nước bạn đi lên bục danh dự; hai Phu nhân (Phu quân) được mời đến vị trí đầu hàng các quan chức Việt Nam. Lúc này quân nhạc cử Quốc thiều nước khách và Quốc thiều Việt Nam. Sau đó các bên sẽ giới thiệu và bắt tay các thành viên khác trong đoàn.
Cuối cùng trong bước này là chụp ảnh lưu niệm tại phòng khách tiết và tiễn Nguyên thủ nước bạn ra tận xe.
3/ Hội đàm chính thức: 
Trong bước này Đoàn Việt Nam và đoàn khách sẽ trao đổi với nhau trong khuôn khổ chuyến thăm. Tùy từng trưởng hợp mà Trưởng đoàn Việt Nam và Nguyên thủ nước bạn có thể sẽ hội kiến riêng trước khi hai bên hội đàm chính thức.
4/ Tiếp xúc cấp cao: cuộc tiếp xúc của khách cấp cao nước ngoài với Lãnh đạo Đảng, Nhà nước Việt Nam. Bước này thì tùy từng cuộc gặp mà có thể có hoặc không.
5/ Tiệc chiêu đãi: 
Chủ tịch nước sẽ chủ trì buổi chiêu đãi với Nguyên thủ nước bạn. Nếu Nguyên thủ nước bạn là người đứng đầu đảng cầm quyền thì cả Chủ tịch nước và Tổng bí thư đồng chủ trì.
Thành phần tham dự ngoài một số thành viên của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Mặt trận tổ quốc thì tùy từng trường hợp sẽ có thêm một số quan chức, nhân sĩ, trí thức, đại diện doanh nghiệp có nhiều quan hệ với nước khách cùng dự;
Tại tiệc chiêu đãi Trưởng đoàn Việt Nam sẽ đọc diễn văn chào mừng, Nguyên thủ nước bạn đọc diễn văn đáp từ.
Cuối tiệc chiêu đãi sẽ tổ chức biểu diễn nghệ thuật chào mừng đoàn tại Nhà hát Lớn Hà Nội (hoặc tại tiệc chiêu đãi tùy theo thỏa thuận với nước khách).
6. Tiễn khách tại sân bay: nghi thức diễn ra như như khi đón tiếp.
Tương tự các cuộc thăm cấp cao của Người đứng đầu Chính phủ các nước cũng diễn ra theo các bước và nghi thức tương tự và người chủ trì sẽ là Thủ tướng chính phủ.
Nói thêm về đoàn xe hộ tống dẫn đường:
Trừ trường hợp khi có yêu cầu đặc biệt từ nước bạn như trường hợp của Mỹ; các trường hợp khác khi tiếp đón nguyên thủ quốc gia sẽ thăm cấp nhà nước hay thăm chính thức có 08 mô-tô hộ tống; có xe cảnh sát dẫn đường. Đối với chuyến thăm của Người đứng đầu chính phủ sẽ có 06 mô-tô hộ tống. Mô-tô hộ tống chỉ áp dụng trong các hoạt động chính thức tại thủ đô Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh
Bài viết tóm lược quy định tại Nghị định 145/2013/NĐ-CP.
Hà Nội, 24 tháng 5 năm 2016


8 tháng 5, 2016

Vì Sao Giật Túi Thức Ăn 45.000 Đồng Lại Bị Xử Lý Hình Sự

Jay Jay Okocha
Luật sư Hoàng Văn Thạch
Báo chí vừa phản ánh chuyện 2 bị can đang trốn truy nã dùng xe máy đi xin việc nhưng do đói nên đã giật túi thức ăn của chủ tiệm. 2 người này sau đó bị khởi tố bị can về tội Cướp giật tài sản. Đáng chú ý, túi thức ăn chỉ có giá trị 45.000đ. Nhiều bạn đọc băn khoăn với giá trị tài sản như vậy thì có đáng để xử lý hình sự không? Bài viết dưới đây sẽ phân tích kỹ hơn về điều này.
Xử lý hành chính và xử lý hình sự
Theo pháp luật Việt Nam cũng như pháp luật thế giới nói chung thì một hành vi vi phạm pháp luật của công dân thường sẽ có 2 chế tài xử phạt. Đó là phạt hành chính hoặc phạt hình sự. Hành chính thì cấp độ thấp hơn, hình sự ở cấp độ cao hơn (một người vi phạm pháp luật hình sự thì sẽ bị coi là Tội phạm).
Vi phạm hành chính thường được xử lý bằng hình thức phạt tiền; còn hình sự thường là phạt tù (nhưng không phải hành chính lúc nào cũng phạt tiền, có trường hợp chỉ bị cảnh cáo. Tương tự hình sự không phải lúc nào cũng phạt tù; có khi hình sự cũng chỉ bị phạt tiền hoặc cải tạo không giam giữ …v.v). Đa phần các hành vi vi phạm sẽ có 02 mức độ hoặc xử lý hành chính hoặc hình sự tùy vào tính chất nguy hiểm của hành vi đó. Ví dụ như trộm cắp, lừa đảo, vi phạm giao thông. Những hành vi này nhẹ thì xử hành chính, nặng thì xử lý hình sự. 
Nhưng cũng có những hành vi mà pháp luật chỉ quy định một hình thức xử lý. Ví dụ như nếu vi phạm về khai báo tạm trú thì dù có chây ỳ hay tái phạm bao nhiêu lần cũng chỉ xử phạt hành chính; không có mức xử lý hình sự cho hành vi này. Ngược lại đối với hành vi giết người thì nếu vi phạm sẽ bị xử lý hình sự, không có mức xử lý hành chính cho hành vi này.
Vậy để coi một hành vi bị xử lý hành chính hay hình sự cần xem hành vi vi phạm đó có phải là Tội phạm hay không? Nếu là tội phạm thì sẽ bị xử lý hình sự.
Tội phạm là gì?
Tội phạm là hành vi nguy hiểm cho xã hội và được quy định trong BLHS (ở đây người viết tạm thời lược bỏ các điều kiện về độ tuổi, năng lực hành vi…vì các điều kiện này áp dụng chung cho cả việc xử lý hình sự và hành chính ). Như vậy để coi là tội phạm thì có 2 điều kiện cần đáp ứng là: 1/ hành vi đó phải là hành vi nguy hiểm cho xã hội. 2/ hành vi đó phải được quy định trong BLHS. 
Hiện nay pháp luật hình sự đã hoàn thiện, vì vậy nếu ai đó vi phạm điều kiện thứ nhất đương nhiên sẽ vi phạm luôn điều kiện thứ 2. Chỉ vi phạm điều kiện thứ nhất mà không vi phạm điều kiện thứ hai khi pháp luật còn sơ sài, nhiều kẻ hở nên có những hành vi chưa lường trước để đưa vào bộ luật hình sự. Ví dụ như trước năm 1999 nhà làm luật chưa tiên liệu trước được nên hành vi sử dụng trái phép thông tin trên mạng internet mặc dù hành vi này gây nguy hiểm cho xã hội nhưng không được quy định trong BLHS nên không xử lý được, mãi sau này mới bổ sung vào. Trường hợp đã vi phạm điều kiện thứ hai – tức đã có dấu hiệu phạm vào tội danh nào đó trong BLHS thì lúc này các cơ quan tiến hành tố tụng cần xem xét đến mức độ nguy hiểm của hành vi đó. Thông thường việc này là một khái niệm định lượng rất rõ ràng, nhưng thi thoảng có những trường hợp không hề dễ dàng. 
Ví dụ nếu tôi đang ngậm điếu thuốc trên môi, có anh chàng mất lịch sự nào đó đi ngang qua và giật nó trên môi tôi thì hành vi này nếu cứ áp theo Điều 136 BLHS 1999 “Người nào cướp giật tài sản của người khác, thì bị phạt tù từ một năm đến năm năm” thì anh ta phạm vào tội Cướp giật tài sản. Bởi tội danh này chỉ cần hành vi cướp giật tài sản là phạm tội, không cần quan tâm giá trị tài sản. Nên cho dù điếu thuốc đó chỉ trị giá 500đ thì vẫn xử lý hình sự; mức hình phạt là từ 01 – 5 năm tù.
Nếu xử lý như vậy thì quá nặng nề, chắc chắn không ai đồng tình. Nhưng biết làm thế nào khi luật đã quy định như vậy? Lúc này cần xem xét đến điều kiện thứ nhất là mức độ nguy hiểm của hành vi. Tại khoản 4 Điều 8 BLHS 1999 (sắp tới là khoản 2 điều 8 BLHS 2015) đã quy định “Những hành vi tuy có dấu hiệu của tội phạm, nhưng tính chất nguy hiểm cho xã hội không đáng kể, thì không phải là tội phạm và được xử lý bằng các biện pháp khác”.
Như vậy, dù hành vi cướp giật đó có dấu hiệu phạm vào Điều 136 BLHS nhưng do tài sản quá nhỏ, bản thân chủ sở hữu tài sản cũng không bị ảnh hưởng gì từ hành vi cướp giật đó (không bị ngã, không bị xây xước). Do vậy hành vi đó có mức độ nguy hiểm không đáng kể và sẽ không xử lý hình sự mà xử lý bằng biện pháp khác (ví dụ xử phạt hành chính hoặc nhắc nhở, viết kiểm điểm và xin lỗi).
Nhưng nếu tài sản bây giờ không phải điếu thuốc mà là một quyển sách trị giá 100.000đ thì sẽ gây ra những tranh cãi về việc xác định mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi đó và khi đó sẽ còn đánh giá đến nhiều yếu tố khác như thái độ, động cơ, hoàn cảnh thực hiện hành vi để đưa ra nhận định.
Đói quá, giật bánh mỳ để ăn liệu có đáng để xử lý hình sự không?
Trong câu chuyện của 2 thanh niên đang bị truy nã về tội trộm cắp tài sản, hành vi này có dấu hiệu của tội Cướp giật tài sản. Tuy nhiên mức độ nguy hiểm của hành vi đó liệu đã xử lý hình sự được chưa? người viết cho rằng có thể xử lý hình sự được bởi về nhân thân 2 thanh niên này đang là người bị truy nã; về điều kiện thì bản thân họ đang dùng xe máy để di chuyển, có những sự lựa chọn khác dễ dàng hơn để họ có thể có tiền mua thức ăn nhưng họ không thực hiện mà đi giật của người khác.
Tất cả những điều này phần nào cho thấy mức độ lưu manh của 2 bị can. Đặc biệt đi xe máy để giật tài sản rất nguy hiểm cho người bị hại bởi có thể khiến họ bị kéo theo và ngã xuống đường. Tình tiết này Tòa án nhân dân tối cao đã có hướng dẫn đây là thủ đoạn nguy hiểm.
Vì vậy hành vi của họ lúc này không còn dừng ở Khoản 1 Điều 136 BLHS 1999 nữa mà đã phạm vào Khoản 2 Điều 136 với mức hình phạt từ 3 – 10 năm tù. Vì vậy, việc xử lý hình sự là có căn cứ. Người viết tin chắc rằng nếu việc giật túi thức ăn đó do một người đàn ông nghèo đói, vô gia cư thì chắc chắn họ sẽ không bị xử lý hình sự, thậm chí không xử lý hành chính. Việc đánh giá mức độ nguy hiểm của hành vi đôi khi phụ thuộc rất nhiều vào nhân than, bối cảnh của người thực hiện hành vi đó.
Hà Nội, ngày 07 tháng 05 năm 2016.