26 tháng 3, 2016

Góc Nhìn Vụ Bắt Giam Facebooker Trần Minh Lợi

Hristo Toichkov
LS Hoàng Văn Thạch
Mấy ngày trước, dư luận thế giới bàng hoàng bởi vụ đánh bom ở sân bay Brussels, nhà chức trách gọi đây là hành vi khủng bố; cách đây hơn 01 tuần một vụ nổ ở khu đô thị Văn Phú làm chết 04 người, người ta cho rằng đây là một hành vi vô ý làm chết người vì thiếu hiểu biết và bất cẩn của chủ tiệm thu mua phế liệu. Và 04 năm trước Vũ Đức Tiềm ( ở Bắc Ninh) vì những mâu thuẫn vụn vặt đã cài thuốc nổ vào xe của chị dâu làm chị này và con gái thiệt mạng khi vừa ra khỏi nhà, anh ta bị xử tử hình vì tội giết người. Cả 03 vụ việc trên có điểm chung là đều làm chết nhiều người, vậy tại sao người ta không gọi Vũ Đức Tiềm là tên khủng bố, không coi vụ nổ ở Hà Đông là vụ giết người hay những kẻ đánh bom ở Brussels là kẻ vô ý làm chết người vì bất cẩn. Câu trả lời nằm ở mục đích, động cơ thực hiện hành vi của những người này. Rồi câu chuyện thực thi pháp luật ở nước ta, người dân cứ phải đút phong bì cho cán bộ để đi làm các thủ tục hành chính như như cấp sổ đỏ, xin xác nhận giấy tờ gì đó ở ủy ban …vv mà lẽ ra họ phải được phục vụ. Liệu người dân có đang phạm tội đưa hối lộ không?. Những dẫn chứng trên đây sẽ tiền đề để nói về những khía cạnh pháp lý trong vụ bắt giam facebooker Trần Minh Lợi đang được rất nhiều người chú ý vừa qua.
1.            Người đưa tiền có mục đích yêu cầu cơ quan Công an thả người hay không?
Trong vụ việc này cơ quan công an khởi tố đối với Trần Minh Lợi và người nhà của các con bạc về tội đưa hối lội 60.000.000đ. Theo Điều 289 BLHS 1999 mức hình phạt cao nhất có thể đến 20 năm tù.
Theo Điều 279 và 289 BLHS thì hành vi đưa hối lộ là hành vi đưa tài sản cho người có chức vụ để thực hiện một công việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa tài sản. Như vậy việc đưa tài sản cho người có chức vụ phải kèm theo mục đích là anh có muốn người ta thực hiện công việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của anh hay không thì mới coi là đưa hối lộ. Như đã ví dụ ở phần đầu cùng một hành vi làm nổ vật liệu nổ và làm chết nhiều người nhưng có người thì phạm tội khủng bố, có người là giết người, có người lại là vô ý làm chết người (và sẽ bị khởi tố về tội này nếu còn sống). Trong vụ án này nếu như người nhà các con bạc và Trần Minh Lợi ngay sau khi đưa tiền cho trung úy Công an đã tố cáo ngay việc này ra cơ quan chức năng mà chưa cần chờ đến việc người nhà của họ có được tại ngoại hay không thì rõ ràng mục đích của họ là để tố cáo cán bộ điều tra chứ không phải yêu cầu cán bộ điều tra tác động thả người. Nhưng nếu ngược lại – mục đích đưa tiền là để cho người nhà được tại ngoại, sau khi đạt được mục đích chính rồi mới tố cáo để đạt được mục đích tiếp theo thì thật khó để bào chữa cho hành vi của mình, lúc này “công” – “tội” sẽ phân minh, rõ ràng. “Tội” của anh là người phạm tội đưa hối lộ, còn “công” của anh giúp phát hiện thêm tội phạm khác của viên cảnh sát đã nhận tiền. Cái “công” này trong một số trường hợp có thể giúp anh được miễn trách nhiệm hính sự đối với “tội” mà anh phạm phải, nhưng không phải tất cả mọi trường hợp đều như vậy. Việc này pháp luật có quy định, nhưng việc xem xét có được miễn trách nhiệm hình sự hay không phụ thuộc vào yếu tố cảm tính rất nhiều (xem khoản 6 điều 289 BLHS dưới đây).
Trên đây mới chỉ là góc nhìn ở hành vi đưa tài sản và mục đích của việc đưa tài sản. Để đánh giá chính xác hành vi của người nhà con bạc và Trần Minh Lợi cần phải xem xét đến tình tiết dưới đây:
Cái gì đã khiến người dân phải “hối lộ” Công an?
Theo như thông tin báo chí đưa thì 06 con bạc bị Công an huyện Đắc Mil bắt quả tang với số tiền đánh bạc là hơn 04 triệu đồng. 04 triệu đồng là số tiền đủ để xử lý hình sự, nhưng trong một vụ án hình sự thì đây là số tiền rất nhỏ. Mức hình phạt cho người tham gia đánh bạc với số tiền từ 02 triệu – 50 triệu có thể là phạt tiền, phạt cải tạo không giam giữ, hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 03 năm. Trong pháp luật hình sự thì những tội có khung dưới 03 năm như tội Đánh bạc ở khoản 1 được xếp vào nhóm tội ít nghiêm trọng. Điều 88 Bộ luật tố tụng hình sự 2003 quy định đối với loại tội ít nghiêm trọng này chỉ được bắt tạm giam khi có căn cứ cho rằng người phạm tội có hành vi cản trở hoạt động điều tra hoặc có hành vi bỏ trốn hoặc sẽ tiếp tục phạm tội. Vậy câu hỏi là các con bạc có dấu hiệu của một trong ba hành vi này hay không mà Công an huyện Đăk Mil phải bắt tạm giam họ để rồi dẫn đến một loạt những người khác vướng vòng lao lý. Sở dĩ nói điều này vì thực tế lâu nay cho thấy các cơ quan điều tra thường không tuân thủ quy định này, việc bắt người quá dễ dàng. Việc bắt tạm giam được giải thích đơn giản là thấy cần thiết phục vụ cho hoạt động điều tra. Trong khi hình phạt của tội này có thể là phạt tiền hoặc cải tạo không giam giữ mà anh đã tạm giam người ta rồi thì khác nào mua cái xe 500 triệu bắt tạm ứng 01 tỷ đồng. Nếu như không có căn cứ chứng minh được những con bạc có hành vi cản trở hoạt động điều tra hoặc bỏ trốn hoặc tiếp tục phạm tội thì rõ ràng cơ quan Công an huyện Đăk Mil đang làm sai, cai sai đó rất nghiêm trọng vì nó tước đi quyền tự do của công dân. Đứng trước cái sai này đôi khi để được làm đúng người dân phải đưa tiền. Việc đó lâu nay người dân vẫn làm, từ việc xin sổ đỏ cho đến đăng ký thường trú … và được thừa nhận như là thực trạng của xã hội. Vậy phải chăng tất cả đó đều là hành vi đưa hối lộ.
Đây là lỗ hổng lớn của pháp luật, hiện chưa có hướng dẫn cụ thể, TAND Tối Cao cần sớm có hướng dẫn đối với hành vi đưa hối lộ theo hướng là việc đưa tài sản cho người có chức vụ để thực hiện một công việc theo yêu cầu hoặc lợi ích của người đưa tài sản mà công việc đó là để khắc phục, hạn chế việc cố tình sai phạm của người có chức vụ, quyền hạn thì không coi đó là hành vi đưa hối lộ. Với quy định hiện nay thì sẽ có nhiều người hiểu cứ đưa tiền là hành vi hối lộ.
Thực tế lâu nay chưa thấy xử lý hình sự đối với hành vi đưa tài sản cho người có chức vụ quyền hạn để họ bớt hành dân. Vì vậy nếu người nhà con bạc và Trần Minh Lợi có đưa tiền cho cán bộ điều tra để thả người vì trước đó đã bắt người trái pháp luật thì không nên xử lý hình sự đối với những người này. Nếu xử lý họ về hành vi đó thì về mặt tư duy nó cũng giống như chính quyền để các hộ kinh doanh lấn hết vỉa hè, người dân phải đi bộ xuống lòng đường rồi lại xử lý họ về hành vi vi phạm pháp luật giao thông.
Khoản 6 Điều 289 BLHS 1999 (sắp tới được thay thế bằng khoản 7 Điều 364 BLHS 2015) quy định:
Người bị ép buộc đưa hối lộ mà chủ động khai báo trước khi bị phát giác, thì được coi là không có tội và được trả lại toàn bộ của đã dùng để đưa hối lộ.
Người đưa hối lộ tuy không bị ép buộc nhưng đã chủ động khai báo trước khi bị phát giác, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự và được  trả lại một phần hoặc toàn bộ của đã dùng để đưa hối lộ.”
Hà Nội, 24 tháng 03 năm 2016






Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét