Adam Johnson ( bi kết án 6 năm tù vì hành vi QRTD) |
Luật
sư Hoàng Văn Thạch
Quấy
rối tình dục (sexual harrassment) là một hành vi phạm pháp theo quy định của
nhiều nước. Trong một chỉ thị của Liên minh châu âu thì quấy rối tình dục có
nghĩa là “Khi một thái độ có liên quan đến
giới tính thể hiện ở hình thức có từ ngữ, không từ ngữ hay bằng cơ thể có mục
đích hay có tác động làm tổn thương đến phẩm giá của một người hay tạo nên một
môi trường mang nhiều dọa dẫm, thù địch, hạ thấp, lăng nhục, xúc phạm hay bối rối.”
Đây cũng là cách hiểu chung theo thông lệ quốc tế. Ở Việt Nam cụm từ “quấy rối
tình dục” cũng được ghi nhận trong một văn bản pháp luật nhưng không đưa ra bất
cứ khái niệm nào giải thích hành vi này.
Năm
2012 lần đầu tiên cụm từ “quấy rối tình dục” xuất hiện trong một văn bản pháp
luật của Việt Nam đó là Bộ luật lao động 2012. Đây được xác định là một hành vi
bị nghiêm cấm, và là căn cứ để Người lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp
đồng lao động. Ngoài ra không có bất cứ chế tài nào khác để xử lý người có hành
vi quấy rối. Năm 2015, được sự giúp đỡ của Tổ chức lao động quốc tế ILO, Bộ lao
động TBXH đã phối hợp với Phòng TM và CN Việt Nam công bố Bộ quy tắc ứng xử về
quấy rối tình dục tại nơi làm việc, trong đó định nghĩa “quấy rối tình dục là hành vi có tính chất tình dục gây ảnh hưởng đến
tâm lý của nữ giới, nam giới. Đây là hành vi không được chấp thuận, không mong
muốn và không hợp lý làm xúc phạm đối với người nhận, tạo môi trường bất ổn,
đáng sợ và thù địch”. Đồng thời liệt
kê các hình thức quấy rối tình dục có thể là bằng sự va chạm thể chất, bằng lời
nói hoặc bằng một hành vi phi lời nói (ngôn ngữ cơ thể không đúng đắn, phơi bày
tài liệu khiêu dâm). Tuy không phải là một văn bản quy phạm pháp luật nhưng nó
được công bố bởi một cơ quan cấp trung ương nên đây có thể coi là một nguồn
tham khảo đáng tin cậy. Mặc dù vậy thì
quấy rối tình dục vẫn chỉ được điều chỉnh ở lĩnh vực lao động trong mối
quan hệ chủ - thợ; trong khi thực tế nó xuất hiện trong nhiều lĩnh vực khác của
đời sống như gia đình, trường học và trong quá trình hành nghề người viết cũng
chưa chứng kiến một vụ kiện lao động nào liên quan đến hành vi quấy rối tình dục.
Một
vài dạng của hành vi quấy rối tình dục cũng được ghi nhận như một hành vi vi phạm
pháp luật và có chế tài xử lý không đáng kể. Trong nghi định 167/2013/NĐ-CP về
xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh – trật tự tại điều 53 có quy
định hành vi “kích động tình dục hoặc lạm
dụng thân thể đối với thành viên gia đình mà thành viên đó không phải là vợ, chồng”
có thể nhận mức xử phạt năm trăm ngàn đến một triệu đồng; một mức rất thấp so với
thu nhập hiện nay.
Cụm
từ “quấy rối tình dục” không được thể hiện trong Bộ luật hình sự của Việt Nam.
Trước năm 2015 cũng không có bất cứ dạng hành vi quấy rối tình dục nào được ghi
nhận như là hành vi phạm tội hình sự. Chỉ những hành ở cấp độ cao hơn như dâm ô
với trẻ em, giao cấu với trẻ em, cưỡng dâm, hiếp dâm mới coi là tội phạm. Trong
đó tội “dâm ô với trẻ em” tương ứng với tộ danh “quan hệ tình dục bằng đường miệng
với trẻ em dưới 18t” theo Bộ luật hình sự của tiểu bang California mà diễn viên
Minh Béo đang bị cáo buộc, mức hình phạt đối với tội này theo BLHS 1999 là từ
06 tháng đến 12 năm tù tùy từng trường hợp. Tuy vậy ở Việt Nam thì tội danh
“dâm ô với trẻ em” của Việt Nam chỉ áp dụng đối với người bị hại dưới 16t; hành
vi “dâm ô với trẻ em” cũng không có định nghĩa nhưng được giới luật sư và các
cơ quan tố tụng hiểu là hành vi đụng chạm
vào những bộ phận nhậy cảm của trẻ em hoặc buộc trẻ em đụng chạm vào những bộ
phận nhậy cảm của người phạm tội (trong đó bao gồm cả hành
vi quan hệ tình dục bằng đường miệng của Minh Béo). Cũng có một số ý kiến cho rằng
một vài hành vi kiểu như quấy rối tình dục sẽ bị xử lý về tội làm nhục người
khác theo Điều 121 BLHS 1999, nhưng thực tế hiếm khi ghi nhận.
Đến
năm 2015 thì Việt Nam chính thức ghi nhận một dạng của hành vi quấy rối tình dục
là hành vi phạm tội (có hiệu lực từ 01/07/2016). Đó là hành vi sử dụng trẻ em
dưới 16t vào mục đích khiêu dâm. Theo đó tại Điều 147 BLHS 2015 quy định “Người
nào đủ 18 tuổi trở lên mà lôi kéo, dụ dỗ, ép buộc người dưới 16 tuổi trình diễn
khiêu dâm hoặc trực tiếp chứng kiến việc trình diễn khiêu dâm dưới mọi hình thức,
thì bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm” – một số trường hợp nghiêm trọng hơn
có mức hình phạt đến 12 năm tù.
Như vậy, dù chưa đầy đủ; nhưng theo xu hướng
chung của quốc tế Việt Nam cũng dần dân có quy định để điều chỉnh những hành vi
được coi là quấy rối tình dục tuy nó không được diễn tả bằng cụm từ “quấy rối
tình dục”.
Liên hệ với hành vi mà Minh Béo bị cáo buộc tại Mỹ,
nếu ở Việt Nam thì hành vi “quan hệ tình
dục bằng miệng với câu bé 14t” của anh này sẽ bị xử lý về tội “dâm ô với trẻ
em”. 02 tội danh sau đó mà Minh Béo bị cáo buộc là: toan có hành động dâm ô với trẻ em dưới 14
tuổi, và hẹn hò gặp gỡ với dự tính có hành động dâm ô với trẻ vị thành niên sẽ
không bị truy tố thêm về tội danh khác mà được sử dụng như là tình tiết để đánh
giá tính chất nghiêm trọng trong hành vi, ý thức của bị cáo làm cơ sở để đưa ra
hình phạt trong khung đã định. Trong đó
tội danh thứ 3 nếu đứng độc lập với 02 tội danh trước thì ở Việt Nam sẽ không bị
truy tố về bất cứ tội danh nào cả.
Hà Nội, 30 tháng 03 năm 2016
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét