8 tháng 5, 2016

Vì Sao Giật Túi Thức Ăn 45.000 Đồng Lại Bị Xử Lý Hình Sự

Jay Jay Okocha
Luật sư Hoàng Văn Thạch
Báo chí vừa phản ánh chuyện 2 bị can đang trốn truy nã dùng xe máy đi xin việc nhưng do đói nên đã giật túi thức ăn của chủ tiệm. 2 người này sau đó bị khởi tố bị can về tội Cướp giật tài sản. Đáng chú ý, túi thức ăn chỉ có giá trị 45.000đ. Nhiều bạn đọc băn khoăn với giá trị tài sản như vậy thì có đáng để xử lý hình sự không? Bài viết dưới đây sẽ phân tích kỹ hơn về điều này.
Xử lý hành chính và xử lý hình sự
Theo pháp luật Việt Nam cũng như pháp luật thế giới nói chung thì một hành vi vi phạm pháp luật của công dân thường sẽ có 2 chế tài xử phạt. Đó là phạt hành chính hoặc phạt hình sự. Hành chính thì cấp độ thấp hơn, hình sự ở cấp độ cao hơn (một người vi phạm pháp luật hình sự thì sẽ bị coi là Tội phạm).
Vi phạm hành chính thường được xử lý bằng hình thức phạt tiền; còn hình sự thường là phạt tù (nhưng không phải hành chính lúc nào cũng phạt tiền, có trường hợp chỉ bị cảnh cáo. Tương tự hình sự không phải lúc nào cũng phạt tù; có khi hình sự cũng chỉ bị phạt tiền hoặc cải tạo không giam giữ …v.v). Đa phần các hành vi vi phạm sẽ có 02 mức độ hoặc xử lý hành chính hoặc hình sự tùy vào tính chất nguy hiểm của hành vi đó. Ví dụ như trộm cắp, lừa đảo, vi phạm giao thông. Những hành vi này nhẹ thì xử hành chính, nặng thì xử lý hình sự. 
Nhưng cũng có những hành vi mà pháp luật chỉ quy định một hình thức xử lý. Ví dụ như nếu vi phạm về khai báo tạm trú thì dù có chây ỳ hay tái phạm bao nhiêu lần cũng chỉ xử phạt hành chính; không có mức xử lý hình sự cho hành vi này. Ngược lại đối với hành vi giết người thì nếu vi phạm sẽ bị xử lý hình sự, không có mức xử lý hành chính cho hành vi này.
Vậy để coi một hành vi bị xử lý hành chính hay hình sự cần xem hành vi vi phạm đó có phải là Tội phạm hay không? Nếu là tội phạm thì sẽ bị xử lý hình sự.
Tội phạm là gì?
Tội phạm là hành vi nguy hiểm cho xã hội và được quy định trong BLHS (ở đây người viết tạm thời lược bỏ các điều kiện về độ tuổi, năng lực hành vi…vì các điều kiện này áp dụng chung cho cả việc xử lý hình sự và hành chính ). Như vậy để coi là tội phạm thì có 2 điều kiện cần đáp ứng là: 1/ hành vi đó phải là hành vi nguy hiểm cho xã hội. 2/ hành vi đó phải được quy định trong BLHS. 
Hiện nay pháp luật hình sự đã hoàn thiện, vì vậy nếu ai đó vi phạm điều kiện thứ nhất đương nhiên sẽ vi phạm luôn điều kiện thứ 2. Chỉ vi phạm điều kiện thứ nhất mà không vi phạm điều kiện thứ hai khi pháp luật còn sơ sài, nhiều kẻ hở nên có những hành vi chưa lường trước để đưa vào bộ luật hình sự. Ví dụ như trước năm 1999 nhà làm luật chưa tiên liệu trước được nên hành vi sử dụng trái phép thông tin trên mạng internet mặc dù hành vi này gây nguy hiểm cho xã hội nhưng không được quy định trong BLHS nên không xử lý được, mãi sau này mới bổ sung vào. Trường hợp đã vi phạm điều kiện thứ hai – tức đã có dấu hiệu phạm vào tội danh nào đó trong BLHS thì lúc này các cơ quan tiến hành tố tụng cần xem xét đến mức độ nguy hiểm của hành vi đó. Thông thường việc này là một khái niệm định lượng rất rõ ràng, nhưng thi thoảng có những trường hợp không hề dễ dàng. 
Ví dụ nếu tôi đang ngậm điếu thuốc trên môi, có anh chàng mất lịch sự nào đó đi ngang qua và giật nó trên môi tôi thì hành vi này nếu cứ áp theo Điều 136 BLHS 1999 “Người nào cướp giật tài sản của người khác, thì bị phạt tù từ một năm đến năm năm” thì anh ta phạm vào tội Cướp giật tài sản. Bởi tội danh này chỉ cần hành vi cướp giật tài sản là phạm tội, không cần quan tâm giá trị tài sản. Nên cho dù điếu thuốc đó chỉ trị giá 500đ thì vẫn xử lý hình sự; mức hình phạt là từ 01 – 5 năm tù.
Nếu xử lý như vậy thì quá nặng nề, chắc chắn không ai đồng tình. Nhưng biết làm thế nào khi luật đã quy định như vậy? Lúc này cần xem xét đến điều kiện thứ nhất là mức độ nguy hiểm của hành vi. Tại khoản 4 Điều 8 BLHS 1999 (sắp tới là khoản 2 điều 8 BLHS 2015) đã quy định “Những hành vi tuy có dấu hiệu của tội phạm, nhưng tính chất nguy hiểm cho xã hội không đáng kể, thì không phải là tội phạm và được xử lý bằng các biện pháp khác”.
Như vậy, dù hành vi cướp giật đó có dấu hiệu phạm vào Điều 136 BLHS nhưng do tài sản quá nhỏ, bản thân chủ sở hữu tài sản cũng không bị ảnh hưởng gì từ hành vi cướp giật đó (không bị ngã, không bị xây xước). Do vậy hành vi đó có mức độ nguy hiểm không đáng kể và sẽ không xử lý hình sự mà xử lý bằng biện pháp khác (ví dụ xử phạt hành chính hoặc nhắc nhở, viết kiểm điểm và xin lỗi).
Nhưng nếu tài sản bây giờ không phải điếu thuốc mà là một quyển sách trị giá 100.000đ thì sẽ gây ra những tranh cãi về việc xác định mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi đó và khi đó sẽ còn đánh giá đến nhiều yếu tố khác như thái độ, động cơ, hoàn cảnh thực hiện hành vi để đưa ra nhận định.
Đói quá, giật bánh mỳ để ăn liệu có đáng để xử lý hình sự không?
Trong câu chuyện của 2 thanh niên đang bị truy nã về tội trộm cắp tài sản, hành vi này có dấu hiệu của tội Cướp giật tài sản. Tuy nhiên mức độ nguy hiểm của hành vi đó liệu đã xử lý hình sự được chưa? người viết cho rằng có thể xử lý hình sự được bởi về nhân thân 2 thanh niên này đang là người bị truy nã; về điều kiện thì bản thân họ đang dùng xe máy để di chuyển, có những sự lựa chọn khác dễ dàng hơn để họ có thể có tiền mua thức ăn nhưng họ không thực hiện mà đi giật của người khác.
Tất cả những điều này phần nào cho thấy mức độ lưu manh của 2 bị can. Đặc biệt đi xe máy để giật tài sản rất nguy hiểm cho người bị hại bởi có thể khiến họ bị kéo theo và ngã xuống đường. Tình tiết này Tòa án nhân dân tối cao đã có hướng dẫn đây là thủ đoạn nguy hiểm.
Vì vậy hành vi của họ lúc này không còn dừng ở Khoản 1 Điều 136 BLHS 1999 nữa mà đã phạm vào Khoản 2 Điều 136 với mức hình phạt từ 3 – 10 năm tù. Vì vậy, việc xử lý hình sự là có căn cứ. Người viết tin chắc rằng nếu việc giật túi thức ăn đó do một người đàn ông nghèo đói, vô gia cư thì chắc chắn họ sẽ không bị xử lý hình sự, thậm chí không xử lý hành chính. Việc đánh giá mức độ nguy hiểm của hành vi đôi khi phụ thuộc rất nhiều vào nhân than, bối cảnh của người thực hiện hành vi đó.
Hà Nội, ngày 07 tháng 05 năm 2016.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét