18 tháng 6, 2015

Một Số Mâu Thuẫn Giữa Hợp Đồng Lao Động và Giấy Phép Lao Động Cho Lao Động Nước Ngoài


Bebeto
Luật sư Hoàng Văn Thạch
1.            Không thể ký hợp đồng lao động có thời hạn quá 24 tháng với lao động nước ngoài.
Hiện nay theo quy định của Bộ luật lao động thì có các hình thức ký Hợp đồng lao động có thời hạn (tối đa 36 tháng) hoặc ký HĐLĐ không xác định thời hạn đối với Người lao động. Quy định này không giới hạn đối với lao động nước ngoài hay lao động trong nước. Tuy nhiên đối với Lao động nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam thì thời hạn của visa theo Luật xuất - nhập cảnh là 24 tháng và thời hạn của Giấy phép lao động theo BLLĐ cũng là 24 tháng. Vậy có được ký hợp đồng lao động vượt quá 24 tháng với Lao động nước ngoài không?
Theo Khoản 3 Điều 174 BLLĐ thì một trong các trường hợp Chấm dứt hiệu lực giấy phép lao động là “Nội dung của hợp đồng lao động không đúng với nội dung của giấy phép lao động đã được cấp”. Điều này có nghĩa là Hợp đồng lao động ký với lao động nước ngoài không được phép quá 24 tháng. Đối với trường hợp xin GPLĐ lần đầu hoặc lần hai các doanh nghiệp có thể chủ động ngay từ ban đầu về thời hạn hợp đồng khi ký hợp đồng với NLĐ nước ngoài. Nhưng cũng theo BLLĐ thì nếu ký hợp đồng lao động xác định thời hạn thì chỉ được ký tối đa 02 lần, nếu quá 02 lần thì buộc phải ký hợp đồng không xác định thời hạn nhưng GPLĐ khi được cấp lại vẫn chỉ dừng ở mức tối đa 24 tháng. Do vậy để được cấp Giấy phép lao động doanh nghiệp bắt buộc phải chấp nhận vi phạm quy định về ký đúng loại hợp đồng lao động, tức là vẫn chỉ ký 24 tháng.
Chính sách của Việt Nam là khuyến khích sử dụng lao động bản địa, việc sử dụng lao động nước ngoài chỉ là tạm thời khi chưa đào tạo được lao động Việt Nam để thay thế. Do vậy việc hạn chế ký Hợp đồng lao động không xác định thời hạn với NLĐ nước ngoài là cần thiết. Tuy nhiên cần có hướng dẫn cụ thể để các doanh nghiệp có cơ sở thực hiện.
2.             Giấy phép hết hiệu lực, hợp đồng vẫn còn.
Theo quy định tại Điều 174 BLLĐ thì Hợp đồng lao động chấm dứt là một trong các trường hợp hết hiệu lực của GPLĐ.
Tuy nhiên tại Điều 36 BLLĐ lại không quy định GPLĐ hết hiệu lực là một trong các điều kiện để Chấm dứt hợp đồng lao động. Điều này dẫn đến trường hợp vì lý do nào đó mà một trong các căn cứ để cấp GPLĐ là Hợp đồng trong lĩnh vực kinh tế, thương mại, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, khoa học kỹ thuật, văn hoá, thể thao, giáo dục, y tế chấm dứt trước thời hạn. Khi đó theo quy định GPLĐ sẽ hết hiệu lực. Nhưng đây lại không phải là căn cứ để chấm dứt Hợp đồng lao động. Điều này dẫn đến những rắc rối, phức tạp trong việc xử lý mối quan hệ giũa Người lao động và Chủ sử dụng lao động.
3.             Quy định dài dòng về các trường hợp hết hiệu lực của GPLĐ
Tại Điều 174 BLLĐ liệt kê 07 trường hợp Giấy phép lao động hết hiệu lực gồm:
1. Giấy phép lao động hết thời hạn.
2. Chấm dứt hợp đồng lao động.
3. Nội dung của hợp đồng lao động không đúng với nội dung của giấy phép lao động đã được cấp.
4. Hợp đồng trong lĩnh vực kinh tế, thương mại, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, khoa học kỹ thuật, văn hoá, thể thao, giáo dục, y tế hết thời hạn hoặc chấm dứt.
5. Có văn bản thông báo của phía nước ngoài thôi cử lao động là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam.
6. Giấy phép lao động bị thu hồi.
7. Doanh nghiệp, tổ chức, đối tác phía Việt Nam hoặc tổ chức phi chính phủ nước ngoài tại Việt Nam chấm dứt hoạt động.
8. Người lao động là công dân nước ngoài bị phạt tù giam, chết hoặc bị Toà án tuyên bố là đã chết, mất tích.”
Tuy nhiên tại Điều 17 Nghị định 102/2013/NĐ-CP quy định về các trường hợp thu hồi GPLĐ thì có thể nhận thấy trường hợp 1, 2 ,3 ,4 ,5 ,7 ,8 nêu trên đều thuộc trường hợp 6 (GPLĐ bị thu hồi). Như vậy vể bản chất Giấy phép lao động hết hiệu lực khi Giấy phép lao động bị thu hồi.