10 tháng 5, 2013

Kẻ Tung Tin Đồn Thất Thiệt Vụ Rạch Đùi Nữ Sinh Sẽ Bị Xử Lý Ra Sao?


Ai đây?
Luật sư: Hoàng Văn Thạch

Vừa quan báo chí đưa thông tin về việc một thanh niên tên Nguyễn Khánh Thành đưa lên mạng thông tin thất thiệt về việc nữ sinh bị rạch đùi bằng dao làm nhiễm máu HIV gây hoang mang trong dư luận. Cơ quan chức năng thì tuyên bố sẽ xử lý nghiêm; ý kiến của mọi người về vấn đề này cũng khác trái nhau, người thì cho rằng có đủ cơ sở để xử lý anh ta về tội “đưa trái phép thông tin lên mạng internet” theo Điều 226 BLHS, lại có người cho rằng anh ta có thể bị xử lý về tội “vu khống” theo Điều 122 BLHS; lại có ý kiến cho rằng có dấu hiệu phạm vào tội “đưa trái phép thông tin lên mạng internet” nhưng vì chưa có hướng dẫn về tội danh này nên chưa thể xử lý được…vv.
     Dưới đây là một vài chia sẻ thể hiện góc nhìn khác của người viết:
Trước tiên khi nói đến một hành vi ta cần xem xét đến hành vi đó đã vi phạm quy định nào, và nếu đã vi phạm rồi thì chế tài sẽ ra sao? Vậy:
     Hành vi tung tin đồn thất thiệt lên mạng internet vi phạm quy định nào?
     Đối với hành vi tung tin đồn không đúng sự thật về thị trường, giá cả gây hoang mang dư luận thì đã có căn cứ xử lý là Khoản 1 Điều 18 Nghị định 84/2011/NĐ-CP, phao tin bịa đặt gây hoang mang dư luận nhằm chống phá Nhà nước thì căn cứ xử lý là Điều 88 BLHS 1999. Tuy nhiên đối với hành vi tung tin đồn thất thiệt không liên quan đến thị trường, giá cả và cũng không nhằm mục đích chống phá Nhà nước thì căn cứ xử lý hiện nay rất chông chênh. Trường hợp của Nguyễn Khánh Thành thì anh này đưa lên Facebook thông tin về việc nữ sinh bị rạch đùi bằng dao có máu nhiễm HIV tại Hà Nội, điều này gây tâm lý hoang mang trong dư luật xã hội, ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của một số người. Công an cũng đã triệu tập anh ta lên làm việc. Vậy căn cứ nào để nói Thành vi phạm pháp luật?
      Facebook là một trang thông tin điện tử cá nhân và nó chịu sự điều chỉnh của Thông tư 07/2008/TT-BTTTT, theo quy định tại Điều 3.2 của Thông tư này thì hành vi “thông tin sai sự thật xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân” là hành vi bị nghiêm cấm.
      Tuy nhiên có hai điểm bất cập đối với quy định này là:
Thứ nhất: quy định này là để hướng dẫn Điều 6 Nghị định 97/2008/NĐ-CP về Về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin điện tử trên Internet. Điều 6 Nghị định 97 quy định “Các hành vi bị nghiêm cấm
1. Lợi dụng Internet nhằm mục đích:
a) Chống lại nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam; gây phương hại đến an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội; phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân; tuyên truyền chiến tranh xâm lược; gây hận thù, mâu thuẫn giữa các dân tộc, sắc tộc, tôn giáo; tuyên truyền, kích động bạo lực, dâm ô, đồi trụy, tội ác, tệ nạn xã hội, mê tín dị đoan; phá hoại thuần phong, mỹ tục của dân tộc;
b) Tiết lộ bí mật nhà nước, bí mật quân sự, an ninh, kinh tế, đối ngoại và những bí mật khác đã được pháp luật quy định;
c) Đưa các thông tin xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức; danh dự, nhân phẩm của công dân;
d) Lợi dụng Internet để quảng cáo, tuyên truyền, mua bán hàng hoá, dịch vụ thuộc danh mục cấm theo quy định của pháp luật. 
2. Gây rối, phá hoại hệ thống thiết bị và cản trở trái pháp luật việc quản lý, cung cấp, sử dụng các dịch vụ Internet và thông tin điện tử trên Internet.
3. Đánh cắp và sử dụng trái phép mật khẩu, khoá mật mã và thông tin riêng của các tổ chức, cá nhân trên Internet.
4. Tạo ra và cài đặt các chương trình virus máy tính, phần mềm gây hại để thực hiện một trong những hành vi quy định tại Điều 71 Luật Công nghệ thông tin
Đối chiếu ta thấy quy định trên không tương xứng với bất cứ quy định nào tại Điều 6 Nghị định 97. Hay nói cách khác thông tư 07 mặc dù là để hướng dẫn Nghị định 97 nhưng thực chất là đặt thêm ra các quy định mới chứ không phải hướng dẫn cụ thể. Chính vì việc đưa thêm ra quy định mà dẫn đến không có chế tài xử phạt sẽ phân tích dưới đây.
Thứ hai: Việc đưa tin nữ sinh bị rạch dao làm dính máu HIV là thông tin sai sự thật, nhưng nó đã xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức nào thì cũng rất mơ hồ; ừ thì cũng có thể lập luận là vì thông tin này nên có người không dám ra đường (bị xâm hại quyền tự do đi lại), hoặc do tâm lý hoang mang nên họ không làm được những việc khác dẫn đến thiệt hại về tài sản…vv Nhưng nói chung là không thuyết phục. Có chăng đây chỉ là xâm phạm về mặt tinh thần, nhưng lại khó tìm ở đâu một quy định của pháp luật bảo vệ quyền được bình yên về tinh thần của cá nhân. Bộ luật dân sự cũng có quy định về việc phải bồi thường thiệt hại do xâm hại về tinh thần (K3 Điều 307 BLDS) nhưng cái thiệt hại này lại chỉ là thiệt hại phát sinh từ hành vi xâm phạm về sức khỏe, tính mạng, danh dự, nhân phẩm, uy tín. Chứ không có hành vi xâm phạm tinh thần đơn thuần.
Chế tài nào để xử lý đối với hành vi của Nguyễn Khánh Thành?
      Về chế tài hành chính: Trong vụ việc trên nếu cố tìm ra một căn cứ nào đó để khẳng định hành vi của Thành là trái pháp luật thì có thể căn cứ vào quy định tại Thông tư 07 nêu trên (tất nhiên có phần hơi khiên cưỡng). Tuy nhiên theo Khoản 2 Điều 9 Nghị định 28/2009/NĐ-CP về Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin điện tử trên Internet thì việc xử phạt đối với “Các hành vi bị nghiêm cấm trong Nghị định quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin điện tử trên Internet thì bị xử phạt theo Nghị định của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực công nghệ thông tin ». Tức là quay về áp dụng Nghị định 63/2007/NĐ-CP, mà Nghị định này chỉ quy định xử phạt nếu hành vi đưa thông tin xúc phạm danh dự, nhân phẩm của ai đó chứ không có quy định về xử phạt đối với hành vi đưa thông tin xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của người khác. Như vậy sẽ không tìm được chế tài tương xứng để xử lý đối với Thành.
     Về chế tài hình sự: Nếu coi việc đưa thông tin của Thành là trái pháp luật (phạm vào điều cấm của Thông tư 07 đã nói) thì trong các tội danh được quy định tại BLHS chỉ có Điều 226 quy định về tội “đưa trái phép thông tin lên mạng internet” phù hợp. Tuy nhiên để khởi tố Thành về tội danh này thì cơ quan điều tra phải chứng minh Thành đã gây hậu quả nghiêm trọng (trở lên). Theo hướng dẫn tại Thông tư 10/2012/TTLT-BCA-BQP-BTP-BTTT-VKSNDTC-TANDTC thì “hậu quả nghiệm trọng” đối với tội này là: gây thiệt hại về tài sản ít nhất là 50 triệu đồng hoặc làm ảnh hưởng đến uy tín của cơ quan, tổ chức, dẫn đến gây rối loạn và làm đình trệ hoạt động của cơ quan, tổ chức. Có thể thấy hành vi của Thành chưa gây hậu quả nghiêm trọng.
      Cũng có ý kiến cho rằng có thể xử lý Thành về tội “vu khống” theo Điều 122 BLHS nhưng trường hợp này Thành không nhắm đến bất cứ ai, không có mục đích vu khống mà chỉ nhằm cảnh báo mọi người, hoặc câu view cho facebook do mình quản lý. Do vậy không có cơ sở để xử lý Thành về tội danh này.

Vậy hãy đợi xem cơ quan chức năng sẽ áp dụng quy định nào của pháp luật để xử lý đối với Thành?
      Lỗ hổng quy định pháp luật:
      Cũng may là trong vụ việc này Thành đưa tin đồn thất thiệt đó lên mạng chứ nếu tuyên truyền bằng miệng thì không hiểu cơ quan chức năng tìm đâu ra quy định pháp luật để mà bắt bẻ anh ta.
      Việc tung tin đồn thất thiệt gây hoang mang dư luận rất cần bị xử lý tuy nhiên pháp luật quy định còn chưa được đầy đủ. Điều này đặt ra vấn đề là cần phải có quy định chung để xử lý đối với người tung tin, rồi tùy từng lĩnh vực mà có quy định xử lý riêng về hành chính (chẳng hạn như tung tin đồn về giá cả, thị trường như quy định tại Nghị định 84/20011/NĐ-CP như đã nói) và cao hơn là xử lý về hình sự. 

Bài cũng được đăng trên báo Người Đưa Tin: 

http://www.nguoiduatin.vn/luat-su-phan-hoi-bai-viet-kho-khoi-to-vu-tung-tin-don-a80393.html