1 tháng 11, 2013

Không Tìm Thấy Nạn Nhân Xử Lý Hình Sự Như Thế Nào

Luật sư: Hoàng Văn Thạch

Kyoko Fukada
Mấy hôm nay báo chí đưa tin nhiều về vụ bác sĩ Nguyễn Mạnh Tường ném xác chị Huyền xuống sông Hồng. Mọi chuyện càng nóng hơn khi đến nay đã hơn 10 ngày kể từ ngày xảy ra sự việc cơ quan điều tra vẫn chưa tìm thấy xác chị Huyền. Trong một bài phỏng vấn khi được hỏi về việc trong trường hợp không tìm thấy xác nạn nhân thì xử lý như thế nào, đại tá Nguyễn Đức Chung – Giám đốc CA Tp Hà Nội dường như cũng lãng tránh câu hỏi khi trả lời rằng “bằng mọi giá phải tìm thấy xác nạn nhân”. Vậy vấn đề được dư luận quan tâm là trong trường hợp không thể tìm thấy xác thì có thể xử lý hình sự bác sĩ Nguyễn Mạnh Tường được không?
Bài viết dưới đây sẽ nêu nên góc nhìn pháp lý của Luật sư Hoàng Văn Thạch đối với các trường hợp liên quan đến các tội xâm phạm tính mạng người khác mà không thể tìm thấy xác nạn nhân.
1.    Chưa tìm thấy xác có thể khởi tố nhưng chưa thể truy tối và xét xử.
       Nếu trong một vụ án mà bị can  có dấu hiệu phạm vào một trong các tội danh xâm phạm tính mạng của người khác nói chung (giết người, vô ý làm chết người….) hay tội "xâm phạm thi thể" mà không tìm thấy nạn nhân thì lúc này chứng cứ để khẳng định nạn nhân đã chết hay đã bị giết chỉ có thể là lời khai của bị can mà không có chứng cứ khác hoặc chứng cứ khác không đủ mạnh. Tuy nhiên các lời khai này cũng chỉ có thể xác nhận nạn nhân đã chết thông qua mắt thường, đôi khi đó có chỉ là trang thái hôn mê hay chết lâm sàng. Những trường hợp này cần phải có sự giám định y khoa mới có thể khẳng định được nạn nhân đã chết chắc hay chưa? Mà nếu không tìm thấy xác thì không có đủ cơ sở để khẳng định nạn nhân đã chết. Vì không thể khẳng định được nạn nhân đã chết nên mọi lời nhận tội của bị can đều không đủ cơ sở để khẳng định lời khai, lời nhận tội đó phù hợp với các chứng cứ khác của vụ án. Do vậy theo quy định tại Khoản 2 Điều 72 Bộ luật TTHS thì lời nhận tội của bị can không thể coi là chứng cứ. Còn chứng cứ khác nếu không đủ mạnh như đã phân tích.
        Đối với một số tội thì mặc dù hậu quả chết người hay không không làm thay đổi tội danh như tội giết người chẳng hạn thì việc nạn nhân đã chết hay chưa chết cũng rất quan trọng trong việc xác định hình phạt. Nếu chưa chết thì là phạm tội chưa đạt, hình phạt cao nhất chỉ là 20 năm nhưng nếu nạn nhân đã chết thì bị cáo có thể bị tử hình.
       Lúc này nếu không tìm thấy xác nạn nhân thì chỉ có thể khởi tố tội danh theo nhận định ban đầu để điều tra làm rõ. Còn chưa thể truy tố cũng như xét xử bị cáo về tội danh đó được.
2.    Nếu không tìm thấy xác thì phải đảm bảo điều kiện gì mới có thể truy tố và xét xử bị cáo.
Trường hợp chưa tìm thấy xác nạn nhân thì cũng đồng nghĩa với việc không có tin tức gì về nạn nhân. Lúc này cơ quan điều tra cần hướng dẫn người thân của nạn nhân làm thủ tục tìm kiếm người vắng mặt tại nơi cư trú theo quy định của pháp luật dân sự và tố tụng dân sự. Sau 02 năm nếu vẫn không có tin tức gì thì tiếp tục làm thủ tục tuyên bố người đó mất tích. Sau 03 năm kể từ ngày tuyên bố người đó mất tích mà vẫn không có tin tức gì thì làm thủ tục tuyên bố người đó đã chết (hoặc có thể không qua thủ tục tuyên bố mất tích nhưng phải đợi 06 năm kể từ ngày người đó biệt tích – tức ngày có tin tức cuối cùng của nạn nhân). Sau khi Tòa án ra quyết định tuyên bố người đó đã chết thì lúc này quyết định của Tòa án là văn bản pháp lý chứng minh nạn nhân là đã chết, viện kiểm sát sẽ ra quyết định truy tố bị can về tội danh tương ứng với cách hành vi của bị can mà cơ quan điều tra xác định được và Tòa án xét xử bị cáo về tội danh này.
Như vậy có thể thấy trong trường hợp không tìm thấy xác nạn nhân thì phải mất ít nhất 05 năm mới có thể xét xử được bị can về tội danh xâm phạm tính mạng.
Tuy nhiên cũng phải nói thêm là thời gian 05 năm quá dài, trong khi thời hạn điều tra tối đa theo quy định tại Điều 119 BLTTHS cũng chỉ có 20 tháng. Hết 20 tháng mà vẫn chưa tìm được xác nạn nhân thì cơ quan điều tra đình chỉ vụ án. Khi nào Tòa án ra quyết định tuyên bố nạn nhân đã chết thì cơ quan điều tra có quyền phục hồi điều tra theo quy định tại Điều 165 BLTTHS.
3.    Nếu sau khi Tòa án tuyên bố người đó đã chết, bị cáo cũng bị xét xử về tội danh tương ứng và bản án đã có hiệu lực mà nạn nhân còn sống trở về thì sao?.
Trong trường hợp này thì sự trở về của nạn nhân có thể coi là tính tiết mới làm cho việc giải quyết vụ án không đúng, làm thay đổi cơ bản nội dung bản án và bản án sẽ được kháng nghị và xem xét lại theo thủ tục tái thẩm. Bản án sẽ bị hủy để điều tra, xét xử lại hoặc đình chỉ (nếu bị cáo đã chết). Khi xét xử lại thì tùy vào các hành vi của bị can mà có thể chuyển tội danh hoặc vẫn giữ nguyên tội danh cho bị cáo (nhưng ở mức hình phạt thấp hơn).
Các cơ quan tiến hành tố tụng trong trường hợp này cũng có thể không phải bồi thường cho bị cáo. Vì: Nếu bị cáo không làm chết nạn nhân nhưng cố ý khai là như vậy để che dấu một tội phạm khác hoặc để nhận tội thay người khác thì được coi là bị can đã cố tình khai báo gian dối và theo quy định tại Điều 27 Luật trách nhiệm bồi thường Nhà Nước thì đây không thuộc trường hợp được bồi thường. Trường hợp nạn nhân chưa chết nằm ngoài ý chí chủ quan của bị cáo mà khi nạn nhân còn sống trở về dẫn đến phải chuyển tội danh cho bị can sang tội danh khác nhẹ hơn thì các cơ quan tiến hành tố tụng phải bồi thường cho bị cáo theo quy định chung.