19 tháng 4, 2016

Hành Vi Kinh Doanh Trái Phép Nhìn Từ Vụ Ông Nguyễn Văn Tấn (Bình Chánh)

Hakan Sukur
Luật sư Hoàng Văn Thạch
Nhân vụ anh Nguyễn Văn Tấn tại Tp HCM bị khởi tố về hành kinh doanh trái phép do bán phở nhưng chậm đăng ký kinh doanh. Luật Trí Minh giới thiệu bài viết của Luật sư Hoàng Văn Thạch
Ai phải đăng ký kinh doanh?
Khi chúng ta tham gia hoạt động kinh doanh. Tức chúng ta là một thương nhân. Thương nhân có thể là một hộ kinh doanh như chủ các quan phở, quan photocopy…hoặc cùng có thể là một doanh nghiệp quy mô nhỏ vài người lao động hoặc lớn đến cả ngàn người lao động (doanh nghiệp là tên gọi chung của doanh nghiệp tư nhân và tất cả các loại công ty từ TNHH cho đến cổ phần). Theo quy định tại Điều 7 Luật thương mại 2005 thì thương nhân có nghĩa vụ đăng ký kinh doanh. Do vậy, nếu chúng ta tham gia kinh doanh chúng ta phải đăng ky kinh doanh với cơ quan Nhà nước để Nhà nước quản lý hoạt động kinh doanh của chúng ta. Tuy nhiên cũng có một số ngoại lệ pháp luật cho phép không phải đăng ký kinh doanh như trường hợp cô gái  thu mua đồng nát hoặc anh chàng bán bán bắp rang bơ trên phố…vv (danh mục các ngành nghề không phải đăng ký kinh doanh độc giả tham khảo tại Nghị định 39/2007/NĐ-CP).
Khi đăng ký kinh doanh chúng ta được cấp một loại giấy phép có thể gọi là Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh/thành lập doanh nghiệp – đây là giấy phép mẹ. Đa phần các ngành nghề chỉ cần giấy phép mẹ nhưng có một số ít ngành nghề đặc biệt mà Nhà nước cần tăng cường công tác quản lý thì chúng ta phải có thêm một loại giấy phép nữa mà xã hội gọi là giấy phép con. Ví dụ như kinh doanh nhà hàng ngoài giấy phép mẹ là Giấy chứng nhận đăng ký thành lập doanh nghiệp còn phải có thêm giấy phép con là Giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm…vv
Theo quy định hiện hành của pháp luật thì nếu kinh doanh mà không đăng ký hoặc có đăng ký nhưng chưa có giấy phép con hoặc đã có đầy đủ các loại giấy phép từ mẹ đến con nhưng kinh doanh không đúng với nội dung các giấy phép này thì đây đều là hành vi kinh doanh trái phép. Hành vi này tùy từng mức độ có thể sẽ bị xử lý hành chính hoặc xử lý hình sự. Cũng như các hành vi khác đa phần kinh doanh trái phép sẽ bị xử lý hành chính, nhưng cũng có không ít các trường hợp bị xử lý hình sự về hành vi này như trường hợp của người mẫu Vĩnh Thụy và bầu Kiên một người đi buôn điện thoại và một người kinh doanh tài chính. Tuy vậy thì theo BLHS 2015 ban hành ngày 09/12/2016 có hiệu lực từ 01/07/2016 tới đây thì hành vi Kinh doanh trái phép sẽ không bị xử lý hình sự.
Những khuất tất trong việc khởi tố Nguyễn Văn Tấn tội kinh doan trái phép.
Trở lại trường hợp của anh Nguyễn Văn Tấn. Theo như thông tin cơ quan báo chí phản ánh thì anh Tấn ban đầu kinh doanh phở nhưng không đăng ký nên bị Công an huyện Bình Chánh kiểm tra và xử phạt về hành vi này cùng một số hành vi liên quan. Sau đó gần một tháng Công an huyện Bình Chánh lại tái kiểm tra, lúc này anh Tấn đã bổ sung Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh cá thể nhưng Công an huyện lại phát hiện anh có các hành vi vi phạm trong lĩnh vực an toàn thực phẩm như: “sử dụng khu vực chế biến có côn trùng độc hại” và “sử dụng nước không đạt quy chuẩn kỹ thuật để chế biến thực phẩm” theo Nghị định 178/2013/NĐ-CP.
Ngay sau đó cơ quan Công an huyện Bình Chánh đã khởi tố vụ án và khới tố bị cán đối với anh Tấn về hành vi Kinh doanh trái phép theo Điều 159 BLHS 1999.
Những việc làm vội vả và vạch lá tìm sâu nêu trên của Công an huyện Bình Chánh đã cho thấy nhiều điểm khuất tất, không đủ căn cứ để xử lý hình sự.
Theo Điều 159 thì để xử lý tội kinh doanh trái phép phải có một trong hai điều kiện khách quan sau:  1/ hàng hóa kinh doanh trái phép phải từ 100.000.000đ trở lên hoặc 2/người vi phạm đã bị phạt hành chính về hành vi này hoặc bị kết án về tội này hoặc các tội khác có tính chất tương tự (xem Điều 159 BLHS) chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.
Ở đây hàng kinh doanh trái phép của anh Tấn chưa đủ 100 triệu đồng, bản thân anh Tấn chưa từng có tiền án về tội này hoặc các tội tương tự nên dư luận cho rằng anh Tấn bị khởi tố vì tình tiết “đã bị xử lý vi phạm hành chính về hành vi này”. Tuy nhiên nếu như nội dung báo chí cung cấp thì lần đầu anh Tấn bị xử lý về hành vi “kinh doanh không có đăng ký kinh doanh” (tức kinh doanh trái phép). Còn lần thứ 2 anh bị xử lý về 02 hành vi “sử dụng khu vực chế biến có côn trùng độc hại” và “sử dụng nước không đạt quy chuẩn kỹ thuật để chế biến thực phẩm” – đây là các hành vi quy định tại Điều 20 Nghị định 178/2013/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính an toàn thực phẩm. Hành vi mà anh Tấn bị xử lý lần sau không phải là hành vi kinh doanh trái phép mà chỉ là hành vi vi phạm quy định về đảm bảo điều kiện an toàn trong vệ sinh ăn uống. Việc vi phạm quy định về đảm bảo điều kiện an toàn trong vệ sinh ăn uống không phụ thuộc vào giấy phép, không thể đánh đồng với hành vi kinh doanh trái phép được. Do vậy không thể coi anh Tấn là người đã từng bị xử lý vi phạm hành chính về kinh doanh trái phép để làm căn cứ xử lý hình sự. Đây là cấu thành cơ bản của tội danh này, nếu Công an quận Bình Chánh phạm phải lỗi này thì thực sự hết sức ngây thơ.
Tóm lại là theo thông tin báo chí phản ánh thì thấy rất khó hiểu cho việc khởi tố vụ án, khới tố bị can đối với anh Tấn về hành vi kinh doanh trái phép.
Tuy nhiên, đây mới chỉ là thông tin một chiều từ cơ quan báo chí. Cá nhân tôi đã từng chứng kiến nhiều vụ cơ quan báo chí phản ánh một đằng nhưng sau khi tiếp xúc hồ sơ lại thấy có nhiều điểm khác. Ví dụ như trong lần kiểm tra thứ 2 cơ quan Công an phát hiện ông Tấn không có Giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm nhưng vẫn kinh doanh thì đây lại là hành vi kinh doanh trái phép. Trước đó ông Tấn đã từng bị xử lý vi phạm hành chính về hành vi này. Do vậy việc khởi tố là có căn cứ. Chúng ta hãy cùng chờ xem Kết luận điều tra hoặc Cáo trạng để biết chính xác căn cứ khởi tố vụ án, khởi tố bị can là gì?.
Hà Nội, 19 tháng 04 năm 2016
Tội kinh doanh trái phép theo Điều 159 BLHS 1999 “1.  Người nào kinh doanh không có đăng ký kinh doanh, kinh doanh không đúng với nội dung đã đăng ký hoặc kinh doanh không có giấy phép riêng trong trường hợp pháp luật quy định phải có giấy phép thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến hai năm:
a) Đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 153, 154, 155, 156, 157, 158, 160, 161, 164, 193, 194, 195, 196, 230, 232, 233, 236 và 238 của Bộ luật này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm;
b) Hàng phạm pháp có giá trị từ một trăm triệu đồng đến dưới ba trăm triệu đồng”
Năm 2015 khi ban hành BLHS 2015 các nhà làm luật cho rằng xuất phát từ thực tế hiện nay, những lĩnh vực cấm kinh doanh theo quy định của Luật đầu tư năm 2014 thu hẹp lại, theo đó Nhà nước chỉ cấm kinh doanh một số lĩnh vực cụ thể  và những lĩnh vực này đã được quy định tại một số điều luật cụ thể của BLHS các tội phạm liên quan đến sản xuất, vận chuyển, buôn bán hàng cấm; ma túy; vũ khí; buôn bán người.... Bên cạnh đó, với những lĩnh vực kinh doanh có điều kiện mà vi phạm đã bị xử phạt hành chính là đủ sức răn đe. Riêng một số lĩnh vực khác thì BLHS đã có quy định cụ thể như tội vận chuyển hàng hóa, tiền tệ qua biện giới, hoặc một số tội phạm trong lĩnh vực đất đai, bảo hiểm, buôn bán vũ khí, phóng xạ... Do đó, việc duy trì tội kinh doanh trái phép trong BLHS là không còn phù hợp vì vậy BLHS 2015 đã chính thức bỏ tội danh này. Tuy nhiên Bộ luật này  được ban hành vào 09/12/2015 và mãi đến 01/07/2016 mới có hiệu lực. Hành vi của anh Tấn xảy ra từ tháng 09/2015. Do vậy, nếu anh Tấn thực sự có hành vi kinh doanh trái phép thì vẫn xử lý bình thường theo BLHS 1999.




18 tháng 4, 2016

Luật Được Làm Ra Như Thế Nào?

Raul Gonzalez
                Luật sư Hoàng Văn Thạch
Để ra đời được một văn bản pháp luật thì rất tốn kém về tiền bạc và công sức, trải qua rất nhiều khâu. Ở Việt Nam có nhiều văn bản được coi là văn bản pháp luật do nhiều cơ quan Nhà nước ban hành; giá trị pháp lý của các văn bản này sắp xếp theo hệ thống từ cao xuống thấp tương ứng với cơ quan ban hành ra văn bản đó (Ví dụ: Quốc hội làm ra Luật, UBTV quốc hội ban hành pháp lệnh, Chính phủ ban hành Nghị định…).Độ phức tạp trong việc ban hành các văn bản này cũng tỷ lệ thuận với giá trị pháp lý của các văn bản đó. Nhân sự việc BLHS 2015 bị phát hiện có đến 07 lỗi cơ bản đang gây sự chú ý của dư luận trong thời gian vừa qua chúng tôi giới thiệu bài viết của Luật sư Hoàng Văn Thạch (Công ty luật Trí Minh - Đoàn luật sư Tp Hà Nội) giới thiệu quy trình “sản xuất” một văn bản pháp luật, cụ thể là Luật/Bộ luật (Luật đôi khi còn được gọi với tên khác là Bộ luật).
Bắt đầu từ các ý tưởng và đưa vào chương trình xây dựng.
Chương trình xây dựng luật là gì? Đó là một văn bản giống như lịch làm việc của chúng ta. Trong đó Quốc hội sẽ xác định năm nay xây dựng ban hành những luật gì? Và trong cả nhiệm kỳ sẽ xây dựng những luật gì?.
Ý tưởng về việc xây dựng luật có thể xuất phát ngẫu nhiên, cũng có thể vì lý do thực thi các Nghị quyết của Đảng hoặc do yêu cầu hội nhập quốc tế…vv. Đầu tiên các cơ quan Nhà nước hoặc đại biểu quốc hội sẽ có đề nghị về việc xây dưng Luật để gửi cho Ủy ban thường vụ quốc hội (UBTVQH). Nhưng kiểu gì trước khi đến tay UBTVQH cũng phải qua tay Chính phủ trước đã, sẽ có rất nhiều đề nghị nên Bộ tư pháp sẽ giúp Chính phủ trong việc tập hợp các đề nghị này để xây dựng thành một chương trình xây dựng Luật. Sau khi xém xét những đề nghị đó, giữ cái nào, bỏ cái nào thì Chính phủ thống nhất và trình Chương trình xây dựng luật đó lên UBTVQH đồng thời gửi cho Ủy ban pháp luật của quốc hội (UBPL) để cơ quan này thẩm tra.
Khi nhận được tờ trình của Chính phủ UBTVQH yêu cầu Chính phủ trình bày về chương trình này, đồng thời nghe ý kiến thẩm tra của UBPL. Sau khi thống nhất UBTVQH mới trình Chương trình này ra Quốc hội, Quốc hội thảo luận rồi thông qua.
Quá trình xây dựng và thông qua Luật.
Sau khi có chương trình xây dựng luật thì tùy từng trường hợp mà UBTVQH sẽ giao cho đơn vị nào đó phụ trách soạn thảo, hoặc đẩy cho Chính phủ. Ví dụ như Bộ luật hình sự 2015 thì được giao cho Bộ tư pháp soạn thảo.
Khi được giao soạn thảo thì thủ trưởng cơ quan được giao soạn thảo sẽ thành lập Ban soạn thảo, Ban soạn thảo lại thành lập ra tổ biên tập. Trong quá trình soạn thảo thì Ban soạn thảo lại lấy ý kiến đóng góp từ khắp nơi.
Sau khi soạn xong thì việc đầu tiên là chuyển cho Bộ tư pháp để thẩm định trước khi trình cho Chính phủ. Nếu dự thảo đó do Bộ tư pháp soạn thì Bộ tư pháp sẽ thành lập một hội đồng thẩm định. Bộ tư pháp thẩm định xong thì sẽ  trình lên Chính phủ, hồ sơ trình phải có dự thảo và bản thuyết minh chi tiết  về dự thảo đó (cũng có dự thảo không phải do Chính phủ soạn thảo thì Chính phủ sẽ cho ý kiến).
Sau khi hoàn tất và không còn vướng mắc Chính phủ gửi cho Hội đồng dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội để thẩm tra. Sau khi thẩm tra thì UBTVQH mới cho ý kiến. Cuối cùng khi đã thông suốt dự thảo chính thức được trình ra Quốc hội để thảo luận.
Các dự Luật sẽ không được thông qua ngay kỳ họp đầu tiên, mà phải trải qua ít nhất 02 kỳ họp. Kỳ họp đầu tiên chỉ thảo luận về dự luật đó, tại kỳ họp này cơ quan soạn thảo phải thuyết minh về dự thảo, lắng nghe và tiếp thu các ý kiến phản biện, đóng góp như thể thạc sĩ bảo vệ Luận văn. Sau khi kết thúc kỳ họp đầu tiên thì UBTVQH  hội chỉ đạo, tổ chức việc nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo để trình lên kỳ họp  tiếp theo của Quốc hội. Nếu may mắn thì dự luật có thể được thông qua ngay kỳ họp tiếp theo, nếu không lại tiếp tục chỉnh lý chờ kỳ hợp tới (ví dụ như Luật đất đai 2013). Trong mỗi kỳ họp này thì tất cả các đại biểu Quốc hội đều được phát các dự thảo để xem và có ý kiến thảo luận và mỗi kỳ họp Quốc hội thảo luật nhiều dự Luật. Sau khi được thông qua Luật sẽ được Chủ tịch nước ký lệnh công bố, 02 ngày sau toàn bộ văn bản Luật sẽ được chuyển đăng công báo.
Chính vì việc làm Luật rất công phu, phức tạc và cầu kỳ như người Hà Nội gốc chế biến món canh rau ngót vậy, nên Luật được ban hành có thể chưa hợp lý, mâu thuẫn với các văn bản khác (vì văn bản pháp luật của Việt nam nhiều như rươi) nhưng nội dung trong văn bản mâu thuẫn với nhau, trùng lặp với nhau hoặc lỗi chính tả thì ít khi xảy ra.
Việc Bộ luật hình sự 2015 vừa qua theo thống kê sơ bộ có đến 07 lỗi cơ bản do trùng lặp giữa các quy định hoặc bỏ sót định lượng là rất hy hữu.
Các lỗi của BLHS 2015 nếu không được khắc phục sẽ gây ra hệ quả gì?
Trong 07 lỗi của BLHS được phát hiện đến thời điểm hiện tại thì chủ yếu là lỗi về số liệu do trùng lặp giữa các khoản trong cùng một điều luật hoặc bỏ sót mức định lượng cho tang vật hoặc hậu quả của hành vi vi phạm. Tất cả 07 lỗi này đều năm ở 07 điều luật có sửa đổi so với với BLHS 1999. Những lỗi này nếu không được phát hiện và khắc phục sớm sẽ gây xảy ra một trong hai hệ quả:
Thứ nhất: Các bị can phạm vào các quy định này sẽ được hưởng lợi.
Ví dụ như theo BLHS 1999 hành vi vận chuyển  “Lá, rễ, thân, cành, hoa, quả cây cần sa hoặc lá cây côca có khối lượng từ 10 kilôgam đến dưới 25 kilôgam;” sẽ bị xử lý theo Khoản 2 Điều 194 với mức hình phạt từ 07 năm – 15 năm.
Tuy nhiên tại Điều 250 BLHS 2015 do mắc lỗi trùng lặp nên đã quy định “Lá, rễ, thân, cành, hoa, quả cây cần sa hoặc lá cây côca có khối lượng từ 10 kilôgam đến dưới 25 kilôgam;”  vừa bị xử lý theo khoản 2 (hình phạt 02 – 07 năm tù) vừa bị xử lý theo khoản 3 (hình phạt 07 năm – 15 năm). Lúc này, theo nguyên tắc có lợi cho bị can bị cáo thì Tòa án buộc phải áp dụng khoản 2 với mức hình phạt 02 – 07 năm tù.
Không rõ ý chí của nhà làm luật thế nào nhưng thực tế các bị can, bị cáo sẽ được hưởng lợi ít nhất là so với BLHS 1999.
Thứ hai: Gây ra tình trạng lúng túng cho các cơ quan tiến hành tố tụng khi điều tra truy tố, xét xử.
VD như tội “Tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vật liệu nổ” theo Điều 305 BLHS 1999 thì nếu người nào đó chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép một lượng thuốc nổ từ trên 30kg đến 31 kg thì các cơ quan tố tụng sẽ không biết áp dụng vào khoản 2 (mức hình phạt 03 – 10 năm tù, áp dụng cho lượng thuốc nổ từ 10 – 30kg) hay khoản 3 (mức hình phạt 7 – 15 năm tù, áp dụng cho lượng thuốc nổ từ trên 31kg đến 100kg). Lúc đó,  các cơ quan tiến hành tố tụng sẽ buộc phải vi phạm pháp luật tố tụng về thời hạn điều tra, truy tố, xét xử để xin ý kiến các cơ quan cấp trung ương điều này sẽ dẫn đến án tồn đọng.
Tuy nhiên rất may BLHS 2015 mãi đến 01/07/2016 mới có hiệu lực, vẫn còn thời gian để các cơ quan hữu quan có thời gian khắc phục, xử lý tình huống. Nếu tuân thủ theo Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật thì cơ quan nào ban hành cơ quan đó mới được phép sửa đổi nên không còn cách nào khác  Ban soạn thảo sẽ phải chờ Quốc hội thông qua dự luật BLHS sửa đổi này ngay tại kỳ họp vào tháng 7 tới đây.
BLHS đầu tiên của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam được ban hành năm 1985 và trải qua 04 lần sửa đổi vào các năm 1989, 1991, 1992, 1997 và bị thay thế bằng BLHS 1999. BLHS 1999 cũng sửa đổi một lần vào năm 2009. Tháng 11/2015 Quốc hội thông qua BLHS 2015 và chính thức có hiệu lực đồng thời thay thế BLHS 1999 vào ngày 01/07/2016 tới đây.
Ngay sau khi ra đời và chuyển cho phòng Công báo thì BLHS 2015cũng đã bị phát hiện mắc nhiều lỗi. Khi phát hiện sự việc này UBTVQH đã lập tức có văn bản số 3613/UBPL13 ngày 11/11/2006 gửi Phòng công báo và Văn phòng chính phủ để đính chính lại 04 trang trong BLHS.



12 tháng 4, 2016

Cảnh Sát Khu Vực Là Ai? Họ Có Quyền Gì?

Alan Shearer
              Luật sư Hoàng Văn Thạch
Liên quan đến vụ việc một anh Cảnh sát khu vực cấp trung úy thuộc Công an một phường trên địa bàn Hà Nội có những hành vi được cho là không phù hợp với người dân trên địa bàn. Luật sư Hoàng Văn Thạch – Đoàn luật sư Tp Hà Nội có bài viết giới thiệu các quy định về lực lượng Cảnh sát khu vực và phân tích hành vi của cả hai bên.
1.            Cảnh sát khu vực (CSKV) là ai?.
CSKV là lực lượng thuộc Công an nhân dân (CAND) nằm trong cơ cấu của Công an phường, được thành lập từ năm 1955. Theo quy định mới nhất hiện nay là Thông tư  số 09/2015/ TT-BCA  thì CSKV là lực lượng Cảnh sát nhân dân, công tác tại Công an phường, thị trấn, Đồn Công an và Công an xã trọng điểm phức tạp về ANTT thực hiện chức năng thi hành pháp luật về quản lý an ninh trật tự (ANTT).  Hiểu nôm na CSKV là cánh tay nối dài của lực lượng Công an xuống dưới địa bàn, thường là các khu vực phức tạp nhằm quản lý tốt địa bàn, phục vụ chức năng phòng chống và đấu tranh với các hành vi vi phạm pháp luật. Tương tự như trưởng thôn/tổ trưởng tổ dân phố là cánh tay của UBND cấp xã để thực hiện công tác quản lý vậy.
Không phải đơn vị công an cấp xã nào cũng có CSKV. CSKV chỉ được bố trí ở những Công an phường, thị trấn, đồn Công an và xã trọng điểm, phức tạp về an ninh trật tự nơi có Trưởng, Phó Trưởng Công  an xã là Công an chính quy.
Lực lượng này ngoài nhiệm vụ chính là quản lý về cư trú mà chúng ta thường thấy thì còn có nhiều nhiệm vụ khác như: quản lý đối tượng sưu tra; xây dựng và sử dụng cộng tác viên bí mật và phối hợp thực hiện công tác nghiệp vụ cơ bản về lĩnh vực an ninh chính trị; Quản lý ngành, nghề kinh doanh có điều kiện về ANTT; quản lý vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và pháo…vv.
2.            CSKV có được quyền kiểm tra đột xuất chỗ ở của công dân?
Nhiệm vụ phổ biến nhất của CSKV đó là quản lý cư trú, khi quản lý về cư trú thì CSKV được kiểm tra theo định kỳ hoặc đột xuất theo quy định tại Khoản 1 Điều 26 Nghị định 35/2014/NĐ-CP của Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật cư trú.  Các văn bản không quy định về thời gian kiểm tra, nên với việc cho phép CSKV được kiểm tra cư trú đột xuất thì được hiểu là được kiểm tra bất cứ lúc nào nếu thấy cần thiết. Khi kiểm tra cư trú thì CSKV có thể vận động các lực lượng tham gia cùng, ví dụ như tổ trưởng tổ dân phố hay cán bộ dân phòng. Đây là điều nên làm nhưng không bắt buộc; vì vậy nếu thấy CSKV đến kiểm tra cư trú một mình thì người dân cũng không nên vì lý do đó mà thiếu hợp tác. Việc kiểm tra cư trú cũng khác với việc khám xét chỗ ở trong vụ án hình sự. Việc kiểm tra khá đơn giản, CSKV chỉ kiểm tra số người có trong nhà và việc đăng ký cư trú, khai báo lưu trú của những người đó. CSKV không được lục lọi đồ đạc, sổ sách hoặc yêu cầu xuất trình bất kỳ vật hay tài liệu nào ngoài giấy tờ tùy thân. Vì là nghiệm vụ đơn giản khác với việc khám xét nên không cần phải có lệnh của thủ trưởng cơ quan điều tra và quyết định phê duyệt của Viện kiểm sát như đòi hỏi của một số người khi bị kiểm tra.
Cũng có ý kiến cho rằng quy định cho phép CSKV được kiểm tra nơi cư trú của công dân nêu tại Nghị định 35 là trái với hiến pháp, vì hiến pháp quy định Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở. Không ai được tự ý vào chỗ ở của người khác nếu không được người đó đồng ý” do vậy CSKV không được vào nhà dân để kiểm tra khi họ chưa đồng ý. Tôi cho rằng đây là cách hiểu cứng nhắc và nghiêm trọng hóa vấn đề, bởi quyền của công dân chỉ được tôn trọng khi công dân thực hiện quyền đó một cách hợp pháp, để biết anh có thực hiện nó hợp pháp hay không cơ quan quản lý Nhà nước cần kiểm tra, mục đích của CSKV vào nhà là để kiểm tra cư trú, phục vụ công tác quản lý chứ không phải để xâm phạm chỗ ở như một số trường hợp tranh giành đất cát.
Tuy vậy, Thông tư 09/2015/TT-BCA cũng nghiêm cấm việc lợi dụng nhiệm vụ, quyền hạn được giao để sách nhiễu, gây phiền hà, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Tức là cho phép anh được quyền kiểm tra đột xuất nhưng không được lợi dụng việc đó để gây phiền hà cho cuộc sống của người dân. Do vậy nếu không có dấu hiệu rõ ràng thì nên hạn chế và nhất là đêm khuya thì cực kỳ hạn chế hơn nữa.
3.    Các bên nên ứng xử như thế nào?
Một trong các kỹ năng bắt buộc của CSKV được nêu tại Thông từ 09/2015/TT-BCA đó là phải có kỹ năng thuyết phục và vận động quần chúng. Để quản lý tốt địa bàn mình phụ trách, CSKV cần phải hiểu dân, hòa đồng với người dân, nếu không có kỹ năng giao tiếp với người dân thì rất dễ tạo ra xung đột với họ. CSKV mà tạo ra hình ảnh thù địch, chống đối và luôn gay gắt, căng thẳng với người dân thì coi như thất bại.
Quay trở lại vụ việc anh CSKV phường Trung Liệt. Viên cảnh sát này đến kiểm tra cư trú vào lúc 12h đêm khi nhà chỉ có 02 cô gái và có lẻ anh ta cũng chưa thực sự gần dân nên 02 cô gái không biết anh ta là ai ngoài danh phận tự xưng và bộ cảnh phục. Việc kiểm tra vào thời điểm nhạy cảm như vậy rõ ràng là rất dễ gây phiền hà cho bất kỳ ai nếu như anh không đưa ra được lý do chính đáng cho việc cần thiết phải kiểm tra vào thời điểm đó. Tuy nhiên, anh CSKV có đang cố tình lợi dụng quyền của mình để gây phiền cho người dân hay không lại là lẻ khác. Bởi việc cư trú thường diễn ra vào đêm khuya, nếu không kiểm tra vào thời điểm đó thì xác suất phát hiện trong nhà có người cư trú bất hợp pháp rất thấp. Ví dụ, công dân A cho người anh em ở quê lên Hà Nội làm việc ở cùng nhưng khôn đăng ký tạm trú hoặc khai báo lưu trú (nếu ở ít ngày), người anh em này thường đi cả ngày và tối mới về ngủ. Nếu chỉ đến kiểm tra vào ban ngày hoặc đầu tối thì không thể phát hiện hoặc nếu phát hiện thì họ lấy lí do qua chơi, do vậy việc kiểm tra vào thời điểm 12h đêm là cần thiết. Như vậy, đánh giá vấn đề cần đứng ở góc nhìn của cả 02 bên, CSKV cần biết người dân cảm thấy không thoải mái về việc đó. Nhưng người dân cũng cần biết đây là việc phải làm của CSKV để phục vụ công tác quản lý. Từ đó người dân cần thấu hiểu CSKV, không nên có những lời lẻ gây ức chế cho họ; còn CSKV cần vận dụng kỹ năng giao tiếp và thuyết phục người dân để được việc. Đừng tỏ ra hách dịch và vội vàng đưa ra những yêu cầu mang tính mệnh lệnh. Nếu đúng là có tin báo về đối tượng truy nã trốn trong nhà dân cần phải kiểm tra nhưng người dân không hợp tác thì CSKV cần cương quyết, bám địa bàn và gọi lực lượng khác hỗ trợ chứ không phải bỏ đi bất lực và thiếu trách nhiệm như vậy. Điều đó chỉ chứng tỏ trung úy Bắc thiếu kỹ năng và đang nói dối về lý do thực thi công vụ của mình.
Đoạn clip không chưa rõ để xác định CSKV có nhổ nước bọt vào người dân hay không. Nếu có thì đây là hành vi thiếu đạo đức, tác phong nghề nghiệp của bất kỳ công chức, viên chức nào cần phải có biện pháp xử lý kỷ luật tương thích. Thậm chí trong một số trường hợp việc nhổ nước bọt vào mặt người khác còn có thể bị xử lý hình sự về tội làm nhục người khác.
Hoạt động của CSKV chủ yếu được điều chỉnh bởi các điều lệnh; trong điều lệnh này sẽ đưa ra định nghĩa, các nhiệm vụ, chức năng, những việc được làm và không được làm của CSKV…. Từ khi thành lập CSKV đến nay có tất cả 05 điều lệnh được ban hành vào các năm 1974, 1987, 1994, 2007 và 2015. Các điều lệnh này đi kèm các Quyết định của Bộ trưởng BCA hoặc Thông tư của Bộ trưởng. Đây đều là các văn bản quy phạm pháp luật nhưng chúng ta không thể tìm thấy nó trên tài nguyên mạng, dường như người ta coi nó là bí mật Nhà nước và chỉ được sử dụng lưu hành nội bộ (Luật ban hành văn bản pháp luật cho phép những văn bản pháp luật thuộc bí mật Nhà nước thì không phải công khai) – đây là thực trạng chung của rất nhiều văn bản do Bộ công an ban hành. Một lực lượng thường xuyên tiếp xúc và va chạm với nhân dân và mọi vấn đề đời sống của họ nhưng các các quyền và nghĩa vụ của anh lại mập mờ, khôn để người dân được hiểu mình. Điều đó cho thấy danh của anh không chính, mà danh không chính thì ngôn sẽ không thuận.