27 tháng 7, 2013

Tóm Lại Là Nếu Không Biết Địa Chỉ Của Bị Đơn Thì Tòa Án Có Thụ Lý Không?

Đời sinh viên có cây đàn Guitar
Luật Sư: Hoàng Văn Thạch

Có một mâu thuẫn tồn tại đã rất lâu trong BLTTDS từ khi nó ra đời (năm 2004) đến nay, nhưng sau khi sửa tới, sửa lui từ Bộ luật cho đến Nghị quyết thì mâu thuẫn đó vẫn chưa được giải quyết.
Theo quy định tại Điều 164 BLTTDS thì trong đơn khởi kiện phải ghi rõ địa chỉ của bị đơn. Nếu không ghi rõ thì sẽ là căn cứ để Tòa án trả lại đơn khởi kiện theo quy định tại Khoản 2 Điều 169 BLTTDS (trước và sau sửa đổi).

Nguyên đơn không biết địa chỉ của bị đơn – Tòa có thụ lý không?
Theo quy định tại Khoản 1A Điều 36 BLTTDS: “Nguyên đơn có quyền lựa chọn Toà án giải quyết tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động trong các trường hợp sau đây:
A) Nếu không biết nơi cư trú, làm việc, trụ sở của bị đơn thì nguyên đơn có thể yêu cầu Toà án nơi bị đơn cư trú, làm việc, có trụ sở cuối cùng hoặc nơi bị đơn có tài sản giải quyết;”. Hướng dẫn quy định này Nghị quyết 01/2005/NQ-HĐTP tại Điều 5.1 Phần III tiếp tục nhấn mạnh “chỉ trong trường hợp không biết nơi cư trú, làm việc, trụ sở của bị đơn, thì nguyên đơn mới có thể yêu cầu Toà án nơi bị đơn cư trú, làm việc, có trụ sở cuối cùng hoặc nơi bị đơn có tài sản giải quyết”.
Nếu theo quy định này thì trường hợp không biết địa chỉ hiện thời của bị đơn nhưng nếu biết nơi cư trú cuối cùng của họ thì Tòa án vẫn thụ lý.

        Ghi rõ địa chỉ của bị đơn để làm gì?
Vậy câu hỏi đặt ra là Điều 164 quy định phải ghi rõ địa chỉ của bị đơn để làm gì? Theo người viết có 02 lý do:
1/ Để xác định thẩm quyền giải quyết của Tòa án theo lãnh thổ,
2/ Để thực hiện nghĩa vụ thông báo cho bị đơn biết việc tòa án đã thụ lý vụ án (tức là cho bị đơn biết mình đã bị ai đó khởi kiện vì lý do gì để mà còn chuẩn bị hầu tòa, chuẩn bị đối phó) theo quy định tại Khoản 1 Điều 174 BLTTDS (quy định này không được sửa đổi hay bổ sung theo Luật TTDS sửa đổi) cũng như các quy định khác về việc tống đạt các văn bản tố tụng cho bị đơn.
Với 02 mục đích nêu trên thì quy định tại Khoản 1A Điều 36 BLTTDS và hướng dẫn tại Nghị quyết 01/2005/NQ-HĐTP mới chỉ đáp ứng được mục đích thứ nhất là xác định thẩm quyền của tòa án theo lãnh thổ. Còn mục đích thứ hai là để tòa án thực hiện nghĩa vụ thông báo thụ lý vụ án tới bị đơn thì chưa được giải quyết.

         Quy định “đá” nhau và sự lãng tránh của các hướng dẫn.
Đến đây nếu Tòa án thụ lý vụ án thì trước mắt là vi phạm Điều 164 và sau đó là vi phạm Điều 174 BLTTDS và các quy định khác về nghĩa vụ tống đạt tài liệu tố tụng cho bị đơn; còn nếu không thụ lý thì vi phạm Khoản 1A Điều 36 BLTTDS. Trong khi Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật không quy định hướng giải quyết cho trường hợp có sự mâu thuẫn giữa 02 quy định trong cùng một văn bản.
Một năm sau khi ban hành Nghị quyết 01/2005 TANDTC tiếp tục ban hành Nghị quyết 02/2006/NQ-HĐTP trong đó tại mục 8.5 và 8.6 phần I hướng dẫn cụ thể về việc xác định địa chỉ của Bị đơn (  hướng dẫn Điều 169). Theo đó nó quy định: nếu mà trong đơn khởi kiện chưa xác định địa chỉ của bị đơn thì bảo nguyên đơn bổ sung, nếu không bổ sung được thì trả lại đơn khởi kiện; còn nếu đã ghi rõ địa chỉ rồi mà sau đó bị đơn biết được việc mình bị khởi kiện nên đã bỏ trốn, để cố tình trốn tránh việc tham gia tố tụng thì Tòa án giải quyết theo thủ tục chung. Như vậy có thể thấy là nó chỉ chăm chăm giải quyết mục đích thứ hai đã nêu ở trên, tức là bị đơn cố tình trốn tránh thì coi như Tòa án không có lỗi trong việc vi phạm nghĩa vụ thông báo thụ lý vụ án được quy định tại Điều 174 cũng như việc gửi các tài liệu tố tụng khác nên tòa giải quyết bình thường. Còn nó cũng không đoái hoài gì đến quy định tại Khoản 1 Điều 36 BLTTDS và quy định tại Nghị quyết 01/2005 trước đó. Điều này cũng dễ hiểu vì “sứ mệnh” của nó chỉ là hướng dẫn quy định về đơn khởi kiện.
Như vậy đến lúc này không chỉ có mâu thuẫn giữa các quy định trong một luật mà còn kéo theo cả mâu thuẫn của những Nghị quyết hướng dẫn. Nhưng vì Nghị quyết 02/2006 ban hành sau Nghị quyết 01/2005 nên trong trường hợp này có thể miễn cưỡng áp dụng quy định tại Điều 83 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2008 (trước đó là Luật năm 1996) là ưu tiên áp dụng văn bản ban hành sau. Tức là áp dụng quy định của Nghị quyết 02/2006 – Nếu không biết địa chỉ của bị đơn thì Tòa trả lại đơn khở kiện; nếu đã xác định được địa chỉ rồi mà bị đơn cố tình trốn tránh thì Tòa vẫn giải quyết theo thủ tục chung.
Tuy vậy vẫn có nhiều Tòa án vẫn áp dụng Khỏan 1A Điều 36 BLTTDS, Nghị quyết 01/2005 và ra thông báo tìm kiếm bị đơn đồng thời ấn định cho họ một thời gian nhất định phải đến trình diện Tòa án, nếu không đến thì Tòa án vẫn sẽ giải quyết vắng mặt. Do vậy để chắc chắn, ngay sau khi ban hành Nghị quyết 02/2006 TANDTC ban hành thêm Công văn 109/2006/KHXX trong đó tái khẳng định lại quan điểm của Tòa án tại Nghị quyết 02/2006 và nhắc nhở tòa án các cấp phải thực hiện đúng hướng dẫn của Nghị quyết này. Vài năm sau để cụ thể hơn nữa, Tòa án lại nhắc lại điều này trong cuốn Sổ tay thẩm phán (lần này thì cụ thể hơn chút là làm rõ căn cứ xác định bị đơn, người liên quan cố tình trốn tránh dựa vào việc trước khi bỏ trốn họ đã nhận được thông báo thụ lý hay chưa). Mặc dù vậy không hiểu vì sao cả hai tài liệu này cũng đều lãng tránh quy định tại Khoản 1 Điều 36 BLTTDS và Nghị quyết 01/2005. 

Đến lúc này nếu khi khởi kiện mà không biết địa chỉ hiện tại của Bị đơn thì muốn vụ việc được giải quyết Nguyên đơn chỉ còn cách làm đơn yêu cầu tìm kiếm người vắng mặt tại nơi cư trú theo quy định tại Chương XXII BLDS, theo đó Nguyên đơn phải cung cấp chứng cứ chứng minh bị đơn đã biệt tích từ 06 tháng trở lên, nếu sau khi thông báo mà không có tin tức gì của bị đơn thì phải đợi đến 02 năm kể từ ngày biệt tích Nguyên đơn yêu cầu tuyên bố mất tích theo quy định Chương XXIII BLDS rồi sau đó Tòa án mới có thể giải quyết vụ việc được. Nói chung là khá phức tạp, nhiêu khê và mệt mỏi.

         Mâu thuẫn vẫn tồn tại và kiến nghị của người viết
Đến năm 2011 Khi BLTTDS được sửa đổi, mâu thuẫn này vẫn không hề được giải quyết. Khoản 1A Điều 36 giữ nguyên; Điều 164 có sửa đổi nhưng địa chỉ của bị đơn vẫn phải ghi rõ trong đơn; Điều 174 không có gì khác… Tiếp tục mới đây TANDTC lại ban hành Nghị quyết 03/2012/NQ-HĐTP có hiệu lực 01/07/2013 hướng dẫn phần thứ nhất BLTTDS (sau sửa đổi) (để thay thế Nghị quyết 01/2005) và Nghị quyết 05/2012 có hiệu lực 01/07/2012 hướng dẫn phần thứ 2 của BLTTDS (thay thế Nghị quyết 02/2006) nhưng phần hướng dẫn Khoản 1A Điều 136 và hướng dẫn Điều 169 chỉ là sự sao chép nguyên si của Nghị quyết 01/2005 và Nghị quyết 02/2006 và không hề đã động đến việc giải quyết mâu thuẫn này. Đến lúc này thì Nghị quyết 03/2012 & Nghị quyết 05/2012 lại được ban hành cùng một thời điểm (03/12/2012) vì vậy không biết phải ưu tiên áp dụng văn bản nào. Vậy câu hỏi là: có áp dụng theo quy định của Nghị quyết 03/2012 hay không hay vẫn theo tinh thần của Nghị quyết 05/2012, công văn 109 và hướng dẫn tại cuốn Sổ tay thẩm phán?