3 tháng 6, 2012

Đề Xuất Thiếu Thực Tiễn Của Tiến Sĩ Nguyễn Sĩ Dũng


Luật sư tập sự: Hoàng Văn Thạch
Vũ Phạm Diễm My
Mới đây, trên báo Thanh Niên có ghi nhận ý kiến phát biểu của Ts Nguyễn Sĩ Dũng (Phó chủ nhiệm văn phòng quốc hội) về vấn đề bỏ phiếu bất tín nhiệm (hay tín nhiệm) của Quốc hội đối với các thành viên Chính phủ. Trong nội dung bài viết này Tiến sĩ đặt vấn đề nếu Quốc hội có quyền bỏ phiếu bất tín nhiệm đối với các thành viên của Chính phủ thì người đứng đầu Chính phủ là Thủ tướng cũng phải có quyền giải tán Quốc hội, như vậy mới đảm bảo sự cân bằng về quyền lực.
Chưa bàn đến việc bỏ phiếu bất tín nhiệm ở Việt Nam có phá vỡ sự cân bằng về quyền lực giữa Lập pháp và Hành pháp hay không (vì bản thân nó đâu có công bằng mà lo bị phá vỡ) thì người viết nhận thấy đề xuất này rất thiếu thực tế và hoàn toàn không phù hợp với lý luận chung về Nhà nước và Pháp luật.
Bởi lẽ, Trên thế giới hiện nay chưa thấy nước nào cho phép Thủ tướng có quyền giải tán Nghị viện cả. Cơ chế giải tán Nghị viện thường có ở những nước theo chính thể đại nghị, ở đó hiến pháp thường cho phép Nguyên Thủ quốc gia (Tổng Thống hay Vua hoặc Nữ Hoàng chứ không bao giờ là Thủ tướng) có quyền giải tán Nghị viện (như Nga, Pháp, Đức, Anh…). Nguyên thủ ở những quốc gia này hoặc do kế vị (ở Anh), do nhân dân (Nga) hoặc do một Hội đồng liên bang (như ở Đức) hay Hội đồng đại cử tri (ở Pháp) bầu ra. Tuy nhiên chắc chắn chúng có một điểm chung là không phải do Nghị viện bầu ra, hay nói cách khác họ không phải do cơ quan mà họ có quyền giải tán bầu lên (hay phê chuẩn).
Còn ở Việt Nam, bản thân Thủ Tướng không phải là Nguyên thủ quốc gia (và trên thế giới cũng chưa thấy có nước nào coi Thủ tướng là Nguyên thủ cả) việc hình thành Thủ tướng trước tiên do Chủ tịch nước đề cử, sau đó sẽ được Quốc hội phê chuẩn. Do vậy Thủ tướng phải chịu trách nhiệm và báo cáo trước Quốc hội (thậm chí cả Ủy ban thường vụ Quốc hội) và Chủ tịch nước. Mối quan hệ này giữa Thủ tướng và Quốc hội chẳng khác nào mối quan hệ Cha – Con. “Cha” sẽ có quyền tước bỏ quyền lực đã trao cho “con” nếu “con” hư. Nhưng “con” nếu không hài lòng với “cha” thì không thể đuổi cổ “cha” ra đường được.
Vậy nên, nếu muốn đặt Quốc hội vào cơ chế có thể bị “giải tán” thì đối tượng hướng đến để trao quyền chỉ có thể là Chủ tịch nước – Nguyên thủ quốc gia. Tuy nhiên Chủ tịch nước của ta vẫn do Quốc hội bầu ra nên muốn trao quyền cho Chủ tịch nước thì phải sửa lại quy định trong hiến pháp về việc bầu Chủ tịch nước, theo đó Chủ tịch nước có thể do Nhân dân hoặc do Đại hội cử tri bầu ra (Đại hội cử tri có thể bao gồm cả các đại biểu quốc hội và đại biểu hội đồng nhân dân cấp tỉnh hoặc thêm cả cấp huyện nữa tương tự như ở Đức hoặc Pháp). Khi đó trong một số trường hợp với tư cách là người đứng đầu Hành pháp Thủ Tướng có quyền đề xuất Chủ tịch nước giải tán quốc hội.
Còn nếu vẫn giữ các quy định như hiện nay thì việc trao quyền giải tán quốc hội cho bất cứ ai thì theo quan điểm của người viết cũng đều chưa phù hợp về lý luận cả.
(Bài viết của Tiến sĩ Dũng http://www.thanhnien.com.vn/pages/20120603/thuoc-dac-hieu-phai-dung-lieu.aspx)