13 tháng 1, 2014

Khai Báo, Tố Giác, Tố Cáo Khi Nào Thì Bị Coi Là Vu Khống, Khai Báo Gian Dối?

Bretney Spears
Luật sư Hoàng Văn Thạch
Vừa qua xuất phát từ lời khai của ông Dương Chí Dũng đối với ông Phạm Quý Ngọ. Có một số người (cả chuyên gia pháp lý) cho rằng nếu ông Phạm Quý Ngọ không bị kết tội nghĩa là ông Dương Chí Dũng sẽ bị xử lý về tội “vu khống” và “khai báo gian dối”. Một khách hàng ở Huế khi có ý định viết đơn tố giác một tên tội phạm nhưng đọc được bài báo trên đã hỏi mình rằng “nếu chị tố giác mà sau này Công an kết luận là thằng đó không phạm tội thì chị cũng phạm tội vu khống à?”. Đọc qua nhiều Facebook và các comment trên các trang mạng thì thấy có lẽ cũng là băn khoăn của nhiều người. Mở rộng ra, mình đặt vấn đề là khi bị cáo khai ra hành vi phạm tội của một ai đó hoặc công dân tố giác một hành vi phạm tội của ai đó đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết mà sau đó những người này “không bị sao cả” thì mình có bị sao không? Nếu mà bị làm sao thì ai còn giám vác đơn đi tố giác, tố cáo hay khai báo gì nữa.
Trong pháp luật hành chính hay hình sự. Bất kỳ hành vi vi phạm nào mà không có lỗi thì đều không phải chịu trách nhiệm (trừ dân sự nhé!). Tuy nhiên nếu chỉ dựa vào mỗi lời trình bày của họ thì không thể đảm bảo được tính khách quan, do lời khai chỉ là nguồn của chứng cứ chứ chưa trở thành chứng cứ, do vậy cần thu thập thêm các chứng cứ khác để buộc tội người vi phạm (hay nói như Thượng tướng Phạm Duy Ngọ là khai là việc họ khai, trách nhiệm của cơ quan điều tra là phải chứng minh (thêm)), nếu các cơ quan giải quyết không thu thập được thêm bất cứ chứng cứ nào khác và thì có thể kết luận là “không đủ chứng cứ” để kết luận có hành vi vi phạm. Nhưng ngược lại thì cũng không có đủ chứng cứ để chứng minh lời khai, lời trình bày của người khai báo, tố giác, tố cáo là sai sự thật thì người khai báo, người tố giác, tố cáo không phải chịu trách nhiệm gì cả.
Ví dụ: Thằng B trộm tài sản của thằng A bị thằng A phát hiện. Thằng A đi tố giác với cơ quan Công an. Tuy nhiên ngoài lời khai của thằng A cơ quan điều tra không thu thập được thêm bất cứ chứng cứ nào khác để buộc tội thằng B. Thì mặc dù thằng B không bị sao cả nhưng hành vi của thằng A cũng không phải là “vu khống”.
Trường hợp nếu qua xác minh các cơ quan có thẩm quyền không những không chứng minh được người bị khai báo, bị tố cáo, bị tố giác có hành vi vi phạm mà còn đi xa hơn là chứng minh ngược lại là lời khai báo, lời tố cáo, lời tố giác này là không đúng sự thật. Mà việc không đúng sự thật này là do cố ý trình bày sai chứ không phải do nhầm lẫn. Thì tùy từng trường hợp mà có thể bị xử lý về tội “vu khống”, “khai báo gian dối”.
Ví dụ: Thằng A tố cáo thằng B trộm tài sản của mình. Tuy nhiên qua xác minh thì thấy không có thêm bất cứ chứng cứ nào chứng minh thằng B trộm tài sản của A; mà thậm chí cơ quan điều tra còn đi xa hơn là chứng minh được bản thân thằng A không có tài sản, mà cố tình dựng chuyện thì thằng A sẽ bị xem xét, xử lý về tội vu khống.
Như vậy việc tố cáo, tố giác, hay khai báo mà không đối tượng bị tố giác, tố cáo, khai báo được kết luận là không có hành vi vi phạm thì không đồng nghĩa với lời khai báo, tố giác, tố cáo là sai sự thật. Nhưng một người khi bị tố cáo, bị tố giác hay bị khai báo là có hành vi vi phạm thì nhưng chưa có kết luận chính thức từ cơ quan chức năng thì dư luận xã hội cũng không nên đánh giá, phán đoán “như đúng rồi” làm ảnh hưởng đến uy tín của họ.
Quay lại vụ án của Dương Chí Dũng. Nếu tướng Phạm Duy Ngọ không có hành vi vi phạm như ông Dũng khai báo thì điều đó cũng không đồng nghĩa với việc ông Dũng khai báo gian dối và phải chịu trách nhiệm về tội “vu khống” hay “khai báo gian dối”. Nhưng nếu chứng minh được điều ngược lại thì ông Dũng sẽ phải chịu trách nhiệm về hành vi vu khống và khái báo gian dối. Thực tế cho thấy có nhiều vụ không chứng minh được điều ngược lại.