15 tháng 12, 2014

BÌNH LUẬN: Một Quy Định Khó Hiểu Về Đánh Giá Lại Tài Sản Cố Định


Takei Emi
Luật sư: Hoàng Văn Thạch
Điểm a Khoản 4 Điều 4 Thông tư 45/2013/TT-BTC quy định về khấu hao tài sản cố định khi quy định về đáh giá tài sản cố định có quy định như sau:
Đánh giá lại giá trị TSCĐ trong các trường hợp:
-  Theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
- Thực hiện tổ chức lại doanh nghiệp, chuyển đổi sở hữu doanh nghiệp, chuyển đổi hình thức doanh nghiệp: chia, tách, sáp nhập, hợp nhất, cổ phần hoá, bán, khoán, cho thuê, chuyển đổi công ty trách nhiệm hữu hạn thành công ty cổ phần, chuyển đổi công ty cổ phần thành công ty trách nhiệm hữu hạn.
-  Dùng tài sản để đầu tư ra ngoài doanh nghiệp.”
Như vậy theo quy định thì có 03 trường hợp phải đánh giá lại giá trị tài sản cố định tương ứng với 03 gạch đầu dòng nói trên. Trong đó gạch đầu dòng thứ 2 lại quy định thành 03 trường hợp phải đánh giá lại TSCĐ, bao gồm: 1/ tổ chức lại doanh nghiệp, 2/ chuyển đổi sở hữu doanh nghiệp, 3/ chuyển đổi hình thức doanh nghiệp. Trong 03 trường hợp này thì Thông tư tiếp tục chia nhỏ thành nhiều trường hợp cụ thể gồm: chia, tách, sáp nhập, hợp nhất, cổ phần hoá, bán, khoán, cho thuê, chuyển đổi công ty trách nhiệm hữu hạn thành công ty cổ phần, chuyển đổi công ty cổ phần thành công ty trách nhiệm hữu hạn.
Quy định này có một số điểm không đảm bảo các nguyên tắc khi xây dựng văn bản pháp luật. Cụ thể
1.      Thứ nhất: Quy định đưa ra 03 trường hợp phải đánh giá lại tài sản cố định gồm: 1/ tổ chức lại doanh nghiệp, 2/ chuyển đổi sở hữu doanh nghiệp, 3/ chuyển đổi hình thức doanh nghiệp.
Tại Khoản 16 Điều 4 Luật Doanh Nghiệp quy định “Tổ chức lại doanh nghiệp việc chia, tách, hợp nhất, sáp nhập hoặc chuyển đổi doanh nghiệp”.
Và cũng theo Luật doanh nghiệp thì quy định về “chuyển đổi doanh nghiệp” nằm trong Chương VIII về “Tổ chức lại doanh nghiệp, phá sản, giải thể doanh nghiệp”
Như vậy “tổ chức lại doanh nghiệp” đã bao gồm việc “chuyển đổi doanh nghiệp” (hay cách gọi khác là chuyển đổi hình thức doanh nghiệp). Tuy nhiên quy định trên lại xếp chúng ngang hàng theo kiểu liệt kê dẫn đến cách hiểu chuyển đổi hình thức doanh nghiệp” và “tổ chức lại doanh nghiệp” là 02 trường hợp khác nhau.
Kết luận: Không đảm bảo tính thống nhất.
2.    Thứ hai: Trong 03 trường hợp phải đánh giá lại tài sản cố định như nêu trên quy định tiếp tục liệt kê một loạt các trường hợp nhỏ trong 03 trường hợp đó, gồm: chia, tách, sáp nhập, hợp nhất, cổ phần hoá, bán, khoán, cho thuê, chuyển đổi công ty trách nhiệm hữu hạn thành công ty cổ phần, chuyển đổi công ty cổ phần thành công ty trách nhiệm hữu hạn”
 Trong các trường hợp được quy định liệt kê thì có hai trường hợp “khoán, cho thuê” không rõ ý của Nhà làm luật vì không rõ “khoán” và “cho thuê” cái gì? Vì 02 trường hợp này không thuộc bất kỳ trường hợp nào trong 03 trường hợp 1/ tổ chức lại doanh nghiệp, 2/ chuyển đổi sở hữu doanh nghiệp, 3/ chuyển đổi hình thức doanh nghiệp.
Quy định này trong thực tế đã dẫn đến cách hiểu khác đi rằng đây là trường hợp khoán và cho thuê tài sản. Tuy nhiên việc khoán và cho thuê tài sản cũng không thuộc 03 trường hợp 1/ tổ chức lại doanh nghiệp, 2/ chuyển đổi sở hữu doanh nghiệp, 3/ chuyển đổi hình thức doanh nghiệp. Ngoài ra nếu hiểu như vậy cũng không phù hợp với hướng dẫn tại Tài khoản kế toán 412, không phù hơp với pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp.
Kết luận:    Không đảm bảo tính hợp pháp.
Đây là quy định đã tồn tại nhiều năm, qua nhiều đời văn bản. Nhưng lỗi này vẫn không được khắc phục. Văn bản thay thế kế thừa y nguyên quy định của văn bản trước đó.

11 tháng 9, 2014

Bất Cập Điều Kiện Cho Thuê Văn Phòng, Nhà Xưởng Dư Thừa.

Trương Thị Thu Hiền
Luật sư Hoàng Văn Thạch
Trong hoạt động của các Doanh nghiệp việc không sử dụng hết nhà văn phòng hoặc nhà xưởng là điều bình thường, nhất là trong thời buổi kinh tế khó khăn. Vì vậy nhu cầu cho thuê lại một phần tòa nhà làm việc hoặc nhà xưởng trong thời gian vừa qua là rất phổ biến. Tuy nhiên việc cho thuê lại tài sản này có được phép hay không? Cần phải đảm bảo điều kiện gì?
Tài sản xây trên đất thuê trả tiền hàng năm thì không được phép cho thuê lại?
Trước tiên nói về việc pháp luật cho phép doanh nghiệp được cho thuê lại tài sản đó không. Điều này hoàn toàn phụ thuộc vào doanh nghiệp đang sử dụng đất dưới hình thức gì?
Trước đây khi Luật đất đai 2003 quy định tổ chức kinh tế sử dụng đất dưới hình thức giao đất có thu tiền sử dụng đất hoặc sử dụng đất dưới hình thức nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất hoặc thuê đất trả tiền cho toàn bộ thời gian thuê (tiền không có nguồn gốc từ ngân sách Nhà nước) thì đều có quyền cho thuê tài sản đã đầu tư trên đất. Tuy nhiên một hình thức sử dụng đất rất phổ biết của các tổ chức kinh tế hiện nay là thuê đất trả tiền hàng năm thì trong Luật đất đai 2003 không liệt kê quyền được cho thuê lại tài sản trên đất (nhưng lại có quyền chuyển nhượng, góp vốn, thế chấp).
Có lẻ do bất cập này mà 03 năm sau khi Luật đất đai 2003 có hiệu lực thi hành thì Nghị định 84/2007/NĐ-CP mới bổ sung quyền được cho thuê lại tài sản trên đất đối với tổ chức kinh tế sử dụng đất thuê trả tiền hàng năm (Điều 22), đây được coi như là một “phụ lục” để bổ sung cho những quyền còn chưa được ghi nhận tại Luật đất đai 2003. Quy định đã rõ như vậy nhưng trên thực tế khi tiếp xúc với một số chuyên viên cơ quan Tài nguyên & Môi trường, Thuế quan điểm của họ vẫn không thừa nhận việc quyền cho thuê lại tài sản trên đất thuê trả tiền hàng năm và coi đây là hành vi sử dụng đất sai mục đích đề hù dọa doanh nghiệp. Khi viện dẫn Điều 22 Nghị định 84/2007/NĐ-CP thì cơ quan Nhà nước cho rằng chưa có hướng dẫn cụ thể nên không dám triển khai và thực tế ngay cả ngành Tòa án cúng có suy nghĩ tương tự. Trong một bản án kinh doanh thương mại người viết từng tham gia ở cả cấp Sơ thẩm tại TAND tỉnh Nghệ An và Phúc thẩm tại TAND Tối Cao đều xác định việc cho thuê lại tài sản trên đất là trái mục đích sử dụng mà không hề xem xét hay giải thích được quy định tại Điều 22 Nghị định 84/2007/NĐ-CP.
Những tưởng quyền này sẽ được bổ sung khi Luật đất đai 2003 được thay thế tuy nhiên theo Luật đất đai 2013 quyền cho thuê lại tài sản trên đất thuê trả tiền hàng năm vẫn t không được ghi nhận và Nghị định 43/2014/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật đất đai 2013 và thay thế Nghị định 84/2007/NĐ-CP cũng không kế thừa quy định này, chỉ nhắc đến quyền góp vốn, thế chấp và bán tài sản trên đất. Điều này khiến quyền cho thuê lại tài sản trên đất đã đầu tư của tổ chức kinh tế sử dụng đất thuê trả tiền hàng năm trở nên không có cơ sở pháp lý. Vì vậy hàng loạt giao dịch cho thuê lại văn phòng và nhà xưởng hay bất kỳ một công trình trên đất nào của các tổ chức sử dụng đất thuê trả tiền hàng năm đang trong tình trạng không rõ ràng về tính pháp lý.  
Điều kiện về ngành nghề để cho thuê lại nhà xưởng và văn phòng dư thừa.
Ngoài điều kiện về hình thức sử dụng đất còn một điều kiện khác nữa chưa thực sự rõ ràng khi một tổ chức kinh tế cho thuê lại tài sản trên đất đó là điều kiện về ngành nghề kinh doanh. Câu hỏi có nhất thiết phải bổ sung nghành nghề kinh doanh bất động sản thì mới được cho thuê lại nhà xưởng, văn phòng dư thừa hay không cũng nhận được những câu trả lời rất mâu thuẫn.
Năm 2007 cả Bộ xây dựng và Bộ kế hoạch đầu tư khi ban hành các công văn số 2533/BXD-QLN ngày 28.11.2007 do Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam ký và Công văn số 7269/BKH-KCN&KCX ngày 05.10.2007 trả lời về việc cho thuê lại nhà xưởng, văn phòng dư thừa trong Khu công nghiệp đều khẳng định các Doanh nghiệp trong khu công nghiệp khi cho thuê nhà xưởng, nhà văn phòng dư thừa đều phải đáp ứng đủ điều kiện về ngành nghề kinh doanh theo quy định của pháp luật về kinh doanh bất động sản, tức là phải bổ sung ngành nghề kinh doanh bất động sản thì mới được thực hiện hoạt động cho thuê lại nhà xưởng, văn phòng dư thừa. Có thể mở rộng quy định này cho cả những doanh nghiệp hoạt động ngoài Khu công nghiệp vì cơ chế về ngành nghề kinh doanh là hoàn toàn như nhau.
Đến năm 2011 Bộ kế hoạch đầu tư tiếp tục có Công văn 5620/BKHĐT-QLKKT gửi Ban quản lý các khu công nghiệp Tây Ninh khẳng định việc cho thuê lại nhà xưởng, văn phòng dư thừa chỉ được thực hiện khi đã bổ sung ngành nghề kinh doanh bất động sản. Tuy nhiên năm 2013 Bộ xây dựng có Công văn số 64/BXD-QLN trả lời Sở kế hoạch đầu tư tỉnh Long An do Cục trưởng Cục quản lý nhà và thị trường Bất động sản Nguyễn Mạnh Hà ký lại thể hiện quan điểm hoàn toàn ngược lại với 03 công văn nêu trên, nội dung thể hiện “Các tổ chức, cá nhân xây dựng nhà xưởng để sản xuất kinh doanh, nhưng gặp khó khăn hoặc dư thừa diện tích nhà xưởng và cho thuê các diện tích nhà xưởng này thì không phải thành lập doanh nghiệp hoặc hợp tác xã và đăng ký kinh doanh bất động sản. Khi các tổ chức, cá nhân cho thuê nhà xưởng thì phải có trách nhiệm thực hiện các nghĩa vụ về thuế theo quy định pháp luật đối với hoạt động cho thuê”. Cơ sở của quan điểm này cho rằng việc cho thuê xuất phát từ việc Doanh nghiệp gặp khó khăn hoặc dư thừa về diện tích không sử dụng hết nên mới cho thuê, mục đích không phải là sinh lợi nên không phải đăng ký kinh doanh bất động sản.
Quan điểm cho phép Doanh nghiệp có nhà xưởng, văn phòng dư thừa được phép cho thuê lại mà không bắt buộc phải đăng ký ngành nghề kinh doanh bất động sản là quan điểm có lợi cho Doanh nghiệp. Vì trên thực tế có những Doanh nghiệp vì lý do kinh tế họ phải thu hẹp quy mô sản xuất dẫn đến dư thừa văn phòng hoặc nhà xưởng thì việc cho thuê để bù đắp chi phí cho doanh nghiệp là nhu cầu rất chính đáng, nếu yêu cầu họ bổ sung ngành nghề kinh doanh bất động sản thì không phải doanh nghiệp nào cũng đáp ứng được điều kiện về vốn pháp định 06 tỷ đồng trong khi họ đang gặp khó khăn về tài chính đến mức phải thu hẹp quy mô kinh doanh hoặc có những Doanh nghiệp hoạt động trong những lĩnh vực chuyên doanh…thì việc bổ sung ngành nghề kinh doanh bất động sản là bất khả thi. Ngược lại việc quy định việc cho thuê văn phòng, nhà xưởng dư thừa bắt buộc phải bổ sung ngành nghề kinh doanh bất động sản có phần hơi cứng nhắc đối với những doanh nghiệp đang gặp khó khăn phải thu hẹp quy mô sản xuất; nhưng ngược lại nó lại tránh tình trạng Doanh nghiệp cố tình tạo ra nhà xưởng và văn phòng dư thừa để hoạt động kinh doanh bất động sản mà không cần phải đăng ký ngành nghề nhất là trong bối cảnh khi dự thảo luật Kinh doanh bất động sản 2014 được chốt lại để trình lên Quốc hội quy định vốn pháp định không thấp hơn 50 tỷ đồng..
Việc mâu thuẫn trong nội dung hướng dẫn (dù chỉ là mang tính tham khảo của các cơ quan quản lý Nhà nước khác nhau hay trong cùng một cơ quan) khiến việc Doanh nghiệp lúng túng trong việc thực hiện. Thực tế hành nghề người viết đã từng chứng kiến những Doanh nghiệp không có hoạt động kinh doanh bất động sản vẫn ký hợp đồng cho thuê nhà xưởng, văn phòng dư thừa và vẫn có Công chứng viên chấp nhận công chứng hợp đồng cho thuê này. Điều này rõ ràng tạo ra không ít rủi ro cho các Doanh nghiệp đang tham gia các giao dịch cho thuê nhà xưởng, văn phòng dư thừa nếu bên cho thuê không có ngành nghề kinh doanh bất động sản – nếu xảy ra tranh chấp sẽ tạo ra những tranh cãi không rõ đúng sai về tính pháp lý của các giao dịch này.
Một tín hiệu tích cực là tại Khoản 2 Điều 8 Dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản 2014 cũng có quy định về việc “Các trường hợp bán, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, cho thuê mua bất động sản không nhằm mục đích kinh doanh hoặc có quy mô nhỏ thì không phải thành lập doanh nghiệp và đăng ký kinh doanh bất động sản nhưng phải đăng ký kê khai, nộp thuế theo quy định của pháp luật về thuế. Chính phủ quy định chi tiết Điều này” – Như vậy có vẻ như Dự thảo đã điều chỉnh đến những trường hợp cho thuê nhà xưởng, văn phòng dư thừa. Đối với trường hợp quy mô nhỏ thì có thể dễ dàng xác định bằng việc ấn định một con số về diện tích kết hợp với doanh thu. Tuy nhiên việc phân định rạch ròi những trường hợp Doanh nghiệp cho thuê văn phòng, nhà xưởng không nhằm mục đích kinh doanh và có nhằm mục đích kinh doanh là bài toán không hề đơn giản cho hoạt động lập pháp của chính phủ (*).
Lời kết
Mặc dù đã được đề cập nhưng Luật kinh doanh Bất động sản 2014 mới chỉ là dự thảo và để áp dụng được thì ít nhất phải 01 năm nữa. Trong khoảng thời gian này liên ngành Tòa án, Xây dựng, Kế hoạch đầu tư cần có những văn bản kịp thời, thống nhấ hướng dẫn về việc cho thuê lại nhà xưởng, văn phòng dư thừa có nhất thiệt phải đăng ký kinh doanh hay không? Nếu có thì trong trường hợp nào?
Ngoài ra Bộ tài nguyên môi trường cũng cần có hướng dẫn cụ thể đối với trường hợp cho thuê lại tài sản trên đất thuê trả tiền hàng năm để Doanh nghiệp yên tâm hoạt động.

(*)Trên thực tế có những trường hợp rất dễ xác định Doanh nghiệp có mục đích kinh doanh hay không kinh doanh để có yêu cầu họ phải có đăng ký kinh doanh ngành nghề bất động sản hay không?. Đó là trường hợp doanh nghiệp ban đầu hoạt động tại địa điểm A, nhưng sau đó vì nhiều lý do họ buộc phải thuê địa điểm B để hoạt động và cho đơn vị khác thuê lại địa điểm A. Nếu doanh thu từ việc cho thuê địa điểm A nhỏ hơn chi phí thuê địa điểm B hoặc lớn hơn nhưng không đáng kể thì hoàn toàn có thể khẳng định doanh nghiệp thực hiện hoạt động cho thuê không nhằm mục đích kinh doanh.





18 tháng 7, 2014

Đơn Phương Chấm Dứt Thực Hiện Hợp Đồng Ủy Quyền Đã Công Chứng

LS Hoàng Văn Thạch
Võ Thị Mai Trang

         Một vấn đề bất cập tồn tại suốt mấy năm nay đó là vấn đề “hủy bỏ” Hợp đồng ủy quyền đã được công chứng. Mà cụ thể ở đây là trường hợp một ông A ủy quyền cho bà B thực hiện một công việc X. Một thời gian ông A không muốn ủy quyền nữa thì ông ấy phải làm gì?. Lâu nay người ta vẫn bảo ông ấy muốn làm được việc này chỉ có 02 cách hoặc là cùng mời bà ấy đến Văn phòng công chứng đã công chứng hợp đồng ủy quyền để hủy bỏ nó hoặc nếu không được thì khởi kiện tại tòa án. (nguồn một vài trong rất nhiều ví dụ minh họa:
       Vừa rồi đi ăn tiệc cưới lại có dịp tranh luận sôi nổi với với một nhóm gồm cả Luật sư, Công chứng viên, Cán bộ pháp chế ngồi túm tụm vào một mâm.
     Vấn đề không phải ai đó không hiểu thực trạng nó như thế nào mà là cách lý giải thế nào cho nó khoa học. Anh Công chứng viên có mái tóc muối tiêu chỉ lý giải một cách nguyên tắc rằng “về nguyên tắc hai bên ký vào hợp đồng thì muốn hủy bỏ hai bên phải cùng thống nhất…”.
Cá nhân tôi có cách lý giải riêng mình như sau:
1.            Hủy bỏ hợp đồng và Đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng là khác nhau.
Trước tiên cần thống nhất rằng hợp đồng ủy quyền cũng là một hợp đồng dân sự. Đã là hợp đồng dân sự thì phải chịu sự điều chỉnh theo chế định chung về hợp đồng dân sự được quy định tại BLDS 2005. Theo quy định tại Điều 425 và 426 BLDS 2005 chúng ta thấy khái niệm “hủy bỏ hợp đồng” và khái niệm “đơn phương chấm dứt thực hiên hợp đồng” là hoàn toàn khác nhau – được quy định bởi hai quy định khác nhau.
Việc “hủy bỏ hợp đồng” dù do hai bên thỏa thuận hay pháp luật quy định thì nó luôn gắn với việc vi phạm hợp đồng của một bên. Và khi hủy bỏ hợp đồng thì hợp đồng không có hiệu lực ngay từ khi giao kết.
Còn “đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng” thì có thể phát sinh do vi phạm hoặc không do vi phạm miễn là các bên thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định. Và khi hợp đồng bị đơn phương chấm dứt thì nó chỉ chấm dứt khi một bên nhận được thông báo về việc chấm dứt thực hiện thực hiện hợp đồng của bên đối tác. Các bên vẫn phải chịu trách nhiệm về quyền và nghĩa vụ của mình đối với phần hợp đồng đã thực hiện trước đó.
Hủy bỏ hợp đồng giống như khi ta đốt một sợi dây còn Đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng giống như khi ta cắt đứt một sợi dây.
Vậy nếu một người đã ký hợp đồng ủy quyền có công chứng cho một người khác nay tự ý muốn chấm dứt việc ủy quyền này thì đó là “hủy bỏ” hay “đơn phương chấm dứt thực hiện” hợp đồng ủy quyền này?. Rõ ràng đây là trường hợp “đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng” mà cụ thể là đơn phương chấm dứt việc ủy quyền. Điều này hoàn toàn được pháp luật cho phép. Theo quy định tại Điều 588 BLDS 2005 thì mọi hợp đồng ủy quyền thì Bên ủy quyền hoặc Bên nhận ủy quyền khi không muốn ủy quyền/nhận ủy quyền nữa thì đều có quyền đơn phương chấm dứt trước thời hạn và chỉ việc báo trước 1 thời gian hợp lý (và chấp nhận bồi thường thiệt hại nếu có)
2.            Luật công chứng không quy định việc đơn phương chấm dứt thực hiện việc ủy quyền thì bắt buộc các bên phải cùng nhau đến cơ quan công chứng.
Theo quy định tại Khoản 1 Điều 46 Luật công chứng 2006 thì “Việc sửa đổi, bổ sung, huỷ bỏ hợp đồng, giao dịch đã được công chứng chỉ được thực hiện khi có sự thoả thuận, cam kết bằng văn bản của tất cả những người đã tham gia hợp đồng, giao dịch đó và phải được công chứng.”. Như vậy nội dung quy định trên chỉ yêu cầu việc 1. Sửa đổi, 2. Bổ sung, 3. Hủy bỏ hợp đồng, giao dịch. Khoản 1 Điều 46 Luật công chứng 2006 không hề quy định việc “Đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng đã được công chứng” nói chung hay “đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng ủy quyền đã được công chứng” nói riêng chỉ được thực hiện khi có  khi có sự thoả thuận, cam kết bằng văn bản của tất cả những người đã tham gia hợp đồng, giao dịch đó và thỏa thuận đó phải được công chứng.
Như vậy giữa Bộ luật dân sự 2005 và Luật công chứng 2006 chẳng có gì mâu thuẫn và lâu nay cách hiểu như vậy của nhiều công chứng viên và vô số các bài viết trên mạng như đã trích dẫn đối với trường hợp một bên muồn chấm dứt việc ủy quyền đã được ghi nhận bằng hợp đồng công chứng hoàn toàn nhầm lẫn giữa hai khái niệm “hủy bỏ hợp đồng” và “đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng”.
Tuy nhiên do nghề công chứng viên là nghề có tính rủi ro cao. Do vậy có lẻ tại Khoản 1 Điều 44 Luật công chứng 2006 không quy định về trường hợp đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng đã được công chứng nên Công chứng viên chưa mạnh dạn triển khai việc xác nhận việc đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng chăng?
Do vậy nếu hiểu đúng quy định của pháp luật thì theo tôi trong trường hợp này Bên ủy quyền chỉ cần đến Văn phòng công chứng có văn bản xác nhận về việc đơn phương chấm dứt việc ủy quyền là được mà không cần phải có sự xuất hiện của Bên được ủy quyền.
1.      Mâu thuẫn trong Bộ luật dân sự 2005 khi quy định về chấm dứt tư cách đại diện theo ủy quyền.
Điều 588 quy định việc Bên ủy quyền hoặc Bên được ủy quyền có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng ủy quyền.
Điều 424 BLDS quy định khi hợp đồng bị Đơn phương chấm dứt thực hiện thì hợp đồng đó bị chấm dứt.
Tuy nhiên Khoản 2 Điều 147 khi quy định về các trường hợp chấm dứt tư cách đại diện theo ủy quyền của cá nhân lại không quy định về trường hợp khi một bên “đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng ủy quyền” mà thay vào đó lại quy định về trường hợp “hủy bỏ việc ủy quyền”.
2.      Việc hủy bỏ và bổ sung hợp đồng công chứng không còn quy định bắt buộc phải công chứng?
Theo Luật công chứng 2014 có hiệu lực vào ngày 01.01.2015 tới đây thì Khoản 1 Điều 51 quy định “Việc công chứng sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ hợp đồng, giao dịch đã được công chứng chỉ được thực hiện khi có sự thỏa thuận, cam kết bằng văn bản của tất cả những người đã tham gia hợp đồng, giao dịch đó”. (Thay cụm từ “việc sửa đổi …” = “việc công chứng sửa đổi…”)
Như vậy nếu theo quy định này thì Luật công chứng 2014 không còn bắt buộc các trường hợp hợp đồng trước đó đã được công chứng rồi thì sau này muốn sửa đổi, hủy bỏ, bổ sung thì cũng phải công chứng nữa.
Tuy nhiên theo Điều 423 BLDS thì hình thức của hợp đồng gốc thế nào thì khi sửa đổi cũng phải thế đó. Do vậy việc sửa đổi đối với hợp đồng đã công chứng thì khi “sửa đổi” bắt buộc phải công chứng. Riêng hai trường hợp còn lại là “bổ sung” và “hủy bỏ” thì không có quy định  nào bắt buộc.




13 tháng 1, 2014

Khai Báo, Tố Giác, Tố Cáo Khi Nào Thì Bị Coi Là Vu Khống, Khai Báo Gian Dối?

Bretney Spears
Luật sư Hoàng Văn Thạch
Vừa qua xuất phát từ lời khai của ông Dương Chí Dũng đối với ông Phạm Quý Ngọ. Có một số người (cả chuyên gia pháp lý) cho rằng nếu ông Phạm Quý Ngọ không bị kết tội nghĩa là ông Dương Chí Dũng sẽ bị xử lý về tội “vu khống” và “khai báo gian dối”. Một khách hàng ở Huế khi có ý định viết đơn tố giác một tên tội phạm nhưng đọc được bài báo trên đã hỏi mình rằng “nếu chị tố giác mà sau này Công an kết luận là thằng đó không phạm tội thì chị cũng phạm tội vu khống à?”. Đọc qua nhiều Facebook và các comment trên các trang mạng thì thấy có lẽ cũng là băn khoăn của nhiều người. Mở rộng ra, mình đặt vấn đề là khi bị cáo khai ra hành vi phạm tội của một ai đó hoặc công dân tố giác một hành vi phạm tội của ai đó đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết mà sau đó những người này “không bị sao cả” thì mình có bị sao không? Nếu mà bị làm sao thì ai còn giám vác đơn đi tố giác, tố cáo hay khai báo gì nữa.
Trong pháp luật hành chính hay hình sự. Bất kỳ hành vi vi phạm nào mà không có lỗi thì đều không phải chịu trách nhiệm (trừ dân sự nhé!). Tuy nhiên nếu chỉ dựa vào mỗi lời trình bày của họ thì không thể đảm bảo được tính khách quan, do lời khai chỉ là nguồn của chứng cứ chứ chưa trở thành chứng cứ, do vậy cần thu thập thêm các chứng cứ khác để buộc tội người vi phạm (hay nói như Thượng tướng Phạm Duy Ngọ là khai là việc họ khai, trách nhiệm của cơ quan điều tra là phải chứng minh (thêm)), nếu các cơ quan giải quyết không thu thập được thêm bất cứ chứng cứ nào khác và thì có thể kết luận là “không đủ chứng cứ” để kết luận có hành vi vi phạm. Nhưng ngược lại thì cũng không có đủ chứng cứ để chứng minh lời khai, lời trình bày của người khai báo, tố giác, tố cáo là sai sự thật thì người khai báo, người tố giác, tố cáo không phải chịu trách nhiệm gì cả.
Ví dụ: Thằng B trộm tài sản của thằng A bị thằng A phát hiện. Thằng A đi tố giác với cơ quan Công an. Tuy nhiên ngoài lời khai của thằng A cơ quan điều tra không thu thập được thêm bất cứ chứng cứ nào khác để buộc tội thằng B. Thì mặc dù thằng B không bị sao cả nhưng hành vi của thằng A cũng không phải là “vu khống”.
Trường hợp nếu qua xác minh các cơ quan có thẩm quyền không những không chứng minh được người bị khai báo, bị tố cáo, bị tố giác có hành vi vi phạm mà còn đi xa hơn là chứng minh ngược lại là lời khai báo, lời tố cáo, lời tố giác này là không đúng sự thật. Mà việc không đúng sự thật này là do cố ý trình bày sai chứ không phải do nhầm lẫn. Thì tùy từng trường hợp mà có thể bị xử lý về tội “vu khống”, “khai báo gian dối”.
Ví dụ: Thằng A tố cáo thằng B trộm tài sản của mình. Tuy nhiên qua xác minh thì thấy không có thêm bất cứ chứng cứ nào chứng minh thằng B trộm tài sản của A; mà thậm chí cơ quan điều tra còn đi xa hơn là chứng minh được bản thân thằng A không có tài sản, mà cố tình dựng chuyện thì thằng A sẽ bị xem xét, xử lý về tội vu khống.
Như vậy việc tố cáo, tố giác, hay khai báo mà không đối tượng bị tố giác, tố cáo, khai báo được kết luận là không có hành vi vi phạm thì không đồng nghĩa với lời khai báo, tố giác, tố cáo là sai sự thật. Nhưng một người khi bị tố cáo, bị tố giác hay bị khai báo là có hành vi vi phạm thì nhưng chưa có kết luận chính thức từ cơ quan chức năng thì dư luận xã hội cũng không nên đánh giá, phán đoán “như đúng rồi” làm ảnh hưởng đến uy tín của họ.
Quay lại vụ án của Dương Chí Dũng. Nếu tướng Phạm Duy Ngọ không có hành vi vi phạm như ông Dũng khai báo thì điều đó cũng không đồng nghĩa với việc ông Dũng khai báo gian dối và phải chịu trách nhiệm về tội “vu khống” hay “khai báo gian dối”. Nhưng nếu chứng minh được điều ngược lại thì ông Dũng sẽ phải chịu trách nhiệm về hành vi vu khống và khái báo gian dối. Thực tế cho thấy có nhiều vụ không chứng minh được điều ngược lại.