26 tháng 3, 2016

Góc Nhìn Vụ VTV & Bùi Minh Tuấn

Gheorghe Hagi
Luật sư Hoàng Văn Thạch
Việt Nam, một đất nước ngoài các sản phẩm như nông – lâm sản, khoáng sản thô và lao động phổ thông, chúng ta không có gì đặc biệt chào bán cho thế giới. Thị trường Việt Nam không khác gì một phiên chợ quê đìu hiu với những mặt hàng cây nhà lá vườn. 
Muốn cạnh tranh được với thế giới, chúng ta cần một nền kinh tế có hàm lượng trí thức cao hơn. Muốn vậy thì một trong các điều kiện là pháp luật cần khuyến khích và bảo hộ tốt cho quyền sở hữu trí tuệ (gọi tắt là SHTT). 
Nếu như trước đây nói đến SHTT chúng ta ngơ ngác như những người nông dân khi lần đầu nhìn thấy máy gặt đập liên hoàn của Nhật, thì ngày nay nó đã trở thành một khái niệm tương đối phổ thông. Cùng với quá trình hội nhập, một loạt các nghiệp vụ liên quan đến SHTT ra đời như: đăng ký nhãn hiệu, quyền tác giả; đăng ký li-xăng...
Các hợp đồng đối với đối tác hay người lao động đã bắt đầu kèm theo điều khoản bảo mật thông tin chặt chẽ. Các công ty Luật về SHTT vì thế cũng ngày một ăn nên làm ra. 
Ý thức bảo vệ quyền SHTT là vậy, nhưng ý thức của cộng đồng trong việc tôn trọng quyền SHTT của người khác lại chưa cao. Tính chuyên nghiệp trong xử lý xung đột khi phát sinh tranh chấp cũng gây nhiều ồn ào, tranh cãi. Sự việc mới đây giữa VTV và anh Bùi Minh Tuấn là ví dụ điển hình.
Vì sao VTV vi phạm?
VTV - Đài truyền hình quốc gia đã nhiều lần sử dụng, cắt ghép tác phẩm của người khác mà không ghi rõ nguồn, điều này đã vi phạm quyền đứng tên tác phẩm theo Khoản 2 điều 25 Luật Sở hữu trí tuệ. Đây hẳn không phải là chủ trương của VTV, vi phạm đó đến từ những con người trực tiếp thực hiện nội dung đó. Bản thân họ có lẽ không hẳn cố ý vi phạm một cách có chủ đích mà sự vi phạm đến từ sự vô tư trong công việc. 
Dường như người thực hiện đã quen với việc xài "chùa" tài sản SHTT của người khác. Thói quen này bắt đầu từ những thói quen nhỏ như nhìn bài hay chép tài liệu khi làm bài kiểm tra, đến việc to tát hơn như làm luận văn, luận án tiến sĩ. Thị trường thì nhan nhản sách và phim đĩa lậu. Chẳng ai dại gì để ý đến các tác phẩm gốc khi cả người bán và người mua đều có lợi. 
Hồi tôi còn học thì một trong những nguồn doanh thu của các cửa hàng photo là bán sách photo cho sinh viên, thậm chí đó có thể là các cuốn sách về SHTT. Sinh viên thì vô tư dùng và chẳng cần quan tâm đến việc mình có đang tiếp tay cho hành vi vi phạm SHTT hay không? 
VTV là một tổ chức – mà tổ chức thì hình thành từ những cá nhân. Cá nhân lại là một thực thể trong một xã hội, một xã hội coi việc xài "chùa" tài sản SHTT là bình thường, thì việc VTV mang tiếng đi “ăn cắp” của người khác cũng là dễ hiểu. 
Người Bị Hại có đang phản ứng một cách quá mức?
Anh Bùi Minh Tuấn là tác giả của tác phẩm Việt Nam qua góc nhìn flycam. Trước việc liên tục bị vi phạm quyền tác giả, anh đã buộc phải thực hiện quyền tự bảo vệ mình là yêu cầu Youtube khóa kênh của VTV. Tiếp theo, anh muốn có một lời xin lỗi công khai từ VTV. Các biện pháp tự bảo vệ này đều phù hợp với quy định tại Điều 198 Luật SHTT. 
Tuy nhiên, khi mà giữa hai bên đang trong giai đoạn tự hòa giải với nhau thì có vẻ như anh đang làm quá mọi chuyện khi đặt đến 9 camera tường thuật trực tiếp buổi gặp gỡ giữa hai bên và công khai tất cả mọi chuyện cho báo chí. 
Nếu thực sự chỉ vì không muốn mình bị rơi vào trường hợp như Tân Hiệp Phát và Võ Văn Minh, hoàn toàn có nhiều cách đơn giản hơn để tự bảo vệ mình như mời đại diện chính quyền, đoàn thể chứng kiến hoặc có thể sử dụng dịch vụ thừa phát lại để lập vi bằng về buổi làm việc.
Như đã nói, VTV là một tổ chức nhưng thực thi lại là con người. Với con người, danh dự, uy tín còn cao hơn cả việc đúng hay sai. Không ai có thể thoải mái khi đối phương đang tiếp đón mình theo cách như vậy cả. Cách sử xự như vậy có lẽ đến từ thói quen dùng các mối quan hệ gia đình, xã hội và các thiết chế phi tư pháp để giải quyết xung đột của người dân Việt Nam (mặc dù nó đang dần thay đổi).
Những điều anh Tuấn làm hoàn toàn đúng với pháp luật và cũng dễ hiểu nếu đặt mình vào tâm lý của một người bị xâm phạm bản quyền nhưng vấp phải thái độ có phần kẻ cả một số nhân viên VTV trên mạng xã hội, nhưng lại khiến sự việc đi xa bản chất ban đầu của nó là vi phạm bản quyền.
Bản thân anh Tuấn và một số bình luận trên mạng xã hội đã quy chụp quá mức khi cho rằng hành vi của VTV là "ăn cắp", trong khi về bản chất, đây là một vụ việc dân sự trong muôn vàn những xung đột rất bình thường mà xã hội luôn phải đối mặt khi vận hành, nhất là ở Việt Nam, nơi ý thức bản quyền còn là một vấn đề rất "sơ khai".
Thượng tôn pháp luật
Youtube đã khóa kênh của VTV, giờ anh cần một lời xin lỗi.Nếu VTV không hợp tác và tự nguyện, anh Tuấn có thể khởi kiện lên Tòa án. Hãy sử dụng quyền của mình một cách hợp lý bằng con đường tư pháp. 
Hành vi vi phạm của VTV đã rõ, bản thân VTV cũng đã thừa nhận. Hành vi đó đáng bị trừng trị và lên án. Nhưng việc trừng trị cần phải được giải quyết bằng các chế định pháp luật. Không nên làm mọi chuyện trở nên rối rắm bằng các lời tuyên chiến trên mặt báo và những động thái phòng vệ quá mức.  Nếu anh Tuấn khởi kiện vụ việc tại cơ quan tòa án khi hai bên không tự hòa giải được  cũng đồng nghĩa với tạo ra một tiếng vang và tiền lệ tốt để giải quyết những vụ xâm phạm bản quyền cũng như nhiều vụ việc dân sự khác có thể bị đẩy đi quá xa trong những tranh cãi rối rắm về đạo đức ứng xử trong tương lai. Đó cũng là hành vi đúng đắn nhất với 1 xã hội thượng tôn pháp luật. Cả 2 bên ai cũng có những lý lẽ đúng và sai để giải thích hành vi của riêng mình, nhưng thay vì bị cuốn theo những thước đo chín người mười ý, hãy để luật pháp lên tiếng.
Các phương tiện truyền thông và dư luận cũng đừng vì tâm lý bênh vực người yếu thế mà biến tướng câu chuyện với những lời lẽ cay nghiệt và đay nghiến khi mô tả hành vi người khác là “ăn cắp” trong khi như đã nói  nó chỉ là hành vi vi phạm pháp luật dân sự và hành chính như bao hành vi khác khi chưa gây ra hậu quả gì to tát.
1. Lược sử pháp luật về SHTT: 
Pháp luật về SHTT chính thức du nhập vào Việt Nam từ hơn 120 năm nay, bắt đầu từ khi người Pháp áp dụng Luật văn bằng phát minh 1893. Tuy nhiên trải qua nhiều biến động của Lịch sử, việc làm quen với các quy định về SHTT có lẽ chỉ bắt đầu từ Pháp lệnh bảo hộ sở hữu công nghiệp 1989 (trước đó ở Miền Nam có Luật về phát minh và Nhãn hiệu thương mại 1957). 
Sau này các quy định về SHTT được quy định tại BLDS 1995. Đến năm 2005 để gia nhập WTO chúng ta ban hành Luật sở hữu trí tuệ 2005 và mới đây được sửa đổi bằng Luật SHTT 2009.
2. Định nghĩa quyền SHTT:
Quyền SHTT hiểu nôm na là những gì do con người tư duy phát triển ra và có giá trị cho xã hội. Luật SHTT 2005 định nghĩa “Quyền sở hữu trí tuệ là quyền của tổ chức, cá nhân đối với tài sản trí tuệ, bao gồm quyền tác giả và quyền liên quan đến quyền tác giả, quyền sở hữu công nghiệp và quyền đối với giống cây trồng”.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét