30 tháng 9, 2012

Án Dân Sự Xử Sao Cũng Được?

Yumi Sugimoto
Giải thích pháp luật tùy tiện
Mới đây Tòa án nhân dân tối cao TpHCM vừa đưa ra xét xử vụ tranh chấp hợp đồng “tài trợ” của một doanh nghiệp nước ngoài cho một doanh nghiệp trong nước (http://nld.com.vn/20120930102017498p0c1014/tin-dung-lau-moi-than-am-i-duoi-nen-tai-chinh.htm).
Tại phiên tòa sơ thẩm TAND Tp HCM cho rằng hợp đồng này vô hiệu vì đây là hoạt động đầu tư góp vốn của doanh nghiệp nước ngoài vào Việt Nam tuy nhiên phía doanh nghiệp nước ngoài này chưa làm thủ tục đăng ký đầu tư. Do vậy giao dịch giữa các bên vi phạm pháp luật đầu tư nên bị vô hiệu.
Tại phiên xét xử phúc thẩm: Theo nhận định của Tòa án nhân dân tối cao TpHCM thì đây thực chất là hợp đồng cho vạy tài sản giữa 02 bên có tính lãi chứ không phải hoạt động đầu tư gì cả. Việc cho vay lấy lãi này có bản chất là hoạt động kinh doanh tiền tệ, mà theo quy định của pháp luật Việt Nam thì chỉ có các tổ chức tín dụng mới được thực hiện hoạt động giao dịch này. Bản thân phía doanh nghiệp nước ngoài không có chức năng kinh doanh tiền tệ tệ nên việc cho vay là vi phạm quy định của Luật các tổ chức tín dụng, do vậy đây là một giao dịch có nội dung vi phạm điều cấm của pháp luật nên giao dịch này vô hiệu.
Có thể dễ dàng nhận ra quy định mà hội đồng xét xử phúc thẩm muốn nhắc đến chính là Khoản 2 Điều 8 Luật các tổ chức tín dụng 2010. Điều này quy định “Nghiêm cấm cá nhân, tổ chức không phải là tổ chức tín dụng thực hiện hoạt động ngân hàng, trừ giao dịch ký quỹ, giao dịch mua, bán lại chứng khoán của công ty chứng khoán
Hoạt động ngân hàng” theo quy định tại Điều 4 Luật này là “là việc kinh doanh, cung ứng thường xuyên một hoặc một số các nghiệp vụ sau đây: a) Nhận tiền gửi; b) Cấp tín dụng; c) Cung ứng dịch vụ thanh toán qua tài khoản”. Trong đó “cấp tín dụng” là “là việc thỏa thuận để tổ chức, cá nhân sử dụng một khoản tiền hoặc cam kết cho phép sử dụng một khoản tiền theo nguyên tắc có hoàn trả bằng nghiệp vụ cho vay, chiết khấu, cho thuê tài chính, bao thanh toán, bảo lãnh ngân hàng và các nghiệp vụ cấp tín dụng khác”
Nội dung phán quyết của TANDTC nhận được sự đồng tình của chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh và một số chuyên gia khác.
Tuy nhiên đọc kỹ Khoản 12 Điều 4 thì thấy “hoạt động ngân hàng là việc kinh doanh, cung ứng thường xuyên”. Như vậy nếu coi việc doanh nghiệp nước ngoài cho doanh nghiệp trong nước vay tiền là vi phạm điều cấm của Luật các tổ chức tín dụng thì phải chứng minh được doanh nghiệp đó thực hiện hoạt động cho vạy một cách thường xuyên. Vậy thế nào là “thường xuyên”? – hiện nay chưa có bất cứ một hướng dẫn nào giải thích cụ thể hơn quy định này. Theo như định nghĩa rất khó hiểu và loằng ngoằng trong cuốn Từ Điển Tiếng Việt của Viện Ngôn Ngữ Học VN (chủ biên Nguyễn Dương Chi, NXB Đồng Nai 2001) thì “thường xuyên” có nghĩa là “luôn luôn và đều đặn”, nhưng cũng theo Từ Điển này “luôn luôn” lại có nghĩa là “thường xuyên” J, à “thường xuyên” = “thường xuyên” + “đều đặn” L! ( hay “đều đặn” = 0). Do vậy tùy vào nhận định của mỗi người, mỗi thẩm phán mà phát xét đó có phải là hoạt động “thường xuyên” hay không. Tuy nhiên một điều đơn giải ai cũng biết đó là nếu chỉ thực hiện 01 lần thì không thể gọi là “thường xuyên” được, bởi nếu 01 lần là thường xuyên thì không rõ các trạng từ chỉ tần xuất khác như “hiếm khi”, “ít khi”, “thỉnh thoảng” nó chỉ tần xuất bao nhiêu lần???.
Trong trường hợp trên nếu doanh nghiệp nước ngoài chỉ cho doanh nghiệp trong nước vay 01 lần thì sẽ rất khó thuyết phục khi cho rằng họ đã thực hiện hiện hoạt động ngân hàng theo quy định của Luật các tổ chức tín dụng để tuyên giao dịch đó vô hiệu được. Nếu nhận định như hội đồng xét xử trong vụ án này thì chế định hợp “đồng cho vay tài sản” trong Bộ luật dân sự trở nên vô nghĩa. (Theo người viết, trong trường hợp này xử như hội đồng cấp sơ thẩm là chính xác.)
Theo một chiều hướng ngược lại, mỗi năm ngành tòa án vẫn thụ lý và giải quyết hàng ngàn vụ án tranh chấp hợp đồng cho vay tài sản giữa các chủ thể khác nhau trong xã hội mà không hề bị tuyên vô hiệu vì lý do này như lập luận của hội đồng xét xử trong vụ án trên.
Những mâu thuẩn trên cho thấy câu nói “bất hủ” của một cựu chánh án rằng “án dân sự xử sao cũng được” đã phản ánh một sự thật không thể chối cải của ngành tòa án? Tuy nhiên từ “được” ở đây có lẽ ám chỉ phản ứng của những người làm trong ngành Tòa án với nhau, còn đối một phần các chủ thể khác thì sẽ là “không được” như trong phán quyết của Tòa án nhân dân tối cao trong vụ án trên.

Nói thêm về cụm từ “thường xuyên”.
Ngoài việc xuất hiện trong Luật các tổ chức tín dụng nhưng chưa có văn bản hướng dẫn (mà có hướng dẫn chắc cũng chỉ rối thêm), chúng ta còn bắt gặp từ “thường xuyên” này nó xuất hiện một cách rất thường xuyên trong nhiều văn bản quy phạm pháp luật và cũng không có hướng dẫn như:
Nhóm người di biến động là những người thường xuyên sống xa gia đình, thay đổi chỗ ở và nơi làm việc” – Luật phòng, chống nhiễm virut gây ra hội chứng HIV/AIDS
Nơi cư trú của cá nhân là nơi người đó thường xuyên sinh sống. Trường hợp không xác định được nơi thường xuyên sinh sống thì nơi cư trú là nơi người đó đang sinh sống” – BLDS
Gói thầu là một phần của dự án, ….hoặc là khối lượng mua sắm một lần đối với mua sắm thường xuyên" – Luật Đấu Thầu
………và rất nhiều các văn bản khác nữa.
Ngoài thuật ngữ “thường xuyên” thì một thuật ngữ khác hiện cũng được hiểu theo cảm nhận của từng người là cụm từ “không thường xuyên”. Về tần số xuất hiện trong các văn bản pháp luật so với thuật ngữ “thường xuyên” thì thuật ngữ này xuất hiện một cách không thường xuyên nhưng vẫn có thể điểm qua một vài văn bản có sự xuất hiện của cụm từ này như:
Hộ kinh doanh cá thể Là loại hình kinh doanh do một cá nhân hoặc hộ gia đình làm chủ, kinh doanh tại một địa điểm cố định, không thường xuyên thuê lao động, không có con dấu và chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình đối với hoạt động kinh doanh” – Nghị định 02/2000/NĐ-Cp
Đài tầu là một đài vô tuyến điện lưu động thuộc nghiệp vụ lưu động hàng hải đặt trên tầu, thuyền và không thường xuyên thả neo” – Nghị định 24/2004/NĐ-CP
“Diện tích kinh doanh ngoài trời Là diện tích mua bán tự do, bố trí ngoài trời, trong sân chợ. Thường không phân chia cụ thể cho một chủ hàng nào, dành cho đối tượng kinh doanh không Thường xuyên.” – Quyết định 13/2006/QĐ-BXD.

Đương nhiên thuật ngữ này cũng không hề có hướng dẫn.
Tóm lại, các nhà làm luật ở Việt Nam rất thường xuyên đưa ra những thuật ngữ cảm tính kiểu như “thường xuyên” và “không thường xuyên” trong các văn bản pháp luật.
Luật sư tập sự: Hoàng Văn Thạch

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét