19 tháng 3, 2011

Phân Biệt Tranh Chấp Kinh Doanh - Thương Mại & Tranh Chấp Dân Sự


Đặng Thị Mỹ Dung
Luật sư tập sự: Hoàng Văn Thạch

Trước đây khi Pháp lệnh hợp đồng kinh tế 1989 còn hiệu lực quy định chủ thể của hợp đồng kinh tế là pháp nhân với pháp nhân hoặc pháp nhân với cá thể có đăng ký kinh doanh Tuy nhiên sau này khi BLDS 2005 ra đời thay thế BLDS1995 và đồng thời khai tử luôn cả Pháp lệnh hợp đồng kinh tế 1989 và “xóa sổ” khái niệm “hợp đồng kinh tế. Tiếp sau đó là sự ra đời của Luật Thương Mại 2005 mà đối tượng áp dụng bao gồm cả các đối tượng điều chỉnh của PLHĐKT trước đây. Nhưng một vấn đề nảy sinh khiến nhiều luật gia tranh cải là khi nào thì được coi là “Tranh chấp kinh doanh thương mại” để ưu tiên áp dụng Luật Thương Mại và khi nào thì gọi là “Tranh chấp dân sự” để áp dụng triệt để Bộ luật dân sự 200. Liệu các quy định của pháp luật về vấn đề này đã rõ ràng?

Theo như quy định tại Điều 2 Luật thương mại 2005 thì đối tượng điều chỉnh của Luật Thương mại là thương nhân có hoạt động thương mại và tổ chức cá nhân khác hoạt động liên quan đến thương mại. Như vậy chiếu theo quy định này thì bất kỳ cá nhân, tổ chức nào tham gia hoạt động thương mại đều được điều chỉnh bằng Luật thương mại (Hoạt động thương mại theo quy định tại Khoản 1 Điều 3 Luật Thương Mại 2005 là “hoạt động nhằm mục đích sinh lợi, bao gồm mua bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ, đầu tư, xúc tiến thương mại và các hoạt động nhằm mục đích sinh lợi khác”). Khi đó tranh chấp phát sinh giữa các chủ thể này sẽ được gọi là tranh chấp kinh doanh thương mại và cơ quan tòa án có thẩm quyền thụ lý là Tòa kinh tế. Tiếp đó tại Điều 29 BLDS lại quy định về các tranh chấp kinh doanh thương mại thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án gồm: “1. Tranh chấp phát sinh trong hoạt động kinh doanh, thương mại giữa cá nhân, tổ chức có đăng ký kinh doanh với nhau và đều có mục đích lợi nhuận…2. Tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ giữa cá nhân, tổ chức với nhau và đều có mục đích lợi nhuận. 3. Tranh chấp giữa công ty với các thành viên của công ty, giữa các thành viên của công ty với nhau liên quan đến việc thành lập, hoạt động, giải thể, sáp nhập, hợp nhất, chia, tách, chuyển đổi hình thức tổ chức của công ty. 4. Các tranh chấp khác về kinh doanh, thương mại mà pháp luật có quy định”. Tuy nhiên có lẽ một vài luật gia chỉ căn cứ theo quy định tại Khoản 1 Điều 29 nêu trên để nói rằng tranh chấp kinh doanh thương mại phải là tranh chấp giữa các chủ thể có đăng ký kinh doanh với nhau, hoặc phải đảm bảo cả 2 điều kiện là các bên vừa phải có đăng ký kinh doanh, vừa phải có mục đích lợi nhuận mà bỏ qua quy định tại Khoản 4 là “các tranh chấp khác về kinh doanh thương mại”. Vậy các “tranh chấp khác KDTM” ở đây là gì? Tại Điểm b Tiểu mục 1.1 Mục 1 – Nghị quyết 01/2005/NQ-HĐTP quy định như sau: “Toà kinh tế có nhiệm vụ, quyền hạn giải quyết các tranh chấp và các yêu cầu về kinh doanh, thương mại quy định tại Điều 29 và Điều 30 của BLTTĐS; các tranh chấp về kinh doanh, thương mại mà một hoặc các bên không có đăng ký kinh doanh, nhưng đều có mục đích lợi nhuận”. Từ đó có thể thấy các “tranh chấp khác về kinh doanh thương mại” ở đây chính là các tranh chấp giữa một hoặc các bên không có đăng ký kinh doanh nhưng đều có mục đích lợi nhuận, hay nói cách khác tranh chấp kinh doanh thương mại không bắt buộc phải tuân thủ điều kiện về chủ thể là phải có đăng ký kinh doanh mà chỉ cần đảm bảo yếu tố là các bên đều có mục đích lợi nhuận. Thế nhưng thật khó hiểu là trên chuyện mục Tạp chí pháp luật của báo Pháp luật Tp Hồ chí minh số ra ngày 28/06/2010 đã đăng tải ý kiến đóng góp của một số Thấm phán tòa án ở khu vực phía nam về sửa đổi bộ luật Tố tụng dân sự, trong đó nội dung vẫn tranh cãi về một vấn đề đã quá rõ là tranh chấp kinh doanh thương mại do Tòa kinh tế thụ lý có nhất thiết phải đảm bảo điều kiện là các bên phải có đăng ký kinh doanh hay không? Có vị phó chánh án một tòa cấp tỉnh khăng khăng cho rằng phải đảm bảo cả 2 yếu tố là chủ thể phải đều có đăng ký kinh doanh và các bên có mục đích lợi nhuận thì mới được coi là tranh chấp kinh doanh thương mại, còn không thì đó là tranh chấp dân sự thông thường và yêu cầu TATC phải có văn bản hướng dẫn cụ thể ngay để TA địa phương áp dụng (tất nhiên là sẽ chẳng có thêm văn bản giải thích nào nữa từ TATC) – Nguồn http://phapluattp.vn/20100627115719401p0c1063/lung-tung-phan-dinh-an-dan-su-an-thuong-mai.htm

Cũng liên quan đến việc tham gia đóng góp ý kiến cho lần sửa đổi tới đây của BLTTDS 2004, mới đây 08/02/2011 cũng trên chuyên mục này báo còn đăng ý kiến của bà Tiến sĩ N.T.H.P Giảng viên ĐH Luật TPHCM, theo đó Tiến sĩ P tỏ ra rất bức xúc vì pháp luật tố tụng dân sự chưa cho phép luật sư tham gia phiên hòa giải, và yêu cầu cần phải bổ sung ngay điều luật quy định cho phép luật sư được tham gia phiên hòa giải trong lần sửa đổi tới, nghiêm trọng hơn bà Tiến sĩ còn đồng nhất cả khái niệm “luật sư” và “người đại diện của đương sự” (nguồn http://phapluattp.vn/20110207105026402p1063c1016/sua-doi-bo-luat-to-tung-dan-su-nen-cho-luat-su-tham-gia-phien-hoa-giai.htm). 
Tuy nhiên thì có thể thấy việc luật sư (người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho đương sự chứ không phải là người đại diện cho đương sự) được tham gia phiên hòa giải trong tranh chấp dân sự đã được quy định cụ thể tại Khoản 3 Điều 64 BLTTDS 2004 và có lẽ bất kể Luật sư nào có thâm niên trong nghề đều ít nhất từng một lần tham gia phiên hòa giải dân sự.
Theo quan điểm của cá nhân tôi, hiện nay cả BLTTDS và BLTTHS  có những điểm cần sửa đổi. Tuy nhiên cái chính là chỉ mong các cơ quan tiến hành tố tụng tuân thủ các quy định của pháp luật để đảm bảo quyền và lợi ích của người dân cũng như tôn trọng quyền của Luật sư. Thời gian gần đây trên các ấn phẩm pháp luật có đăng tải theo định kỳ các ý kiến đóng góp của một số luật gia cho công tác sửa đổi BLTTDS 2004, tuy nhiên thì những ý kiến này nhìn chung thiếu chất lượng, luẩn quẩn tạo ra một cuộc tranh luận không có hồi kết và người tham gia đóng góp ý kiến còn tỏ ra thiếu trách nhiệm với những phát biểu của mình.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét