22 tháng 10, 2010

"Truy Nã" Và Sự Tùy Tiện Của Cơ Quan Điều Tra



Luật Sư tập sự: Hoàng Văn Thạch
Phạm Thanh Tâm
Nhân chuyện CA Tp HCM có công văn yêu cầu CA các quận huyện rà soát lại các lệnh truy nã từ trước tới nay trên địa bàn. Báo pháp luật Tp HCM số ra 20/10/2010 đã có bài viết “chuyện oái ăm từ các lệnh truy nã” để phản ánh việc thiếu trách nhiệm của CQĐT khi ra các quyết định truy nã bị can, bị cáo…làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới quyền và lợi ích hợp pháp của người bị truy nã. Tiếp nối đề tài trên, bài viết này tiếp tục nêu nên vấn đề sự tùy tiện của CQĐT (không chỉ trên địa bàn Tp HCM) trong việc ra các quyết định truy nã bị can
Truy nã là gì và khi nào bị can bị truy nã
Các văn bản pháp luật hiện hành không có định nghĩa thế nào là truy nã. Tuy nhiên về mặt ngôn ngữ thì “truy nã” được hiểu là toàn bộ các biện pháp mà cơ quan điều tra áp dụng để truy bắt bị can, bị cáo, người đang chấp hành hình phạt tù. Trước khi áp dụng biện pháp “truy nã” thì cơ quan điều tra phải ra một văn bản gọi là “quyết định truy nã bị can (bị cáo, hoặc người đang chấp hành hình phạt tù)” quyết đinh này sẽ được thông báo lên các phương tiện thông tin đại chúng để mọi người phát hiện, bắt giữ người bị truy nã..
Vậy khi nào thì bị can bị truy nã. Điều 161 BLTTHS quy định “Khi bị can trốn hoặc không biết bị can đang ở đâu thì Cơ quan điều tra phải ra quyết định truy nã bị can”.
“bỏ trốn” ở đây được hiểu là bị can đã có những hành vi đánh lừa cơ quan điều tra thể hiện qua việc thay đổi các thông tin liên quan đến danh tính, đặc điểm nhận dạng bị can khiến các cơ quan bảo vệ pháp luật ko biết được. “bỏ trốn” cũng được hiểu là việc bị can biết mình sẽ bị cơ quan điều tra triệu tập hoặc đã bị cơ quan điều tra triệu tập mà cố tình lẫn tránh bằng việc đi khỏi nơi cư trú đến một nơi khác để ẩn nấp mà không khai báo tạm trú, tạm vắng.
“Không biết bị can đang ở đâu” nghĩa là danh tính bị can đã được xác định rất rõ nhưng sau khi cơ quan điều tra đã tiến hành xác minh tại gia đình, địa phương nhưng không biết hiện bị can đang ở đâu để triệu tập và bị can cũng không hề biết mình đã bị khởi tố bị can cũng như đang bị CQĐT triệu tập.
Không xác minh đến nơi đến chốn đã vội vàng ra quyết định truy nã.
Như trên đã phân tích thì cơ quan điều tra muốn khẳng định không biết bị can đang ở đâu thì trước tiên phải tiến hành xác minh cụ thể tại gia đình cũng như địa phương để nắm bắt thông tin về bị can. Nếu như chưa làm đầy đủ những biện pháp cơ bản trên nhằm nắm bắt thông tin về bị can thì chưa thể khẳng định “không biết bị can đang ở đâu” được.
Bị can TTX bị cơ quan điều tra tỉnh BN khởi tố bị can về tội “tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép” quy định tại Điều 275 BLHS. Theo như quy định tại Điều 49 BLTTHS thì bị can có quyền được nhận “quyết định khởi tố” đồng thời có nghĩa vụ “có mặt theo giấy triệu tập của cơ quan điều tra, VKS”. Vậy để bị can có thể thực hiện được quyền và nghĩa vụ của mình thì cơ quan điều tra phải tống đạt các loại giấy tờ này tới bị can. Do lúc này bị can hiện đang sinh sống, làm việc ở nước ngoài nên không có mặt tại đia phương, cơ quan điều tra tỉnh BN đã về địa phương xác minh xem bị can TTX hiện đang cư trú ở đâu. Thế nhưng điều đáng nói là mặc dù trong quyết định khởi tố bị can HKTT và “Chổ ở” của bị can đã được thể hiện rất cụ thể và ở cả hai địa phương khác nhau nhưng CQĐT chỉ có các biên bản xác minh và biên bản làm việc với phía chính quyền sở tại nơi ĐKHKTT của bị can, mà cụ thể là làm việc với phó trưởng CA phường và Cảnh sát khu vực nơi bị can cư trú mà không hề làm việc với chính quyền nơi bị can có “chổ ở” (như thể hiện trong quyết định khởi tố bị can) cũng như làm việc với gia đình bị can để nắm bắt thông tin cụ thể về nơi cư trú hiện tại của bị can. Trong hồ sơ vụ án cũng không thấy có biên bản xác minh giữa CA phường nơi ĐKHKTT của bị can với gia đình bị can nhưng trong biên bản làm việc giữa Điều tra viên và Phó trưởng CA phường, Cảnh sát khu vực lập ngày 17/02/2009 lại trích dẫn “lời khai” của chồng bị can là không biết địa chỉ cụ thể của bị can, mà chỉ biết bị can đang ở Macau – Trung Quốc, thỉnh thoảng có về Hà Nội thăm hai con gái (đang học trên Hà Nội) - vậy CA phường căn cứ vào đâu để khẳng định đó là lời xác minh của chồng bị can? Lời xác minh đó được lấy khi nào, ở đâu? Thậm chí ngay cả khi đã lấy “lời khai” của chồng bị can mà vẫn không thể xác minh được địa chỉ của bị can thì trong thẩm quyền và khả năng của mình CQĐT vẫn còn có thể làm việc với những người thân khác của bị can như bố - mẹ, các con bị can...hoặc gửi công văn yêu cầu Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Macau, Hồng Kông xác minh hộ. Nếu chưa làm được những việc đó thì CQĐT đã chưa đảm bảo tốt cho bị can thực hiện quyền cũng như nghĩa vụ của mình, CQĐT chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm của mình.
Hậu quả từ việc ra quyết định truy nã một cách thiếu trách nhiệm
Sau khi có biên bản làm việc và xác minh từ Công An phường, CQĐT đã khẳng định hiện không biết bị can đang ở đâu và ra quyết định truy nã bị can đối với TTX.
Theo quy định của pháp luật hiện hành thì quyết định truy nã sẽ đươc đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chung và bất kể ai cũng có thể bắt giữ người đang bị truy nã.
Hậu quả xuất phát từ những việc trên là bị can sẽ bị hoang mang, mất tinh thần khi đọc được quyết định truy nã mà đáng ra nếu cơ quan điều tra làm có trách nhiệm hơn thì họ đã có thể tiếp nhận các giấy tờ tống đạt của cơ quan điều tra và đến trình diện theo pháp luật nhằm làm rõ sự việc mà không phải bị “phơi mặt” trên báo đài cho bàn dân thiên hạ biết.
Ngoài ra thì việc họ hoàn toàn có thể bị bắt bất cứ lúc nào, ở đâu, bởi bất kỳ ai. Do vậy điều này nằm ngoài những dự tính của người bị truy nã và nó ảnh hưởng nghiêm trong tới công việc hằng ngày của họ cũng như việc bổng dưng bị bắt giữa thanh thiên bạch nhật còn làm cho danh dự, uy tín của họ bị xâm phạm nặng nề.
Kiến nghị:
Để việc “truy nã” vừa đảm bảo được mục đích của nó là truy bắt người bị truy nã (bị can, bị cáo, người đang chấp hành hình phạt tù) đồng thời đảm bảo các quyền và lợi ích chính đáng của họ thì ngoài việc cơ quan điều tra cần làm hết trách nhiệm của mình trước khi ra quyết định truy nã, pháp luật cũng cần có những quy phạm quy định cụ thể về việc xác minh địa chỉ của bị can trước khi ra quyết định truy nã. Bởi từ khi ra đời bộ luật TTHS 2004 thì chưa co một văn bản nào quy định cụ thể về chế định truy nã. Trước đây, liên quan đến BLTTHS 1988 thì cũng có thông tư liên ngành số “03/TTLN giữa TANDTC, VKSNDTC, BNV thực hiện một số quy định về truy nã bị can, bị cáo trong giai đoạn truy tố, xét xử” nhưng ngay cả thông tư này cũng không điều chỉnh việc truy nã trong giai đoạn khởi tố, cũng nhưa chưa quy định trách nhiệm của CQĐT trong việc xác minh nơi cư trú của bị can.

13 tháng 10, 2010

Bàn về hành vi "man rợ" của Nguyễn Đức Nghĩa


Luật sư tập sự: Hoàng Văn Thạch
Ai đây?
Thời gian gần đây báo chí đang tốn rất nhiều giấy mực về việc Nguyễn Đức Nghĩa kháng cáo. Phần lớn là lên tiếng chỉ trích hành vi kháng cáo của anh này. Còn giới luật thì đang tranh cãi về vấn đề Nguyễn Đức Nghĩa có bị coi là “thực hiện tội phạm một cách man rợ”? Bởi đây là một tình tiết định khung tăng nặng TNHS rất quan trọng, quy định tại Điểm i – K1 – Điều 93 BLHS (tội giết người) nó ảnh hưởng khá nhiều đến việc HĐXX tuyên Nguyễn Đức Nghĩa hình phạt tử hình, nếu thoát được tình tiết này thì khả năng sống của Nghĩa tăng lên được một chút (dù không đáng bao nhiêu). Phe ủng hộ việc coi Nghĩa đã “thực hiện tội phạm (giết người) một cách man rợ” có thể liệt kê ra đây như: Thẩm phán chủ tọa phiên tòa sơ thẩm xét xử Nghĩa, Kiểm sát viên giữ quyền công tố tại phiên tòa sơ thẩm, Luật gia Nguyễn Sơn với bài viết trên báo đời sống pháp luật, gần đây có thểm Luật sư Ngô Ngọc Trai cũng đã đăng đàn trên báo Dantri.com thể hiện quan điểm của mình, ngoài ra có thể kể đến Tiến Sĩ Phạm Văn Beo (ĐH Cần Thơ) – quan điểm này được ông thể hiện trong cuốn Giáo Trình Luật Hình Sự phần riêng – Cần Thơ 2008)...và còn nhiều những người khác nữa. Phe phản đối cho rằng Nghĩa không “thực hiện tội phạm (giết người) một cách man rợ” theo như tôi biết thì có thể kể ra 2 người là Luật Sư Ngô Ngọc Thủy, tác giả Lê Trung Vũ (Đồng Nai) với bài viết đăng trên báo Đời sống & Pháp Luật số ra ngày 14/08/2010...tuy nhiên có điều chắc chắn thì phe này ít hơn nhiều.
Nhân đây, với tư cách là một người học Luật và đang hành nghề Luật tôi xin nêu ra quan điểm cá nhân của mình để bàn thêm về việc hành vi của Nghĩa có thể coi là “thực hiện tội phạm một cách man rợ” hay không? Bởi tôi đã được đọc ở đâu đó quan điểm của Luật sư Thủy cũng như những người khác bày tỏ quan điểm cho rằng Nghĩa không “thực hiện tội phạm một cách man rợ” nhưng thực sự tôi thấy cách lập luận của họ chưa sâu, thật sự thuyết phục, quanh đi quẩn lại vẫn chỉ là “do nghĩa thực hiện hành vi cắt cổ, cắt mười đầu ngón tay nạn nhân sau khi nạn nhân đã chết nên không thể coi là thực hiện tội phạm một cách man rợ” (tất nhiên quan điểm đầy đủ của Luật sư Thủy tại phiên tòa thì tôi không được nghe, mà chỉ đọc ở một số tờ báo họ trích lại như thế).
Man rợ là gì?
Trước tiên về mặt ngữ nghĩa thì chẳng cần dở từ điển ai cũng hiểu “man rợ” có nghĩa là “tàn ác, tàn bạo đến mức mất tính người”. Soi vào hành vi “cắt đầu thi thể nạn nhân và 10 đầu ngón tay rồi đem xác lên tầng thượng phi tang” rõ ràng là “man rợ”. Còn hành vi “đâm 2 nhát dao” làm nạn nhân tử vong thì không thể coi là “man rợ” được, nếu coi vậy thì 90% các vụ giết người là “man rợ”.
Về mặt ngữ pháp: cụm từ “thực hiện tội phạm một cách man rợ”, trong đó “một cách man rợ” sẽ bổ nghĩa cho “thực hiện tội phạm”. Như vậy “man rợ” và “tội phạm” phải gắn liền với nhau, không thể lấy “tội phạm” ở một hành vi giết người gắn với “man rợ” ở hành vi khác để buộc tội người ta là “thực hiện tội phạm (giết người) một cách man rợ” được. Mấu chốt của vấn đề nằm ở chổ này. Như đã phân tích ở trên Nghĩa đã có hành vi “man rợ”, Nghĩa cũng đã thực hiện “tội phạm” – điều này khỏi phải bàn cãi nhiều. Bây giờ muốn gỡ tội cho Nghĩa (tội giết người một cách man rợ) thì chỉ việc chứng minh cho việc trong trường hợp này “man rợ” không bổ nghĩa cho “tội phạm” giết người, mà bổ nghĩa cho một “tội phạm” khác.
Thế nào là "tội phạm"?
Vậy chứng minh như thế nào? Muốn vậy ta phải hiểu thế nào là “tội phạm”. Vậy “tội phạm” là gì? K1 – Điều 8 BLHS quy định “Tội phạm là hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định trong Bộ luật hình sự, do người có năng lực trách nhiệm hình sự thực hiện một cách cố ý hoặc vô ý, xâm phạm độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc, xâm phạm chế độ chính trị, chế độ kinh tế, nền văn hoá, quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tự do, tài sản, các quyền, lợi ích hợp pháp khác của công dân, xâm phạm những lĩnh vực khác của trật tự pháp luật xã hội chủ nghĩa”. Có thể dễ dàng nhận thấy để thòa mãn là “tội phạm” phải có đầy đủ các điều kiện sau: 1-hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định trong BLHS, 2-do người có NLTNHS thực hiện, 3-xâm phạm đến một trong các khách thể nêu trên. Mà ở đây người ta đang buộc tội Nghĩa giết người với tình tiết “thực hiện tội phạm (giết người) một cách man rợ” thì hành vi “tội phạm” được nói đến trong cụm từ đó phải xâm phạm đến “tính mạng” chứ không thể xâm phạm đến các khách thể khác (danh dự, chính trị, lĩnh vực khác…), nhưng con người thì chỉ có một mạng, 2 nhát dao của Nghĩa đã làm nạn nhân chết mất rồi, có nghĩa là “tính mạng” không còn nữa, vậy thì cái hành vi “cắt cổ và 10 đầu ngón tay” được coi là man rợ đó đâu có xâm phạm đến tính mạng, mà hành vi đó không xâm phạm đến tính mạng thì đó không thể là “tội phạm giết người” (2 nhát dao làm nạn nhân chết mới được coi là “tội phạm giết người”) vậy nên cũng không phải là “thực hiện tội phạm giết người một cách man rợ”. Việc một số người cho rằng hành vi chặt xác nạn nhân sau khi nạn nhân chết cũng được coi “thực hiện tội phạm (giết người) một cách man rợ” tôi cho rằng hiểu như vậy là làm “méo mó” pháp luật. Hành vi của Nguyễn Đức Nghĩa thực hiện quả thực rất ghê rợn, theo suy nghĩ chủ quan của tôi và rất nhiều người thì thực sự mà nói là “đáng chết”. Tuy nhiên cũng không vì thế mà chúng ta là mất đi sự khách quan của pháp luật. HĐXX vẫn có thể tước đi sinh mạng của Nguyễn Đức Nghĩa dù anh ta không bị coi là “thực hiện tội phạm (giết người) một cách man rợ”, bởi vì Nghĩa vẫn còn bị “ràng buộc” với K1 – Điều 93 (có khung hình phạt cao nhất đến tử hình) đó là giết người “vì động cơ đê hèn” (giết người để cướp tài sản) theo điểm q – K1 – Điều 93 (nếu Nghĩa giết người vì ghen tuông) hoặc giết người "để thực hiện hoặc che dấu tội phạm khác" theo điểm g - K1 - Điều 48 (nếu Nghĩa giết người để cướp tài sản), bên cạnh đó Nghĩa còn phạm tội cướp tài sản và một tội nữa mà tội sẽ phân tích dưới đây.
Nghĩa còn phạm tội khác?
Như trên đã phân tích thì hành vi man rợ “cắt cổ và 10 đầu ngón tay nạn nhân” của Nghĩa không xâm phạm đến khách thể “tính mạng” nên không thể coi đó là “thực hiện hành vi tội phạm (giết người) một cách man rợ”, vậy hành vi “man rợ” đó có phải là “tội phạm” không, nếu có thì nó xâm phạm đến khách thể nào? Phạm vào tội gì?.
Xác người đã chết chúng ta gọi đó là “thi thể”, vậy “thi thể” có được coi là khách thể được pháp luật hình sự bảo vệ? Nó chính là “..lĩnh vực khác…” mà K2 – Điều 8 đã quy định. Cụ thể tại Điều 246 có quy định về tội “xâm phạm thi thể, mồ mã, hài cốt”, trong đó quy định “người nào đào, phá mồ mả, chiếm đoạt những đồ vật để ở trong mộ, trên mộ hoặc có hành vi khác xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm”. Hành vi chặt xác nạn nhân của Nghĩa là xâm phạm đến thi thể của người đã chết, như vậy hành vi “man rợ” của Nguyễn Đức Nghĩa đã phạm vào tội “xâm phạm thi thể” (chứ không phải tội giết người “man rợ”).
Ngoài ra thì nếu CQĐT chứng minh được Nghĩa giết người để cướp tài sản thì Nghĩa còn phạm vào tội Cướp tài sản - Điều 133 BLHS.
Tóm lại, Nghĩa phạm 2 tội: Giết người, xâm phạm thi thể hoặc có thể thêm cả tội Cướp tài sản nữa. Nghĩa không phạm tội giết người với tình tiết “thực hiện tội phạm một cách man rợ” theo điểm I – K1 – Điều 93 BLHS.