23 tháng 2, 2012

Một Điều Luật Rất Dở!


Im Yoona
Luật Sư tập sự: Hoàng Văn Thạch

Cuộc chiến pháp lý tranh chấp bản quyền truyền hình giữa AVG, VFF với VPF đã “nguội dần” khi các bên đã chịu ngồi lại với nhau.
Tuy nhiên, khởi sự từ việc bầu Đức, bầu Kiên tuyên bố “VPF đã ký một biên bản ghi nhớ với VTV về việc VPF bán bản quyền truyền hình giải Vleague cho VTV với giá hơn 70 tỷ đồng cho 03 năm” nhà báo Hải Đăng của báo Vietnamnet đã cho rằng đây dù là một biên bản ghi nhớ thì cũng là trái luật, do khi ký biên bản này bản quyền truyền hình vẫn thuộc sở hữu của AVG, VPF chưa có quyền gì với bản quyền truyền hình cả. Nặng lời hơn khi bài báo còn mạnh miệng rêu rao rằng VPF đã “bán trời không văn tự” (nguồn: http://thethao.vietnamnet.vn/vn/v-league/11849/vpf-vung-tay-b--225-n-vit-troi-.html). Mặc dù đây là một bài viết của một “kẻ ngoại đạo” (chắc không phải chuyên gia pháp luật), nội dung mang tính đánh động dự luận nhằm câu lượng view hơn là phân tích pháp lý nhưng nó cũng gợi cho người đọc thấy nóng mắt và phải dở luật ra xem thực hư chuyện này là như thế nào?
Vậy thực chất biên bản ghi nhớ giữa VPF và VTV có phải là một biên bản trái pháp luật hay không? Tìm hiểu về vấn đề này thì thấy “lòi ra” trong Bộ luật dân sự (BLDS) một điều luật rất “ngang bướng”.
Theo quy định tại Khoản 1 Điều 125 BLDS “Trong trường hợp các bên có thỏa thuận về điều kiện phát sinh hoặc hủy bỏ giao dịch dân sự thì khi điều kiện đó xảy ra, giao dịch dân sự phát sinh hoặc hủy bỏ”. Như vậy có thể thấy “biên bản ghi nhớ” giữa VPF và VTV ở đây thực chất chính là thỏa thuận về “điều kiện phát sinh giao dịch dân sự”. Trong đó “giao dich dân sự” là việc VPF bán bản quyền truyền hình cho VTV, còn “điều kiện phát sinh giao dịch” chính là khi VPF có được bản quyền truyền hình giải đấu Vleague. Điều kiện này trên thực tế là hoàn toàn có thể xảy ra, vì: VPF vẫn có quyền tiếp tục khiếu nại lên Thanh tra Chính phủ để xem xét lại kết luận của Thanh tra Bộ văn hóa – thể thao và du lịch, hoặc khởi kiện tại Tòa án để tuyên hợp đồng giữa VFF và AVG vô hiệu nhằm dành lấy bản quyền truyền hình phát sóng giải Vleague. Hoặc thậm chí VPF cũng có thể có được bản quyền truyền hình nếu AVG chấp nhận hủy hợp đồng và nhường lại cho VPF như lời ông Phạm Nhật Vũ đã từng hứa. Khi điều kiện đó xảy ra thì VPF phải có nghĩa vụ bán lại bản quyền cho VTV (hay VTV có nghĩa vụ phải mua lại) với giá đã được thỏa thuận trước như trong biên bản ghi nhớ (70 tỷ trong 03 năm). Nói tóm lại là thỏa thuận giữa VPF và VTV hoàn toàn được pháp luật thừa nhận.
Tuy nhiên Khoản 2 Điều 125 BLDS lại quy định “nếu có sự tác động của một bên hoặc của người thứ ba cố ý thúc đẩy cho điều kiện để làm phát sinh hoặc huỷ bỏ giao dịch dân sự xảy ra thì coi như điều kiện đó không xảy ra”. Nếu chiếu theo điều luật này thì điều kiện phát sinh giao dịch bán bản quyền truyền hình giữa VPF và VTV gần như chắc chắn sẽ bị cọi là không bao giờ xảy ra cả. Vì việc VPF có được bản quyền truyền hình hay không đều ít nhiều dựa vào các nổ lực chủ quan của họ (tức là đã tác động để thúc đẩy điều kiện phát sinh giao dịch xảy ra), không có chuyện bổng dưng AVG tự ý thanh lý hợp đồng và trả lại bản quyền truyền hình cho cho VPF mà không có bất cứ sự tác động nào từ VPF. Đây chắc chắn là một điều khoản rất dỡ, đi ngược lại với nguyên tắc tự do thỏa thuận (miễn là không trái pháp luật và đạo đức xã hội được quy định tại Điều 4 BLDS) và không phản ánh được “hơi thở của cuộc sống”. Vì trong thực tế các bên có thể thỏa thuận điều kiện phát sinh giao dịch dân sự là điều kiện khách quan, nhưng cũng có rất nhiều trường hợp điều kiện phát sinh giao dịch là điều kiện chủ quan. VD: Ông A có thể thỏa thuận với ông B rằng nếu ngày mai Thành phố cấm trông giữ xe tại 262 tuyến phố tôi sẽ bán lại chiếc xe cadilac cho ông để sử dụng xe Bus (đây là điều kiện khách quan – ông B là công dân bình thường không thể can thiệt vào quyết định của UBND Thành phố). Tuy nhiên các bên cũng có thể thỏa thuận khi nào ông A xin được hộ khẩu tại Hà Nội thì ông B sẽ bán cho ông A căn nhà của ông B ở Hà Nội theo giá đã định. Với điều kiện này thì ông A buộc phải có những hành động để đáp ứng đủ tiêu chuẩn xin hộ khẩu tại Hà Nội, và khi đủ điều kiện rồi ông A còn phải thực hiện các thủ tục hành chính để yêu cầu cơ quan chức năng cho ông được nhập hộ khẩu, tức là có sự tác động để cho điều kiện phát sinh giao dịch xảy ra. Đó là những thỏa thuận hết sức chính đáng, nếu không được pháp luật chấp nhận thì thật vô lý.
Ngoài việc đi ngược lại nguyên tắc chung của BLDS và xa rời thực tế, điều khoản này còn “chỏi” nhau với Điều 470 BLDS về tặng cho tài sản có điều kiện và Điều 590 BLDS về hứa thưởng. Cụ thể Điều 470 quy định “Bên tặng cho có thể yêu cầu bên được tặng cho thực hiện một hoặc nhiều nghĩa vụ dân sự trước hoặc sau khi tặng cho. Điều kiện tặng cho không được trái pháp luật, đạo đức xã hội”, Điều 590 BLDS quy định “1. Người đã công khai hứa thưởng phải trả thưởng cho người đã thực hiện công việc theo yêu cầu của người hứa thưởng…2. Công việc được hứa thưởng phải cụ thể, có thể thực hiện được, không bị pháp luật cấm, không trái đạo đức xã hội”. “Nghĩa vụ dân sự trước khi tặng cho” và “đã thực hiện công việc theo yêu cầu của người hứa thưởng” được nói đến trong 02 điều luật trên chính là các “điều kiện” để phát sinh các giao dịch (tặng cho và thưởng) theo như quy định chung về giao dịch dân sự tại Điều 125 BLDS. Tuy nhiên cả 02 điều luật này chỉ quy định “điều kiện phát sinh giao dịch” phải không được trái pháp luật và đạo đức xã hội, mà không hề quy định về việc có hay không tác động một bên hoặc bên thứ 3 cố ý thúc đẩy cho điều kiển làm phát sinh giao dịch dân sự xảy ra.
Một quy định rất ngang ngược như vậy nhưng đã sống được 07 năm tuổi. Hy vọng trong lần sửa đổi BLDS sắp tới (cũng như một loạt các luật khác)các nhà làm luật sẽ loại bỏ những “hạt sạn” kiểu như thế này ra khỏi đời sống pháp luật.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét