21 tháng 8, 2012

Nhà Nước Cũng Lách Luật



Luật sư tập sự: Hoàng Văn Thạch
Ngụy Thanh Lan
Theo lý luận chung về Nhà nước và pháp luật thì pháp luật hay luật pháp được hiểu là những quy tắc xử sự mang tính bắt buộc chung được Nhà nước đặt ra hoặc thừa nhận, thể hiện ý chí của giai cấp cầm quyền và được Nhà nước đảm bảo thi hành bằng các biện pháp giáo dục hoặc cưỡng chế.
Mục đích của Nhà nước làm ra pháp luật là để điều chỉnh các quan hệ xã hội. Tuy nhiên vì các mối quan hệ xã hội luôn rất sinh động và phức tạp nên Pháp luật không thể lường trước hết các tình huống phát sinh dẫn đến pháp luật luôn có kẻ hở để người khác lách luật. Nhưng đôi khi những kẻ hở này cũng đến do sự hạn chế trong kỹ năng lập pháp. Vì trách nhiệm lập pháp là của Nhà nước, do vậy lẽ ra khi phát hiện ra kẻ hở này Nhà nước phải bằng các biện pháp “bịt” chúng lại. Thế mới là làm đúng trách nhiệm của mình. Thế nhưng vẫn có những trường hợp ngược đời, khi phát hiện kẻ hở do chính mình làm ra, không những Nhà Nước không “bịt” chúng lại còn lợi dụng kẻ hở đó để “lách luật”, đưa ra những công văn hướng dẫn hết sức “vô duyên”, mang nặng tính giáo điều, hạn chế một cách thái quá quyền tự do của công dân.
Ở đây tôi đang muốn nói đến công văn số 995/BXD-QLN ngày 20/06/2012 của Bộ xây dựng gửi Bộ kế hoạch đầu tư và quyền kinh doanh của công dân.
Luồn lách rất nhiều qua các quy định của pháp luật, công văn này đưa ra một kết luận mang tính chỉ đạo điều hành khiến ai đọc cũng phải ngã ngữa.
Không hoàn toàn thể hiện hết trong nội dung công văn nhưng có thể hiểu Bộ xây dựng đã căn cứ vào các quy định sau đây:
·        Điều 4.2 Luật kinh doanh bất động sản thì: cho thuê nhà, cho thuê mặt bằng kinh doanh là hoạt động kinh doanh bất động sản.
·        Điều 81 Luật kinh doanh bất động sản thì cá nhân, tổ chức khi kinh doanh dịch vụ bất động sản phải thành lập doanh nghiệp hoặc hợp tác xã và có vốn pháp định
·        Điều 3.1 Nghị định 153/2007/NĐ-CP thì vốn pháp định đối với cá nhân, tổ chức kinh doanh bất động sản là 6.000.000.000đ (sáu tỉ đồng)
·        Điều 92.1 Luật nhà ở thì cá nhân, hộ gia đình được phép đăng ký kinh doanh hoạt động cho thuê nhà ở mà không cần thành lập doanh nghiệp, hợp tác xã và không cần vốn pháp định
·        Điều 3.2 Luật kinh doanh BĐS quy định: Trường hợp đặc thù về hoạt động kinh doanh bất động sản quy định tại luật khác thì áp dụng quy định của luật đó.
Từ “hệ phương trình bậc 5” nêu trên Bộ xây dựng rút ra kết luận “nghiệm” của “hệ phương trình” là:
-         Cho thuê nhà ở thì không phải thành lập doanh nghiệp hay HTX và không cần vốn pháp định, chỉ cần đăng kí kinh doanh dưới dạng hộ cá thể
-         Cho thuê mặt bằng kinh doanh (không kể quy mô lớn nhỏ như quán cắt tóc, quán photocopy, quán phở…) thì phải đăng ký thành lập doanh nghiệp và phải có vốn pháp định 6 tỉ (lưu ý là vốn pháp định chứ không phải vốn điều lệ).
Muốn cho thuê quán nước này chủ nhân của nó phải có 06 tỷ đồng

 Đây rõ ràng là một hướng dẫn hành dân và rất khó đi vào thực tế. Đối với một doanh nghiệp chuyên kinh doanh bất động sản quy mô lớn thì không sao nhưng với một người dân bình thường, có một quán ăn nhỏ muốn cho thuê lại (có khi chỉ vài trăm ngàn/tháng) thì phải liên hệ với sở kế hoạch đầu tư để thành lập doanh nghiệp. Đồng thời phải huy động cho đủ 6 tỉ đồng để nộp vào tài khoản phong tỏa tại một ngân hàng. Tất nhiên là chẳng người dân làm dại dột mà chấp hành cả, họ vẫn cứ kinh doanh và không rõ cơ quan chức năng có đủ người và đủ mạnh để xử phạt người vi phạm hay không? vì có quá nhiều người vi phạm và một khi quá không hợp lý thì cũng tỷ lệ thuật với sự chống đối quyết liệt từ người dân. Còn nếu tất cả đều nghiêm chỉnh chấp hành thì sẽ dẫn đến không có ai cho thuê mặt bằng kinh doanh cả (vì nếu vậy chắc chắn không có lãi) à Toàn bộ nền kinh tế sẽ bị ảnh hưởng, bởi đối tượng chịu tác động chính của quy định này là các hộ kinh doanh cá thể mà theo báo cáo của VCCI năm 2011 thành phần kinh tế này cùng với HTX, trang trại đóng góp 20% vào tỷ trọng GDP của cả nước. Đấy là còn chưa kể đến hiệu ứng domino tác động đến các thành phần kinh tế khác cũng nhưng các lĩnh vực khác trong đời sống xã hội.
Có lẽ người tham mưu cho bộ trưởng bộ xây dựng ban hành công văn này đã quá đề nặng nguyên tắc pháp chế xã hội chủ nghĩa mà quên mất quyền tự do kinh doanh của công dân. Quyền tự do đó không phải là vô biên, nó vẫn phải bị pháp luật điều chỉnh và hạn chế nhưng nếu thắt chặt quá thì sẽ tạo nên sự chống đối và những hiệu ứng không tốt. Thiết nghĩ với tư cách là một cơ quan Nhà nước liên quan trong lĩnh vực Bất động sản Bộ xây dựng cần tự mình hoặc kiến nghị với các cơ quan hữu quan khẩn trương ban hành các quy định pháp lý để lấp những lỗ hổng pháp lý như vừa nêu trên, bởi công văn của Bộ xây dựng có thể phù hợp với thực tế nhưng lại hoàn toàn đúng theo các quy định của pháp luật trong lĩnh vực Bất động sản.